Hiệu ứng cánh bướm (butterfly effect) là cách gọi dùng để mô tả một khái niệm đặc trưng trong lý thuyết hỗn loạn về tác động của điều kiện ban đầu tới sự thay đổi cuối cùng của một hệ phức tạp.
Năm 1972, nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz giới thiệu trước Hiệp hội phát triển khoa học Mỹ về sự tác động từ cú đập cánh của con bướm tại Brasil tới cơn lốc hình thành ở Texas, Mỹ.
Trong những nghiên cứu mô phỏng về thời tiết trước đó, Lorenz tình cờ phát hiện ra chỉ một thay đổi nhỏ trong điều kiện ban đầu có thể dẫn tới những hệ quả vô cùng khác biệt. Theo đó, một cái đập cánh của con bướm nhỏ bé có thể gây ra thay đổi trong điều kiện ban đầu, dẫn đến kết quả là những thay đổi lớn về thời tiết như cơn lốc tại địa điểm cách nơi con bướm đập cách hàng chục nghìn km.
Theo Open Mind, tỷ lệ động năng giữa một cái đập cánh của con bướm với động năng của toàn bộ cơn lốc là rất nhỏ, vì thế con bướm không tác động trực tiếp tới cơn lốc ở Texas. Nói cách khác, động năng sinh ra từ cái đập cánh của con bướm này có thể bị triệt tiêu bởi cái đập cánh của con bướm khác.
Tuy nhiên, theo lý thuyết hỗn loạn, thời tiết là kết quả từ hàng triệu biến cố có quan hệ với nhau, trong đó một cái đập cánh của con bướm có thể là khởi đầu cho hàng loạt biến đổi về cường độ, không gian, thời gian và động năng.