Cúng ông Công ông Táo thế nào cho đúng?

Ngày nay nhiều gia đình thường làm mâm cỗ tươm tất trong ngày Tết ông Táo. (Ảnh: Hoàng Hà)
Ngày nay nhiều gia đình thường làm mâm cỗ tươm tất trong ngày Tết ông Táo. (Ảnh: Hoàng Hà)
TPO - Cúng ông công ông táo là một nghi lễ truyền thống của người Việt Nam thường được tiến hành trước 12h ngày 23 tháng chạp. Tại sao lại như vậy và lễ cúng ông công ông táo cần chuẩn bị những gì?

Cúng ông Công ông Táo là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên, cần hiểu đúng ý nghĩa của tập tục này để lễ cúng được trọn vẹn và ý nghĩa hơn.

Thời điểm cúng

Cúng Táo quân (ông Công ông Táo) là tục lệ truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng cho rằng các gia đình không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm, tuyệt đối tránh cúng vào đúng ngày rằm tháng chạp. Theo đó, nên cúng sớm nhất là từ ngày 20 đến 23 tháng Chạp. Theo tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này.

Vị trí đặt đồ lễ

Nhiều người quan niệm, ông Công là thần thổ công cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng ở dưới bếp. Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu tâm linh, việc cúng lễ như vậy là không đúng. Theo truyền thống, tất cả các vị này đều cần được thờ phụng trên ban thờ chính của gia đình. Hơn nữa, bếp là nơi đun nấu, không phải nơi cúng lễ. Mâm cỗ cúng 23 tháng Chạp cần được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.

Đồ cúng, đồ lễ

Thông thường đồ cúng, đồ lễ chỉ đơn giản là bánh, kẹo và nước trà, với mong muốn Táo công "ngọt giọng", nói những điều hay. Không cần thiết làm cả mâm cỗ và nếu làm cỗ mặn cũng không được đặt lên ban thờ, mà đặt ở cái bàn con bên dưới.

Lễ vật cúng ông Công, ông Táo thường có 3 chiếc mũ ông công, trong đó hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Những đồ vàng mã này sẽ được hóa (đốt đi) sau lễ cúng ông Táo. Trên thực tế cũng không cần thiết phải dùng đồ vàng mã này, bạn không sắm cũng không sao.

Để ông Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc hay cúng con cá chép (hay cá vàng) còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa rồng" đưa ông Táo về trời. Sau khi cúng sẽ phóng sinh cá ra ao hồ hay ra sông. Nhiều nơi không hiểu, dùng cá rán để cúng là không phải. Đặc biệt, người dân cũng không nên theo trào lưu phóng sinh mà mua cả chậu cá, thả cua, ốc, rùa.

Tại miền Trung, người dân cúng thêm một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Ở miền Nam thì chỉ cúng mũ, áo và đôi hài bằng giấy.

Thả cá chép

Sau lễ cúng, các gia đình thường tiến hành hóa vàng sau đó rải tro xuống sông hồ kết hợp với phóng sinh cá chép đã cúng ông Táo. Tuy nhiên, còn một số gia đình thường đứng ở trên cầu cao thả cá xuống sông, như vậy sẽ làm chết cá, đi ngược lại ý nghĩa phóng sinh phương tiện đi lại của ông Táo. Bên cạnh đó, việc thờ cúng quá nhiều vàng mã sau đó hóa vàng rồi đổ ra sông, hồ cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường. Tuyệt đối trong ngày này không vứt cả túi nylon đựng cá, đựng tro vàng mã ra sông hồ.

Văn khấn ông Công ông Táo 23 Tết

Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Xin giới thiệu bài cúng ông Công ông Táo phổ biến.

Kính lạy Thượng Đế

Kính lạy Ngũ Đế, Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế, Trung ương Hoàng Đế.

Kính lạy thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng

Trung đàm thần tướng thiên thiên binh

Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã

Kính lạy sơn thần, long thần, thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám

Hôm nay là ngày 23 tháng chạp năm... Đinh Dậu. Là ngày thần Táo Quân về trời tấu sớ

Tín chủ con tên là... sinh ngày... tháng... năm... nguyên quán... địa chỉ thường trú...

Với tấm lòng thành kính con xin có chút lễ vật, nhang đăng thỉnh cầu kính mời Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Thần Tướng, Thiên Tướng, Thiên Binh, Thiên Mã, cùng chư vị thần tiên trên trời dưới đất, chứng giám cho con được làm lễ tiễn thần Thổ Công Táo Quân về trời.

Kính lạy Thổ thần thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám. Trong năm qua nhờ ân phúc của các ngài chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, mọi điều may mắn.

Nay con làm lễ với tấm lòng thành kính tiễn ngài về trời tấu xin Thượng Đế, Ngũ Đế, cùng chư vị thần tiên phù hộ độ trì cho đất nước con, quê hương con, gia tộc và gia đình con được mạnh khoẻ hạnh phúc, an khang thịnh vượng.

Con cầu xin Thượng Đế, Ngũ Đế các vị thần tiên cùng chư ngài chứng giám cho tấm lòng thành kính của con.

Kính chúc Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị thần tiên cùng chư ngài thiên thiên tuế!

(Con xin đa tạ, Con xin đa tạ, con xin đa tạ)

Sau khi cúng xong thì lại kính lễ 9 lần

Lễ xong đi lùi ba bước mới được quay lưng đi

Khi khấn ông Công, ông Táo đa phần không cầu xin phú quý, cũng không cầu xin no đủ, mà chỉ xin Táo công bẩm báo điều tốt, bớt nói điều không hay.

 Chờ nhang cháy 1/3 ta đã có thể mang vàng mã đi hoá cho các vị thần. Hoá xong thì gói tro vào một tờ giấy màu đỏ sạch sẽ, rồi mang cá và tro đi thả ở sông, suối, hay hồ nước có dòng chảy lưu thông. Không nên thả ở những hồ nước bẩn, ao tù.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.