COVID-19: Nhiều nước ghi nhận các con số kỷ lục

Gia đình một người thiệt mạng vì COVID-19 ở Ý giữ khoảng cách khi dự lễ tangảnh: Reuters
Gia đình một người thiệt mạng vì COVID-19 ở Ý giữ khoảng cách khi dự lễ tangảnh: Reuters
TP - Tây Ban Nha và Ý vẫn đang vật lộn để tránh sự sụp đổ của hệ thống y tế. Thống đốc bang New York và California của Mỹ khẩn cầu giúp đỡ khi số ca mắc và tử vong tăng rất mạnh. WHO cảnh báo dịch COVID-19 sẽ còn bám trụ ở châu Á lâu dài.

Đó là một số diễn biến nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 trên toàn thế giới trong ngày 31/3. Tây Ban Nha hôm qua ghi nhận 846 ca tử vong, số lượng lớn nhất tính theo ngày từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này.

Tính đến hôm nay, số ca tử vong ở Tây Ban Nha tăng lên 8.189, còn số ca nhiễm tăng từ 85.195 của ngày hôm qua lên 94.417.

Nước này đang vật lộn đối phó để hệ thống y tế không “vỡ trận”, khi ít nhất một nửa trong 17 vùng đã hoặc sắp chạm ngưỡng ứng phó tối đa và có tới 14% trong tổng số ca nhiễm là nhân viên y tế.

Tây Ban Nha và Ý giờ chiếm hơn một nửa trong tổng số gần 38.000 ca tử vong trên toàn thế giới. Mỗi ngày hai nước này lại có thêm hơn 800 người chết. Tây Ban Nha bước vào giai đoạn “ngủ đông” khi các biện pháp kiểm soát mới được áp dụng, khiến tất các ngành nghề và hoạt động kinh tế không thiết yếu phải dừng hoạt động. Chính phủ của Thủ tướng Pedro Sánchez dự kiến sẽ tung ra thêm gói hỗ trợ 700 triệu euro, trong đó có các khoản vay không lãi suất và ngăn cản việc đuổi các gia đình không có tiền trả phí thuê nhà ra đường.

Ý có gần 11.600 ca tử vong, vẫn giữ mức cao nhất thế giới, nhưng tỷ lệ lây nhiễm của nước này đang chậm lại.

Mỹ vẫn là nước có nhiều bệnh nhân được xác nhận nhất, với 164.610 trường hợp, theo số liệu tổng hợp của ĐH Johns Hopkins. Mỹ dự kiến cũng sắp vượt Trung Quốc về số ca tử vong do COVID-19 với 3.300 trường hợp.

Tại New York, tâm dịch của Mỹ, Thống đốc Andrew Cuomo vừa kêu gọi các tình nguyện y tế giúp đỡ bang này, trong bối cảnh vừa có thêm 7.000 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân của bang lên 66.497. Bang New York hôm qua có 1.218 người thiệt mạng, tăng cao so với con số 964 của ngày hôm trước. 

Chính quyền bang California đưa ra lời kêu gọi tương tự khi số người phải nhập viện vì COVID-19 ở bang này tăng gấp đôi trong 4 ngày qua, còn số bệnh nhân phải hồi sức cấp cứu tăng gấp ba. Giới chức cảnh báo cuộc khủng hoảng đang đẩy các bệnh viện của New York đến điểm tới hạn, điều này cũng sẽ xảy ra ở các thành phố khác của Mỹ. 

Cuộc chiến lâu dài

Nga hôm qua có thêm 500 ca nhiễm COVID-19, số lượng nhiều nhất từ khi nước này có dịch bệnh, nâng tổng số ca được xác nhận lên 2.337.

Con số được đưa ra khi Nga tiến gần tới mức ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhiều vùng và thành phố của nước này đã ban lệnh phong toả hoặc cách ly. Thủ đô Mátxcơva đã phong tỏa từ hôm 29/3. Biện pháp tương tự được triển khai ở 30 vùng trên cả nước.

“Đây sẽ là một trận chiến lâu dài và chúng ta không thể lơ là canh gác”, TS Takeshi Kasai, giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới, hôm qua cảnh báo. “Các quốc gia cần tiếp tục đối phó với tình thế trong nước”, TS Kasai nói.

Ấn Độ hôm qua phong tỏa và điều tra trụ sở của tổ chức tôn giáo Tablighi Jamaat bị nghi là ổ phát tán dịch COVID-19, sau khi cảnh sát sơ tán hơn 1.000 người được cho là đã phơi nhiễm virus corona sau khi dự một thánh lễ diễn ra trong tháng này, bất chấp quy định giãn cách xã hội của chính phủ. Ấn Độ đến nay có khoảng 1.200 ca nhiễm được xác nhận, trong đó có 32 trường hợp tử vong.

Trung Quốc hôm qua chỉ có thêm 1 trường hợp tử vong và 48 ca mắc mới, tất cả đều từ nước ngoài về. Thế giới đã có tổng số 777.025  ca nhiễm và 37.576 người chết vì COVID-19.

MỚI - NÓNG