Theo ông Nam, Cục Trẻ em đang soạn văn bản gửi Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) để làm rõ một số nội dung phim do Cục chưa nắm được thông tin cụ thể về bộ phim, cũng chưa được xem phim. Trong đó có nội dung cần làm rõ là việc sử dụng trẻ em đóng “cảnh nóng”, một số hành động, lời thoại trong phim…
Theo ông Nam, luật pháp hiện hành không cấm sử dụng lao động chưa thành niên (đặc biệt trẻ em dưới 15 tuổi) vào một số lĩnh vực, như văn hóa, nghệ thuật, thể thao… Tuy nhiên, việc sử dụng nhóm lao động này phải đáp ứng một số điều kiện nhất định và phải ký hợp đồng lao động. Không được dùng trẻ em làm những công việc ảnh hưởng tới phát triển sau nay của trẻ, đặc biệt ảnh hưởng về đạo đức, tinh thần. “Rõ ràng, phim Vợ ba sử dụng diễn viên trẻ em mới 13 tuổi, thậm chí nếu có 15 tuổi, đóng cảnh nhạy cảm là không được phép, kể cả những đoạn hội thoại không phù hợp. Với kinh nghiệm các nước, với kịch bản có nhân vật trẻ em, những cảnh này phải dùng diễn viên đóng thế, hoặc sử dụng diễn viên trên 18 tuổi vào vai trẻ em”, ông Nam nói.
Lãnh đạo Cục Trẻ em cũng cho rằng, cần phải xem xét các hình ảnh trong phim Vợ ba, khi sử dụng em bé mới 13 tuổi thực hiện một số cảnh quay phô bày thân thể. Điều này, theo ông Nam, cần xem xét dưới góc độ có hay không việc lôi kéo người chưa thành niên vào các hoạt động có tính chất khiêu dâm, không lành mạnh? Vì điều này với trẻ em là không được phép. Ngoài việc sử dụng trẻ em đóng “cảnh nóng”, nếu nhà sản xuất phim sử dụng trẻ em trực tiếp đóng một số cảnh có cử chỉ tình cảm với người lớn, kể cả các hành động đồng giới, có thể phải xem xét có yếu tố của hành vi dâm ô không? “Cả xã hội đang cùng lên án mạnh mẽ các đối tượng xâm hại trẻ em, việc nhà sản xuất phim Vợ ba sử dụng trẻ chưa thành niên trực tiếp đóng các “cảnh nóng” cần phải được xem xét”, ông Nam nói. Theo vị này, trách nhiệm của sự việc trên trước hết thuộc nhà sản xuất, đạo diễn. Đặc biệt, theo ông Nam, là trách nhiệm của cha, mẹ em bé - với vai trò người giám hộ, cần phải đọc kỹ kịch bản để đánh giá sự ảnh hưởng của các cảnh quay với con em mình sau này. Kể cả các em có thiên hướng chọn nghề nghiệp là nghệ thuật, muốn các em nổi tiếng, cũng không nên đốt cháy giai đoạn. Còn với trẻ em, các em trong sáng, không lường hết hậu quả sau này hay tác động xã hội, nên cha mẹ cần định hướng. Dù thế nào, cha mẹ cũng không nên để các em tham gia phim có nhiều vấn đề như trên đã phân tích.
“Sau khi có thông tin phản hồi từ phía Bộ VH-TT&DL, chúng tôi sẽ xem xét kiến nghị các ngành chức năng hình thức xử lý theo quy định, như thanh tra, xử phạt hành chính, nếu nghiêm trọng hơn thì kiến nghị xử lý hình sự”, ông Nam nói thêm. Đồng thời, ông Nam cũng đánh giá cao phản ứng của dư luận, xã hội khi phim Vợ ba được công chiếu, điều đó thể hiện ý thức bảo vệ trẻ em đã được nâng lên. Dù phim có giật gân, câu khách, nhưng xã hội không chấp nhận các nội dung ảnh hưởng tới trẻ em. Đồng thời, đây cũng là lời cảnh báo cho các tác phẩm điện ảnh sau này, để nhà sản xuất không lặp lại trường hợp tương tự.
Theo Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến, trong chương quy định về lao động chưa thành niên, đơn vị soạn thảo đã đề xuất những quy định rõ hơn với đặc thù trẻ em. Theo đó, chỉ sử dụng lao động chưa đủ 13 tuổi với một số công việc, gồm: Các công việc nghệ thuật như: múa, hát, xiếc, điện ảnh, sân khấu; Vận động viên năng khiếu thể dục, thể thao (trừ cử tạ, tạ xích). Lao động từ 13-15 tuổi, chỉ được tuyển dụng vào một số công việc nhẹ theo danh mục của Bộ LĐ-TB&XH…