Đề cập đến quy định cùm chân người bị giam giữ, ĐB Phạm Thị Kim Chi (Phú Yên) đề nghị phải bỏ quy định này do người bị tạm giam, tạm giữ chưa hẳn đã là tội phạm. Theo ĐB Chi, nếu quy định như vậy sẽ vi phạm quyền con người. Với trường hợp như vậy chỉ nên giam họ ở phòng cách ly.
Mặt khác, ĐB Chi cũng lưu ý nên trang bị camera tại phòng tạm giam, tạm giữ để tránh việc can phạm có ý định tự tử, hoặc gây rối. “Không thể lúc nào các chiến sĩ, cán bộ quản lý cũng nhìn chằm chặp vào phòng tạm giam, tạm giữ. Nếu có thiết bị camera thì sẽ hạn chế được tình trạng can phạm gây rối...”, ĐB Kim Chi nêu ý kiến.
ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) cũng cho rằng, tạm giữ tạm giam là 2 biện pháp ngăn chặn, người bị tạm giữ, tạm giam phải chịu sự quản lý, cách ly theo quy định. Do vậy họ sẽ bị hạn chế một số quyền công dân. Tuy nhiên, ngoài những quyền bị hạn chế như việc đi lại, giao dịch tiếp xúc… họ vẫn phải được hưởng những quyền khác.
Theo ĐB Lê Đông Phong, thực tế hiện nay, Bộ Công an đã có hệ thống tổ chức quản lý từ bộ đến các địa phương. Ở cơ quan bộ, hệ thống này do Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý. Còn ở Công an cấp tỉnh, trại tạm giam là một đơn vị độc lập, không có mối liên hệ bên trong với cơ quan điều tra.
Như vậy, hệ thống quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ tách riêng với Cơ quan điều tra. Việc đưa người bị tạm giữ, tạm giam vào nhà tạm giữ, trại tạm giam phải tuân thủ những quy định chặt chẽ, chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp chứ không phải thực hiện tùy tiện.
Cùng quan điểm, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, nếu xây dựng hệ thống trại tạm giam, nhà tạm giữ độc lập thì phải xây dựng mới đồng loạt 700 trại tạm giam, nhà tạm giữ, xây dựng một bộ máy mới để quản lý, rất tốn kém và không phù hợp với điều kiện của chúng ta hiện nay.
Hiện nhà tạm giữ nằm trong công an cấp huyện, cả lực lượng công an cấp huyện bảo vệ nó chứ không phải chỉ có lực lượng chuyên trách. Nếu tách riêng ra phải tổ chức công tác bảo vệ như thế nào cũng là cả một vấn đề.
ĐB Thường cũng lưu ý, nếu dồn tất cả bị can thi hành án tử hình vào một trại sẽ có rủi ro rất lớn và rất tốn kém. “Chúng tôi đi giám sát ở Sơn La thấy rằng, việc đưa người thi hành án tử hình từ Lào Cai sang Sơn La thi hành án hết từ 200 đến 300 triệu đồng.
Đưa từ Thái Bình vào Nghệ An cũng tốn tương tự mà không an toàn”, ĐB Thường nêu và đề nghị nên giữ phạm nhân thi hành án tử hình ở trại tạm giam Công an cấp tỉnh như hiện nay.