> Thạc sĩ trông quán cà phê, phụ xe...
> Chuyện của thạc sĩ đi làm công nhân
Học viên trường nghề tại Hà Nội. Ảnh: Hà Đình Thủy. |
Chảy ngược
Trước thực trạng cử nhân xin đi học nghề, TS Phạm Xuân Khánh nhận định:
Có thể nói bức tranh kinh tế Việt Nam chưa sáng lên. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện có gần 100.000 doanh nghiệp phá sản, hàng triệu lao động không có việc làm (Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê có 37% sinh viên ra trường không có việc làm). Tỉ lệ sinh viên không có việc làm rơi vào các ngành Giáo dục, Kinh tế, Ngân hàng, Tài chính, Quản trị doanh nghiệp…Đã xuất hiện hiện tượng “chảy ngược”: nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học quay lại học nghề để có kỹ năng, có việc làm, có thể là làm công nhân.
Thực trạng thừa thầy thiếu thợ là chuyện “biết rồi khổ lắm, nói mãi”. Theo ông nguyên nhân do đâu?
Nói tới “nghề” là người ta thường nghĩ tới những công việc nặng nhọc. Nhưng thực sự không phải vậy. Chính vì định nghĩa sai lầm ấy mà nhiều bạn trẻ mong muốn được vào đại học hơn là đi học nghề, bất kể khả năng của mình đến đâu, bất kể ngành học ấy có phù hợp với mình hay không. Tiến sỹ |
Tại sao người ta thích vào đại học chứ không vào học nghề ? Rất nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như tâm lý chung cho rằng tấm bằng đại học được coi như một thước đo về trí tuệ. Truyền thông cũng nói rất nhiều về đào tạo đại học mà không mấy khi nói tới việc dạy nghề, trong khi dạy nghề rất cần được nói đến nhiều. Vì vậy, trong tâm trí nhiều người, việc dạy nghề hầu như không được quan tâm. Trẻ em hiện nay từ tiểu học tới trung học phổ thông được gia đình cho học rất nhiều, học trên lớp, học ở nhà và cả học ở ngoài.
Như vậy, trẻ em có quá ít thời gian để lao động trực tiếp. Tại các thành phố lớn, dễ dàng nhận thấy việc trẻ em trở nên thụ động, đi học về có cơm bố mẹ nấu sẵn, ăn xong rửa bát cũng bố mẹ rửa, sáng đưa đi học chiều đón về. Dần dần trẻ con trở thành các cậu ấm cô chiêu, không quen với lao động chân tay. Đến khi lựa chọn việc làm, bố mẹ cũng lựa chọn cho con những ngành nghề nhẹ nhàng với hy vọng con cái mình sẽ mau giàu có.
Mặt khác, thi vào đại học dễ dàng hơn trước. Đề thi tuyển sinh đại học môn Vật lý năm 2013 có tới 6% giống đề thi tốt nghiệp, đề thi môn Hóa giống tới 8-9%.Việc đạt điểm 10 trở lên ba môn thi là không quá khó. Người ta đặt ra câu hỏi : “Dễ như vậy sao không học đại học?”. Đây là một bất cập. Việc định hướng trong giáo dục cũng là một nguyên nhân đáng lưu ý. Trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường cấp 2 và cấp 3, học sinh ít khi nói đến và được nghe tới việc dạy nghề hay học nghề. Việc định hướng nghề nghiệp trong giáo dục hầu như còn bỏ ngỏ. Hơn nữa, hình ảnh người lao động trong con mắt người dân cũng như học sinh chưa được rõ nét.
Ngồi nhầm chỗ
Nhiều bạn trẻ hiện nay đang ngồi nhầm chỗ trong các trường đại học. Họ nghĩ về học nghề như một công việc lao động chân tay, nên khi không đậu đại học, đã có một số tuyệt vọng. Ông nghĩ gì về hiện tượng này?
Đúng là hiện nay có một bộ phận bạn trẻ ngồi nhầm chỗ. Có lẽ người ta chưa định nghĩa hết chữ “nghề”. Người ta suy nghĩ rằng “nghề” là những người lao động chân tay cơ bắp, đó là định nghĩa sai. Có thể nói “nghề” là tập hợp các kĩ năng. Hội thi “Tay nghề thế giới” có một câu nói: “Kĩ năng là tương lai của chúng ta”. Hay có câu: “Có cả một thế giới kĩ năng, nếu không có kĩ năng thì ước mơ chỉ là mơ ước”. Chính vì định nghĩa sai mà nhiều bạn trẻ mong muốn được vào đại học hơn là đi học nghề, bất kể khả năng của mình đến đâu, bất kể ngành học ấy có phù hợp với mình hay không.
Người ta nghĩ đại học là đỉnh cao của danh vọng. Đại học đã trở thành mục đích chứ không còn là công cụ để kiếm sống. Khi học THPT, học sinh học bằng sống bằng chết để đỗ được đại học, tới khi đạt được điều đó thì bắt đầu nghỉ xả hơi. Rất nhiều học sinh có tư tưởng “lên tàu là đến sân ga”. Ước mơ thì rất cao sang, vĩ đại nhưng việc từng bước thực hiện ước mơ ấy thì lại không làm. Hằng ngày lên lớp không nghe giảng, không trau dồi được kiến thức mỗi ngày. Tới lúc thi thì học nhồi nhét, học gạo, thậm chí dùng mọi cách để qua kì thi. Rất ít trường đại học hiện nay thực hiện được quản lý chất lượng. Đây là lỗ hổng trong phương thức đào tạo.
Tiến sỹ Phạm Xuân Khánh. |
Sau mùa tuyển sinh năm nay, miếng bánh cho dạy nghề có vẻ như đang teo tóp lại, trong khi đó lại có hiện tượng cử nhân đi học nghề làm công nhân, nhu cầu lao động có tay nghề cao đang rất lớn, nhưng đào tạo nghề lại có nhiều bất cập không phát triển được?
Trong năm 2012, có khoảng 852.000 học sinh tham gia dự thi kì thi tốt nghiệp PTTH, trong đó có khoảng 10% trượt tốt nghiệp. Chỉ tiêu chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp cho các trường đại học, cao đẳng là 605.000, mỗi trường tuyển sai số khoảng 15 đến 20% đề phòng một số trường hợp sinh viên bỏ học. Số còn lại cho lao động trực tiếp, cho số học sinh không đi học, cho dạy nghề và cho các loại hình đào tạo đại học khác còn khoảng hơn 100.000. Có thể nói miếng bánh còn lại là quá ít. Dạy nghề sẽ thiếu đầu vào trong khi nhu cầu tuyển dụng của dạy nghề rất lớn. Đó là một mâu thuẫn của xã hội. Nếu bài toán này được giải thì đây là một việc thực sự tốt cho xã hội.
Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cần thay đổi những chính sách của mình về chế độ cho người lao động. Các quy định của nhà nước về sử dụng lao động qua đào tạo cần được ban hành. Cần tạo được cơ chế chính sách tốt, môi trường làm việc tốt và đặc biệt là tạo đầu ra tốt. Như vậy học nghề sẽ có đất để phát triển.
Cảm ơn ông!
Phùng Nguyên - Mỹ Linh
Thực hiện