Dân mỏi mòn chờ điện…
Dự án Nâng cấp hệ thống điện thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham (huyện Sơn Hà), do Ban Quản lý dự án (BQLDA) Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, huyện Sơn Hà (nay đã giải thể) làm chủ đầu tư, với tổng vốn khoảng 1,8 tỉ đồng.
Mục tiêu dự án nhằm cấp điện cho khoảng 100 hộ dân thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham, bởi hiện tại hàng trăm hộ dân ở đây đang phải sử dụng hệ thống điện tự kéo, xuống cấp.
Thế nhưng đã 3 năm kể từ khi công trình hoàn thành, với đầy đủ các hạng mục trụ, dây và trạm biến áp, nhưng vẫn chưa được có điện và cũng không biết đến bao giờ mới được đóng điện.
Theo người dân ở đây, đã hơn 3 năm qua, kể từ ngày dự án được triển khai xây dựng, cũng ngần ấy thời gian các hộ dân được thụ hưởng công trình mòn mỏi chờ cấp điện.
Công trình dù đã hoàn thành từ nhiều năm trước, nhưng hiện giờ chỉ để “ngắm”, gây lãng phí rất lớn. Trong khi đó, hệ thống điện ở đây đã xuống cấp từ nhiều năm qua, khiến người dân vô cùng khổ sở trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và phát triển kinh tế.
Người dân thôn Chàm Rao vẫn phải tiếp tục sử dụng hệ thống điện, trụ tự kéo không đảm bảo an toàn. |
Ông Đinh Văn Hải (trú thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham) cho biết, hệ thống trụ điện trong thôn được làm bằng cây tre, dây điện lòng thòng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, điện truyền tải yếu, chập chờn, vì thế khi Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng để làm công trình điện hiện đại hơn, người dân trong thôn ai cũng mừng vì nghĩ sẽ sớm có nguồn điện an toàn để sử dụng. Tuy nhiên, đã hơn 3 năm qua, công trình vẫn chưa thể đóng điện, khiến bà con thất vọng.
Nhiều người dân ở thôn Chàm Rao chia sẻ, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại với lãnh đạo huyện, người dân đã thường xuyên kiến nghị với các cấp chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Chưa thể đóng điện vì thiếu... 106 triệu đồng đền bù
Ông Đinh Văn Sen - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Nham xác nhận, công trình đã hoàn thành từ hơn 3 năm nay nhưng chưa đưa vào sử dụng, gây bức xúc trong nhân dân là có thật.
Lý giải điều này, ông Sen cho biết, đây là công trình được đầu tư từ nguồn vốn Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, nên không có kinh phí bồi thường, hỗ trợ về đất cũng như tài sản gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng.
Trước khi triển khai thi công, chủ đầu tư là BQL DA Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Sơn Hà đã chủ trì phối hợp với xã Sơn Nham tổ chức họp dân để phổ biến cơ chế chính sách, lắng nghe ý kiến của các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng.
Dù công trình điện đã hoàn thành từ cuối năm 2019, nhưng đến nay vẫn chưa thể đóng điện, gây lãng phí và bức xúc cho người dân. |
“Qua cuộc họp, đa số các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng thống nhất đồng tình hiến đất để xây dựng công trình. Tuy nhiên, đến khi công trình thi công xong các hạng mục và hoàn chỉnh thủ tục đề nghị Công ty Điện Sơn Hà đóng điện thì một số hộ gia đình, cá nhân bị ảnh cây cối và diện tích đất dưới hành lang an toàn lưới điện không chịu ký vào biên bản cam kết, mà yêu cầu bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền là 106 triệu đồng”, ông Sen nói.
Theo ông Sen, trong 46 hộ bị ảnh hưởng đã có 39 hộ ký cam kết hiến đất để xây dựng công trình, còn lại 7 hộ không chịu ký cam kết. Chính quyền xã, huyện đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, tạo điều kiện để đóng điện. Tuy nhiên, các hộ dân này vẫn không đồng tình mà yêu cầu nhà nước phải bồi thường, hỗ trợ mới chịu bàn giao mặt bằng để đóng điện.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Sơn Hà khẩn trương rà soát, kiểm tra nội dung báo chí phản về dự án Nâng cấp hệ thống điện tại thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham để kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, giải quyết theo quy định và thẩm quyền. Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/3/2023.