Sáng 9/5, các ứng cử viên ĐBQH khóa XIV ứng cử ở đơn vị bầu cử số 8 thành phố Hà Nội (các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì, Sơn Tây) gồm: Ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ; ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; ông Trần Danh Lợi, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật thành phố Hà Nội; bà Bạch Tố Uyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ba Trại, Ba Vì (Hà Nội), đã tiếp xúc cử tri ở Phúc Thọ (Hà Nội).
Sau khi nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động, nhiều cử tri đã đặt câu hỏi, nêu ý kiến, nguyện vọng của mình. Các vấn đề chủ yếu liên quan đến việc xây dựng nông thôn mới, tình hình an ninh trật tự tại địa phương, vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo công bằng khi thi công chức…
“Vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng nhái, hàng giả tràn lan trên thị trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân sẽ được các ứng cử viên giải quyết như thế nào?”, bà Nguyễn Thị Trịnh, Trưởng ban công tác mặt trận cụm dân cư số 4 xã Phúc Hòa (Phúc Thọ) đặt câu hỏi.
Bà Trịnh cũng cho biết thêm, hiện nay ở cơ sở, một số địa phương còn nổi cộm một số vấn đề phức tạp về đất đai, nạn cờ bạc, cướp giật, nghiện hút, xã hội đen lén lút hoạt động, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê. “Các đồng chí trúng cử đợt này có quan điểm như thế nào để giải quyết các vấn đề trên, mang lại sự bình yên cho nhân dân”, bà Trịnh đặt câu hỏi.
Ông Hoàng Trung Hải yêu cầu kiểm tra, xử lý ngay thông tin cử tri nêu. Ảnh: Trường Phong
Thay mặt các ứng cử viên ĐBQH tiếp nhận ý kiến của cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, các ý kiến của cử tri đều rất xác đáng. "Mặc dù hôm nay không phải là buổi giải quyết kiến nghị của cử tri, mà chỉ là trình bày chương trình hành động để bà con nghiên cứu, đánh giá từng đại biểu, quyết định lá phiếu của mình. Tuy vậy, có một số ý kiến của bà con, tôi với anh Ngọ Duy Hiểu với tư cách là Bí thư Thành ủy Hà Nội và Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, phải có trách nhiệm giải quyết", ông Hải nói.
Theo ông Hải, những nội dung còn tồn tại ở nông thôn hiện nay thì Thành ủy, Thường trực, Thường vụ đã dành thời gian đánh giá, đưa ra mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, xác định phải giữ được an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội là mục tiêu số 1. Phải đảm bảo môi trường sống an toàn, làm ăn bình thường, công bằng dân chủ cho người dân.
"Về tình trạng mất an ninh trật tự ở xã Phúc Hòa, thì dù chưa là ĐBQH nhưng tôi đề nghị việc này phải xử lý ngay, nếu có xã hội đen, còn cướp giật, còn sự không công bằng ở đây thì tôi giao đồng chí Bí thư Huyện ủy chỉ đạo công an huyện kiểm tra ngay và báo cáo tôi về vấn đề này. Nếu cần nữa tôi giao công an thành phố xuống cùng các lực lượng có liên quan xử lý. Không thể để môi trường sống mà bà con không yên tâm sống được. Việc đó phải giải quyết ngày", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng trả lời về các vấn đề khác như cấp nước cho thành phố. Ông Hải cho biết, Thành ủy đã bàn, đã giao, đã cập nhật quy hoạch cấp nước của thành phố. Hiện nhu cầu nước của thành phố còn rất lớn, và không thể sống dựa trên môi trường nước ngầm được nữa. "Chúng ta phải chuyển nhanh sang hệ thống nước mặt, từ hệ thống sông Đà, sông Hồng. Phải tìm mọi giải pháp, mọi cách để rửa sạch các môi trường ô nhiễm ở sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét. Tạo ra được một môi trường sống an toàn, trong sạch", ông Hải nói.
Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Hà Nội cũng nằm trong khu vực thiếu nước. "Mặc dù sông ngòi chúng ta nhiều như vậy, nhưng nếu để ô nhiễm thì chúng ta không có nước dùng. Nước sinh hoạt đã đành rồi nhưng thiếu cả nước sản xuất. Nếu không cải tạo môi trường nước thì không có nước sản xuất nông nghiệp. Chúng ta phải tạo điều kiện để tích trữ về nước. Chúng ta may mắn hơn bà con ở ĐBSCL nhiều là bởi vì chúng ta còn có các hồ chứa lớn ở trên thượng lưu. Như ĐBSCL còn không có nước. Chúng tôi sẽ quyết liệt chỉ đạo về việc này...", ông Hải nói.
Trao đổi thêm về vấn đề rác thải, ông Hải nói hiện đã giao cho thành phố thực hiện rất nhiều chương trình để có được các hệ thống xử lý rác một cách an toàn. "Nếu chúng ta xử lý không an toàn các bãi rác thì trong 5 năm sau chúng ta lại phải bới lên xử lý lại, mất rất nhiều tiền. Nếu xử lý rác mà dùng mô hình đốt không an toàn thì lại còn nguy hiểm hơn bởi vì tạo ra dioxin, ảnh hưởng đến cả vùng và nhiều người bị ảnh hưởng", ông Hải nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội hứa sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của cử tri, mong muốn cử tri theo dõi các chương trình hành động của các ứng cử viên nếu được bầu làm ĐBQH để giám sát, phản ánh, kiến nghị kịp thời.