Cụ ông miệt mài viết sách ở tuổi 103

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 năm 2023 tại TPHCM được khai mạc ngày 19/4. Tại Lễ khai mạc, nhà nghiên cứu lão thành 103 tuổi Nguyễn Đình Tư đã có buổi giao lưu, trò chuyện về bộ sách mới của ông.

Theo nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Đình Tư, bộ sách Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020) bao gồm 2 tập, là tâm huyết của ông với TPHCM.

Theo ông, TPHCM là thành phố lớn nhất cả nước, đứng đầu nhiều ngành, nhiều hoạt động nhưng bấy lâu nay vẫn chưa có cuốn sách nào viết tổng hợp về tất cả hoạt động của thành phố, các lĩnh vực, khía cạnh và giai đoạn phát triển. Điều đó khiến những người muốn đến tìm hiểu thành phố cũng không có tài liệu nào tổng quát để biết được thành phố này đã đã sinh ra và trưởng thành như thế nào trong hơn 320 năm qua.

Cụ ông miệt mài viết sách ở tuổi 103 ảnh 1

Bộ sách Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020).

“Với tư cách là công dân của thành phố, tôi đã cố gắng viết cuốn sách và tôi đã làm được. Những cái gì cần viết, cần nói, cần giới thiệu về thành phố, tôi đã viết trong bộ sách Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020). Từ nay trở đi, thành phố phát triển, tiến bộ, còn tốt đẹp hơn như thế nào thì đó là trách nhiệm của các thế hệ trẻ”, nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Đình Tư nói.

Cụ ông miệt mài viết sách ở tuổi 103 ảnh 2

NNC Nguyễn Đình Tư cùng các đại biểu trong buổi nói chuyện. Ảnh: Trọng Thịnh.

Dùng giải pháp ôn hòa mở mang bờ cõi

NNC Nguyễn Đình Tư cũng dành hơn một giờ đồng hồ để nói về bộ sách của mình.

Theo ông, trước thời điểm năm 1698 (năm khai sinh thành phố Sài Gòn -TPHCM), quan, quân các triều đại Việt đã có nhiều hoạt động mở mang bờ cõi về phương Nam. Tuy nhiên hoạt động mở mang bờ cõi này không phải là dùng vũ lực đánh chiếm như nhiều quốc gia khác thời đó mà triều đình Việt thông qua các hoạt động ngoại giao để từng bước xây dựng mối quan hệ với vua chúa phía Nam. Để rồi từ đó, triều đình Việt đã được đổi đất, được chia đất để dần chiếm lĩnh các mảnh đất ở phương Nam, chính thức đặt chủ quyền Việt Nam lên mảnh đất này.

Cụ ông miệt mài viết sách ở tuổi 103 ảnh 3

NNC lão thành đã dành hơn 1 tiếng đồng hồ để giới thiệu về cuốn sách. Ảnh: Trọng Thịnh.

“Trong các cuốn sách sử trước đây đều nói về người Việt đã mở mang bờ cõi về phương Nam nhưng ít có cuốn nào nói về cách thức mà cha ông chúng ta đã làm. Cha ông chúng ta không dùng chiến tranh bạo lực mà dùng các giải pháp ôn hòa như gả Công chúa để đổi đất hay giúp vua chúa phương Nam đánh ngoại xâm để đổi lại được canh tác trên các vùng đất hoang, từ đó người Việt tới sinh sống để hình thành nên mảnh đất của Việt Nam. Đây là điều mà theo tôi rất có ý nghĩa để thế hệ trẻ sau nhìn lại lịch sử của cha ông” - NNC Nguyễn Đình Tư cho biết.

Dù đã ở tuổi 104, NNC vẫn say mê nói về những điều tâm đắc trong cuốn sách. NNC cho biết để viết bộ sách này, ông đã mất thời gian trên 20 năm tập trung thời gian, sức lực đi khắp các thư viện, Trung tâm lưu trữ Quốc gia để tập hợp tài liệu, chỉnh lý và hoàn thành bộ sách.

“Với tác phẩm này, tôi muốn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể các giai đoạn lịch sử, từ năm 1698 đến năm 2020, các chế độ chính trị, các lĩnh vực hoạt động về hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giáo tín ngưỡng, thể dục thể thao… của từng thời kỳ”, NNC cho biết.

Cụ ông miệt mài viết sách ở tuổi 103 ảnh 4

NNC 103 tuổi vui vẻ trò chuyện với các bạn trẻ. Ảnh: Trọng Thịnh.

Tự truyện

NNC Nguyễn Đình Tư cũng cho biết ông vừa hoàn thành thêm cuốn sách tự truyện về bản thân. Theo NNC, cơ duyên có thêm cuốn tự truyện là do cuốn năm 2022, khi tới thăm ông, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã động viên ông nên viết cuốn sách kể về quá trình làm việc nghiên cứu trong suốt hơn 90 năm qua của ông.

“Được sự động viên của Bí thư, tôi vui và đã bắt tay vào viết cuốn sách mới. Nhưng tôi không dám gọi đó là cuốn hồi ký vì tôi đâu phải là người nổi tiếng, chỉ là nghiên cứu sử bình thường nên tôi chỉ dám gọi cuốn sách của tôi là tự truyện để qua đó tôi kể lại suốt bao nhiêu năm tôi đã làm những công việc gì. Hiện cuốn sách đã hoàn thành và đang chờ để xuất bản trong thời gian tới” - NNC Nguyễn Đình Tư nói.

Cụ ông miệt mài viết sách ở tuổi 103 ảnh 5

NCC lão thành cũng rất vui khi nhờ người chụp ảnh chân dung của mình. Ảnh: Trọng Thịnh.

NNC Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 tại xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, Nghệ An nhưng đã sống tại TPHCM hơn 60 năm.

Từ khi còn trẻ ông đã tìm hiểu, nghiên cứu và xuất bản nhiều cuốn sách nghiên cứu về lịch sử.

Tính đến nay, NNC Nguyễn Đình Tư có khoảng 60 đầu sách đã xuất bản, trong đó có nhiều cuốn đáng chú ý như Non nước Phú Yên, Địa chí Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận, Đường phố nội thành TP.HCM, Từ điển địa danh hành chính Nam bộ, Non nước Quảng Trị, Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam bộ, Sổ tay tên đường ở thành phố Hồ Chí Minh, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ (1859-1954), Địa chí hành chính các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954), Loạn 12 sứ quân ... Công trình mới nhất là bộ sách “Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)” ấn hành đầu năm 2023.

NNC Nguyễn Đình Tư từng giành Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ Nhất năm 2018 với bộ sách Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ (1859-1954).

MỚI - NÓNG