Cục CSGT: 'Chỉ trưng dụng phương tiện khi Bộ Công an cho phép'

Cảnh sát giao thông chỉ được trưng dụng phương tiện khi có sự đồng ý của Bộ trưởng Công an. Ảnh minh họa: Bá Đô
Cảnh sát giao thông chỉ được trưng dụng phương tiện khi có sự đồng ý của Bộ trưởng Công an. Ảnh minh họa: Bá Đô
Trước lo ngại của người dân về việc cảnh sát có quyền trưng dụng bất cứ phương tiện nào trên đường, lãnh đạo Cục CSGT khẳng định việc này chỉ diễn ra khi Bộ trưởng Công an cho phép.

Cục Cảnh sát giao thông vừa ký công văn gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giải thích rõ hơn nội dung quy định cho lực lượng này được trưng dụng tài sản của dân trong Thông tư 01/2015.

Công văn chỉ rõ, thời gian gần đây, dư luận đang quan tâm đến một số quy định tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư 01, quy định CSGT "được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật".

Dẫn lại Khoản 15 Điều 15 Luật Công an nhân dân, Khoản 18 Điều 2 Nghị định số 106/2014 của Chính phủ, Điều 13 Luật Công an nhân dân và Điều 30 Luật Giao thông đường bộ, Cục CSGT cho rằng quy định cho phép cảnh sát được trưng dụng phương tiện trong Thông tư số 01 của Bộ Công an không trái với các quy định của pháp luật mà chỉ nhắc lại quyền hạn của lực lượng Công an. 

Hơn nữa văn bản cũng khẳng định việc trưng dụng phương tiện phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008.  "Nghĩa là lực lượng cảnh sát chỉ được phép trưng dụng khi có sự đồng ý của Bộ Công an, ngoài ra chỉ được huy động để đưa người dân đi cấp cứu, truy bắt tội phạm", thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Cục phó CSGT cho hay.

Thiếu tướng Dánh cho rằng, nội dung trong Thông tư chỉ áp dụng cho lực lượng cảnh sát giao thông trong việc tuần tra kiểm soát nên không sai vì đã dựa trên những luật đã có. "Tuy nhiên do chưa có sự giải thích cụ thể nên người dân hiểu sai và đã gây ra những lo lắng", tướng Dánh nói.

Trước đó, trả lời VnExpress, làm rõ Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đại diện của Cục CSGT cho rằng Cảnh sát được phép trưng dụng bất kỳ phương tiện nào thậm chí cả điện thoại của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc này chỉ được phép trong trường hợp cấp bách như ngăn chặn tội phạm hình sự, đảm bảo an toàn, trật tự giao thông và an ninh quốc phòng. Ví dụ khi phát hiện tội phạm buôn bán ma tuý, cướp giật, cảnh sát có thể trưng dụng phương tiện phục vụ việc ngăn chặn hành vi nguy hiểm...

Cục CSGT: 'Chỉ trưng dụng phương tiện khi Bộ Công an cho phép' ảnh 1

Kết quả bình chọn của độc giả VnExpress về việc có sẵn sàng giao phương tiện cho CSGT khi được trưng dụng.

Việc này đã gây ra sự lo lắng cho người dân và nhiều chuyên gia, luật sư cho cho rằng, cảnh sát giao thông được phép dừng bất cứ phương tiện nào là trái với luật Trưng mua, trưng dụng 2008 và vượt thẩm quyền.

Khoản 15 Điều 15 Luật Công an nhân dân, quy định công an có nhiệm vụ, quyền hạn: "Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra".

Khoản 18 Điều 2 Nghị định số 106/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an: "Trong trường hợp cấp thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, được huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển sử dụng phương tiện đó; Trong tình huống có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an theo quy định của pháp luật".

Điều 13 Luật Công an nhân dân và Điều 30 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; khi xảy ra tai nạn giao thông phải dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn; người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG