COVID-19 chia rẽ nước giàu, nước nghèo

Một tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng một loại vắc-xin COVID-19, tại Nam Phi vào ngày 24/6. Ảnh: Reuters
Một tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng một loại vắc-xin COVID-19, tại Nam Phi vào ngày 24/6. Ảnh: Reuters
TP - Khi một số loại vắc-xin chính thức được phê duyệt và xúc tiến tiêm đại trà, thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19 có vẻ cũng đã đến. Nhưng đối với quan chức y tế ở các nước đang phát triển, đó là một lời nhắc nhở khắc nghiệt rằng cuộc chạy đua để chấm dứt đại dịch sẽ tách biệt nước giàu và nước nghèo.

Các cáo buộc về chuyện đầu cơ vắc-xin COVID-19 và trải nghiệm cay đắng những bất bình đẳng trong quá khứ khiến nhiều người cảm thấy hoài nghi về sự đoàn kết toàn cầu.

Các nước giàu đã mua sắm vắc-xin trong nhiều tháng qua. Một cơ sở dữ liệu được cập nhật liên tục do Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke tập hợp cho thấy một số quốc gia đã thực hiện nhiều giao dịch liên quan đến các vắc-xin COVID-19 trị giá hàng tỷ đô la.

“Cho đến khi mọi người được bảo vệ, không ai được an toàn. Chúng ta đang sống trong một thế giới liên kết với nhau và ngay cả khi một số quốc gia có thể tự bảo vệ, họ sẽ sống trên một hòn đảo. Chúng ta cần một thế giới nơi chúng ta có thể tương tác, không chỉ về mặt xã hội mà còn về mặt kinh tế”, Tiến sĩ Richard Mihingo, điều phối viên Tiêm chủng và Phát triển vắc-xin tại khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Một số quốc gia và các khối khu vực đã đặt trước số lượng vắc-xin nhiều hơn nhu cầu của toàn bộ dân số. Liên minh Vắc-xin Nhân dân, một cơ quan giám sát vắc-xin quốc tế bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế và Oxfam, nói tuần trước rằng các quốc gia giàu có đã mua số liều vắc-xin COVID-19 đủ để chủng ngừa cho số người gấp ba lần dân số của họ.

 Chỉ riêng Canada đã đảm bảo đủ để tiêm chủng cho công dân của họ năm hoặc thậm chí sáu lần, mặc dù không phải tất cả các ứng cử viên vắc-xin mà họ đặt hàng trước đều có thể được chấp thuận sử dụng.

 Dữ liệu của Liên minh Vắc-xin Nhân dân cho thấy rằng trong khi các quốc gia giàu nhất thế giới đang đạt được các thỏa thuận, thì gần 70 quốc gia nghèo sẽ chỉ có thể tiêm chủng cho 1/10 dân số trong năm 2021.

Giáo sư Gregory Hussey của Đại học Cape Town, người trong ủy ban tư vấn cho chính phủ Nam Phi về việc tiếp cận CVOD-19 nói: “Thật đáng thất vọng là mặc dù có ý định đạt được sự công bằng trên toàn cầu, nhưng chủ nghĩa dân tộc vắc-xin lại  thống trị”.

Phát biểu với CNN hôm thứ Năm tuần trước, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi John Nkengasong nói việc các nước nghèo không có khả năng tiếp cận vắc-xin sẽ là “thảm họa”.

“Thời điểm mà tất cả chúng ta đã nói đến, về sự đoàn kết toàn cầu và sự hợp tác toàn cầu, là bây giờ... Hoàn toàn không có chút ý nghĩa đạo đức nào khi một số quốc gia thừa vắc-xin trong khi các quốc gia khác thì không có gì”, ông nói.

Ðoàn kết chỉ trên lý thuyết

Khi virus coronavirus mới lan tràn khắp các quốc gia hồi đầu năm nay, một nỗ lực toàn cầu đã xuất hiện nhằm có được vắc-xin cho tất cả mọi người.

Tổ hợp nhỏ gọn này được gọi là COVAX và do Liên minh vắc-xin Gavi dẫn đầu. Tổ hợp chạy trên hai đường ray. Các quốc gia có thu nhập cao và trung bình đã cam kết tài trợ đáng kể để đảm bảo khả năng tiếp cận vắc-xin và sản xuất vắc-xin một cách bình đẳng. Các nước nghèo hơn, chủ yếu ở châu Phi, đã đăng ký với COVAX để đảm bảo có được vắc-xin. Những loại vắc-xin này sẽ được các cơ quan phát triển và các nhóm như quỹ Bill và Melinda Gates tài trợ.

Cho đến nay, đã có 189 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia. Nhưng hai nước lớn là Mỹ và Nga vắng mặt.

Tuần trước, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, phát biểu với tư cách cá nhân, tuyên bố rằng đất nước của ông có “trách nhiệm đạo đức” để đảm bảo rằng vắc-xin COVID-19 được phân phối công bằng, trái ngược với sắc lệnh hành pháp phần lớn mang tính biểu tượng của tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump kêu gọi người Mỹ tiêm vắc-xin trước.

Tiếp cận công bằng với vắc-xin không nhất thiết chỉ là vấn đề tiền bạc. Người phát ngôn của Gavi cho biết liên minh đã huy động được hơn 2 tỷ USD để mua vắc-xin cho các nước nghèo nhất và cần huy động hơn 5 tỷ USD vào cuối năm sau.

Nhưng tiền không thể mua được vắc-xin đã được bán.

Và những nước đóng góp chính cho COVAX, như EU, Anh và Canada, đã thực hiện một số thỏa thuận song phương lớn nhất với các công ty dược phẩm. Liên minh vắc-xin Nhân dân lập luận rằng những thỏa thuận này có thể làm suy yếu hiệp ước COVAX mà chính họ đã tài trợ.

Trên thực tế, Canada là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình COVAX tạo điều kiện cho các nước nghèo tiếp cận vắc-xin.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế Canada Karina Gould nói nước bà cần phải phòng ngừa vì hầu hết các loại vắc-xin vẫn đang trong quá trình phát triển và do đó các cam kết chỉ mang tính lý thuyết.

MỚI - NÓNG