“Cụ bà đẹp nhất thế giới” giá ngàn USD

Cụ Bùi Thị Xong và nhiếp ảnh gia Réhahn ngoài đời Ảnh: Réhahn
Cụ Bùi Thị Xong và nhiếp ảnh gia Réhahn ngoài đời Ảnh: Réhahn
Lần đầu tiên tại Việt Nam, một phòng trưng bày ảnh nghệ thuật của tác giả nước ngoài được khai trương với giá bán ngất ngưởng.

Nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn vừa khai trương phòng trưng bày ảnh "Couleurs D’Asie by Réhahn - Sai Gon" tại TP HCM. Ông đã trưng bày nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật của mình, trong đó có bức ảnh "Madam Xong" được gọi là "Cụ bà đẹp nhất thế giới".

Ảnh bán giá sốc

Đến phòng trưng bày "Couleurs D’Asie by Réhahn - Sai Gon" của nhiếp ảnh gia Réhahn, chúng ta sẽ thấy đẳng cấp thế giới về nhiếp ảnh được thể hiện trong từng bức hình, trong cả cách chọn bối cảnh và sắp xếp, trưng bày trong một căn nhà cổ để làm triển lãm.

Người thưởng thức có thể tìm thấy hàng trăm tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh vô cùng ấn tượng. Nhiều bức được gọi là "phiên bản giới hạn" - nghĩa là chỉ in ấn từ 3 bản tới tối đa 100 bản, phóng khổ lớn trên chất liệu giấy Kodak Endura Metallic, cực đắt và quý. Mỗi bức metallic của Réhahn đều có giá từ 1.000 tới vài ngàn USD. Cao nhất, có bức đề giá tới 25.000 USD, theo nhiếp ảnh gia này là được bảo đảm bởi tính xác thực và bản quyền của tác giả.

"Tôi bán các bức ảnh gốc, được đánh số và ký tên bởi nghệ sĩ. Sự thật là với các bức ảnh nghệ thuật giới hạn về số lượng, càng nhiều người mua một bức thì giá trị của nó càng tăng lên. Theo cách đó, một số bức ảnh của tôi đã tăng giá từ 950 USD lên đến 4.500 USD trong vòng một năm" - nhiếp ảnh gia Réhahn tiết lộ.

“Cụ bà đẹp nhất thế giới” giá ngàn USD ảnh 1

Cụ bà Bùi Thị Xong - Madam Xong trong bức ảnh "Nụ cười ẩn giấu"

Ông Réhahn từng đi qua hơn 35 quốc gia. Nhiều bức ảnh của ông ghi lại những khoảnh khắc đời thường độc đáo, đầy tính nghệ thuật về cuộc sống của người dân Ấn Độ, Cuba, Việt Nam…

Cụ bà Bùi Thị Xong làm nghề chèo đò ở phố cổ Hội An, là nhân vật chính trong bức ảnh "Hidden smile" (Nụ cười ẩn giấu) nổi tiếng thế giới của nhiếp ảnh gia Réhahn, đã đến phòng ảnh của ông và xúc động ngắm bức chân dung chính mình. Trước đó, cụ bà 80 tuổi từng cùng ông Réhahn đến Hà Nội nhân sự kiện "Nụ cười ẩn giấu" được đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng Phụ nữ Hà Nội hồi tháng 3-2016.

Réhahn coi TP HCM là ngôi nhà thứ hai của ông, sau quê hương - vùng Normandy nước Pháp. Ông muốn khai trương triển lãm ảnh "Couleurs D’ Asie by Réhahn - Sai Gon" để kỷ niệm 10 năm hoạt động nhiếp ảnh của mình.

Tin vào thị trường nghệ thuật Việt

Nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn cho biết ông hiểu rằng nhiều người Việt Nam hiện vẫn chưa chấp nhận giá trị tài chính khá lớn của những bức ảnh nghệ thuật. Người Việt mới chỉ mua tranh vẽ với giá ngàn USD; còn những bức ảnh chụp bằng máy móc hiện đại, phải đầu tư rất nhiều tiền thì lại rất khó bán, đặc biệt là không thể với giá cao.

“Cụ bà đẹp nhất thế giới” giá ngàn USD ảnh 2

Toàn cảnh phòng triển lãm ảnh với các bức ảnh giới hạn in trên chất liệu Kodak Endura Metallic

Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn nhận xét trước đây và bây giờ, ở Việt Nam vẫn có tư duy cho rằng ai đó bán được một bức ảnh giá năm - ba trăm ngàn hoặc vài triệu đồng là đã kinh khủng lắm rồi. Ảnh chụp mà gửi đăng báo thì chỉ có thể thu vài chục ngàn đồng nhuận bút/tấm. Hơn nữa, đăng báo thì ảnh hầu như chỉ mang tính minh họa chứ bản thân bức ảnh không được coi là tác phẩm độc lập và hoàn chỉnh.

"Tại sao họa sĩ có thể bán tranh tới vài ngàn USD mà nhiếp ảnh gia lại không thể làm điều đó? Trên thế giới, người ta đánh giá rất cao các bức ảnh nghệ thuật dám đề giá bán cao. Người xem kéo tới thưởng lãm thì cứ việc ngắm nghía, trầm trồ; còn mua hay không thì là việc khác. Tôi cho rằng rất cần khuyến khích tư duy đột phá về giá bán các bức ảnh chụp. Tôi rất thích cách đề giá bán ảnh của Réhahn" - ông Sơn bày tỏ.

Trong khi đó, nhiếp ảnh gia Réhahn chỉ đơn giản cho rằng ông đề giá bán lên các bức ảnh đúng như giá trị cần có của chúng. Ông khẳng định: "Tôi tin rằng thị trường nghệ thuật Việt Nam đã đủ độ chín cho một phòng trưng bày ảnh như thế này. "Couleurs D’Asie by Réhahn - Sai Gon" sẽ là nơi để người Việt thưởng thức nghệ thuật mới. Tôi cho rằng sắp tới, người Việt sẽ thay đổi cách nghĩ về tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh. Tôi rất yêu Việt Nam, yêu vẻ đẹp của vùng đất, con người Việt Nam. Tôi muốn mang vẻ đẹp Việt Nam ra thế giới và tôi cũng muốn mang những suy nghĩ tích cực của thế giới về Việt Nam".

Réhahn cho biết trong 3 ngày đầu tiên khai trương "Couleurs D’Asie by Réhahn - Sai Gon", ông đã bán được vài bức ảnh với giá hơn 1.000 USD/bức cho khách là người Việt. Trước đó, ông từng bán một bức ảnh cho một nhà sưu tập tại TP HCM với giá 17.000 USD. 

Nghệ thuật và bản quyền

Những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Réhahn được giới thiệu trong các phòng trưng bày và trên mạng đều có bản quyền, được bảo vệ chặt chẽ. Mọi sao chép nếu không có sự đồng ý hoặc không có sự trao đổi mua bán với tác giả đều bị xem là vi phạm bản quyền và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đội ngũ trợ lý của ông Réhahn theo dõi chặt chẽ các vụ việc vi phạm, sử dụng ảnh trái phép. Đã có người vi phạm phải bồi thường cho nhiếp ảnh gia này số tiền hơn 30 triệu đồng cùng phí tổn thuê luật sư.

Trao đổi với chúng tôi, ông Réhahn cho biết không ngại sự lộn xộn, nhiều vi phạm trên thị trường Việt Nam. Theo ông, hành lang pháp lý đã đầy đủ, công cụ quản lý cũng không thiếu và mọi sở hữu trí tuệ đều được coi trọng như nhau, thuộc về người sáng tạo ra nó và cần được bảo vệ chặt chẽ.

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG