Cột bằng giấy và da voi bằng… thơ

Nguyễn Phan Bách đang làm “Voi Thơ”
Nguyễn Phan Bách đang làm “Voi Thơ”
TP - “Tôi đi tìm mua lại những chiếc vỏ hộp tại nhiều cơ sở thu mua phế liệu tại Hà Nội, nơi mà họ có thể nghiền nát mọi thứ” - nghệ sỹ họa sỹ Nguyễn Đức Phương cười. Đó là công việc mà người bình thường cho là kỳ quặc, nhưng là việc nghiêm túc của anh để làm tác phẩm nghệ thuật “Cột”.

Nguyễn Đức Phương và tác phẩm “Cột”. Ảnh: Khả LôiCũng thu nhặt những giấy má bỏ đi như thế, nghệ sỹ - họa sỹ Nguyễn Phan Bách làm tác phẩm “Voi Thơ”. Các tác phẩm ấn tượng này có mặt trong triển lãm “Những bông hoa nhỏ” vừa diễn ra cuối năm 2013 tại Hà Nội.

“Trong một đời sống quá nhanh và dư thừa về nhiều thứ như hiện nay, thay vì vứt bỏ thì hãy biến những thứ rất đơn giản xung quanh bạn thành một cái gì đó vui vẻ và có ý nghĩa”.

Họa sỹ, nghệ sỹ đương đại Nguyễn Đức Phương

Nói đến điêu khắc, mọi người nghĩ ngay đến những tác phẩm được tạo tác từ đá, gỗ, đồng, gốm hay hiện đại hơn là từ sắt, xi măng. Ấn tượng chung, chúng phải bền chắc, đông cứng. Các nghệ sỹ đương đại đã thách thức nếp nghĩ cũ. Giấy? Tại sao không!

Để thực hiện tác phẩm “Cột”, Nguyễn Đức Phương đã mất khoảng 1 năm. Ý tưởng thì đã nhen nhóm từ lâu, giữa năm 2012 anh bắt đầu lọ mọ đi tìm mua hộp giấy và đục, khoét, vẽ lên đó. Trong xưởng vẽ của anh chất đầy các loại hộp và các phác thảo trên mảnh bìa vỏ hộp. Không chỉ người nhà mà một số bạn bè cũng có cảm giác anh đang biến xưởng vẽ thành một kho đồng nát.

Cột bằng giấy và da voi bằng… thơ ảnh 1

Thơ được dán đầy mình voi

Phương la cà ở những nơi mà anh gọi là “chỗ họ nghiền nát mọi thứ”. Có nhiều đợt thu mua, vì “tôi phải lựa chọn vỏ hộp sao cho phù hợp với ý tưởng của mình. Sau đó tôi xây dựng phác thảo và bắt đầu tạo tác cho chúng”.

“Cột” của Nguyễn Đức Phương đúng nghĩa là cột, nó vươn thẳng từ nền nhà tới trần. Càng tạo nên sự tương phản giữa vật liệu và chức năng mà cái tên gợi ra. Phòng triển lãm của nhóm “Những bông hoa nhỏ” nguyên là một nhà tắm của Xí nghiệp Dược phẩm được xây dựng từ năm 1960. Bốn bức tường vẫn còn nguyên những hàng gạch men màu trắng nay đã hoen ố và thủng lỗ chỗ theo thời gian. Trần nhà nứt nẻ. Đây là một trong vài triển lãm nghệ thuật ít ỏi (còn nếu kể đến triển lãm với những tác phẩm thực sự được nghệ sỹ sáng tác thì có lẽ là duy nhất) được thực hiện tại khu nhà cũ kỹ gần đây bỗng nhiên nổi tiếng mang tên Zone 9.

Cột bằng giấy và da voi bằng… thơ ảnh 2 Nguyễn Đức Phương và tác phẩm “Cột”. Ảnh: Khả Lôi

Trả lời câu hỏi: “Hình như vẽ tranh không thỏa mãn được con người nghệ sỹ của anh, điêu khắc giấy bị nhiều khán giả coi là khác người, anh nghĩ sao?”, Nguyễn Đức Phương bĩnh tĩnh: “Tôi không có ý định tạo ra một cái gì đó khác người, điêu khắc hay vẽ tranh nó chỉ là hình thức, quan trọng là truyền tải cái gì đến với người xem”.

Còn với Nguyễn Phan Bách, để thực hiện tác phẩm “Voi Thơ” anh chỉ có 4 ngày. Con voi của anh choán không gian gần 2 mét sàn và cao ngang ngực người lớn. “Xương” voi bằng bìa cứng vỏ hộp carton, còn “thịt” voi là giấy loại, “da” voi là… thơ.

Nguyễn Phan Bách chia sẻ: “Khi vẽ tranh thì tôi là người duy nhất tạo ra tác phẩm. Còn với tác phẩm này, tôi muốn có nhiều người tham gia hơn cho vui. Phần “Voi” thì dĩ nhiên là của tôi, còn phần “Thơ” thì của nhiều người. Vậy là tôi gọi điện cho một số nhà thơ tôi quen biết”.

Cột bằng giấy và da voi bằng… thơ ảnh 3

“Voi Thơ” được nhà thơ Hồng Thanh Quang mượn trưng bày ở Nhà hát Lớn trong buổi ra mắt tập thơ mới

Thế là, trên con voi lừng lững “Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi” của anh, có hàng chục bài thơ được dán ngang dọc. Có chỗ, bài này chườm lên bài kia. Có thể đọc được thơ của Nguyễn Bảo Sinh, Bình Nguyên Trang, Du Nguyên, Hồng Thanh Quang…


Bách nói, tôi muốn bạn bè, công chúng đều can dự vào tác phẩm nghệ thuật của mình, họ là một phần của tác phẩm, tham gia vào nghệ thuật một cách chủ động chứ không thụ động và tạo ra sự sinh động cho tác phẩm. Nghệ sỹ được đào tạo chuyên ngành điêu khắc này cho biết, anh cũng muốn làm thêm những tác phẩm điêu khắc – sắp đặt không những thêm thơ, mà có cả âm nhạc hay những loại hình nghệ thuật khác nữa.


MỚI - NÓNG