Giai đoạn 2 vụ 'chuyến bay giải cứu':

'Công thức' kiếm chác từ việc bôi trơn xin cấp phép chuyến bay ngoài kế hoạch

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ mức phí bôi trơn ban đầu 10-15 triệu đồng/công dân do Phạm Trung Kiên, cựu cán bộ Bộ Y tế đưa ra để chấp thuận các chuyến bay đơn lẻ đưa người về nước trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sau đó qua nhiều "cầu", mức phí đã bị đẩy lên tới 160 triệu đồng/người. Số tiền bôi trơn này sau đó đều tính lên "đầu" công dân muốn về nước trên các chuyến bay tự trả phí.

Cựu cán bộ Cục hàng không Việt Nam trục lợi gần 20 tỷ đồng

Ở giai đoạn 2, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ hành vi "Đưa, Nhận hối lộ" của một số bị can là người có chức vụ, quyền hạn trong việc tổ chức chuyến bay đơn lẻ (chuyến bay phát sinh ngoài kế hoạch) đưa công dân về nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng.

'Công thức' kiếm chác từ việc bôi trơn xin cấp phép chuyến bay ngoài kế hoạch ảnh 1

Bị cáo Phạm Trung Kiên.

Theo kết luận điều tra, vào tháng 9/2020, Vũ Hồng Quang (cựu Phó Trưởng phòng Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam - có nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét cấp phép bay cho các hãng hàng không thực hiện chuyến bay combo do các doanh nghiệp tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt bởi Văn phòng Chính phủ và Tổ công tác 5 bộ) đã liên hệ với Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế, đã bị tuyên án chung thân về tội "Nhận hối lộ") để xin văn bản chấp thuận cho công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ. Kiên đồng ý với chi phí "bôi trơn" là 10 triệu đồng/công dân.

Chuyến bay đơn lẻ là các chuyến bay phát sinh đột xuất ngoài kế hoạch: Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ chỉ đồng ý tổ chức đưa công dân về nước theo một số chuyến bay (Charter – thuê trọn gói cả chuyến), chuyến bay Cargo – vận chuyển hàng hóa hoặc chuyến bay của hãng nước ngoài và công dân tự bố trí việc cách ly tại khách sạn, resort, địa điểm được địa phương chấp thuận. Từ 11/2021, Chính phủ giao Bộ VH&TTDL tổ chức thí điểm các chuyến bay du lịch.

Sau đó, Quang đã thông báo cho ông Nguyễn Mạnh Cương và Vũ Hoàng Dũng rằng, ông ta có khả năng xin văn bản cấp phép cho công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ, với mức chi phí từ 2.000 đến 3.000 USD mỗi người.

Sau đó, ông Nguyễn Mạnh Cương (Trưởng phòng Thương mại điện tử, Công ty cổ phần thương mại hàng không Vietjet) và Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do) đã thảo luận với một số giám đốc doanh nghiệp để tập hợp hồ sơ của các công dân có nhu cầu về nước và thỏa thuận nâng mức chi phí từ 100 đến 500 USD mỗi người so với mức ban đầu ông Quang đưa ra nhằm hưởng lợi.

Các giám đốc doanh nghiệp này đã tập hợp danh sách công dân muốn về nước và tiếp tục cộng thêm 100-500 USD/người so với chi phí ngoài mà Cương và Dũng đưa ra để hưởng lợi.

CQĐT xác định, Vũ Hồng Quang đã thỏa thuận và hối lộ Phạm Trung Kiên 10 triệu đồng cho mỗi công dân để nhận được văn bản chấp thuận cho việc hồi hương. Thông qua "giao kèo" này, Quang đã đưa hối lộ gần 7,5 tỷ đồng để có văn bản cho 624 công dân, còn Quang hưởng lợi gần 20 tỷ đồng.

Còn Nguyễn Mạnh Cương đã chuyển gần 3,9 tỷ đồng cho Vũ Hồng Quang để hối lộ Phạm Trung Kiên cho 388 công dân, bản thân Cương thu lợi hơn 2 tỷ đồng; Vũ Hoàng Dũng đã chuyển hơn 2,3 tỷ đồng cho Vũ Hồng Quang để hối lộ Phạm Trung Kiên cho 236 công dân, thu lợi hơn 2,8 tỷ đồng...

Công dân phải chịu "chi phí" đội gấp hơn 10 lần

Ngoài Vũ Hồng Quang, vào tháng 1/2021, Trần Thanh Nhã (lao động tự do) đã liên hệ với Kiên để "chạy" văn bản chấp thuận, với chi phí từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/công dân. Nhã sau đó thảo luận với Đặng Nhật Đức (Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan) về khả năng xin văn bản với mức phí 10-35 triệu đồng/người.

Đặng Nhật Đức đã trực tiếp nhận hồ sơ từ công dân hoặc thông qua Phạm Quốc Thắng, (Giám đốc Công ty TNHH PNR) và Trần Thị Ngân (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ana Travel) thỏa thuận mức phí từ 25 triệu đồng đến 160 triệu đồng/người. Thắng và Ngân đã tăng giá chênh lệch từ 100 đến 500 USD/người để hưởng lợi.

Kết luận điều tra cho thấy, Trần Thanh Nhã cũng đã thỏa thuận và hối lộ Phạm Trung Kiên từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/công dân để có được nhận văn bản chấp thuận về nước trên các chuyến bay đơn lẻ. Tổng số tiền Nhã đã đưa hối lộ Kiên lên tới 7,3 tỷ đồng cho 461 công dân, thu lợi hơn 8 tỷ đồng.

Vẫn theo cơ quan điều tra xác định, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2021, Phạm Trung Kiên đã thực hiện hoặc chuyển mẫu tờ trình cùng dự thảo văn bản cấp phép cho Vũ Hồng Quang để Quang hoàn thiện trước khi gửi lại cho Kiên. Sau đó, Kiên in tờ trình và kèm theo dự thảo văn bản cấp phép để trình trực tiếp cho ông Thứ trưởng Bộ Y tế phê duyệt và ký. Khi có văn bản chấp thuận, Phạm Trung Kiên đã chụp ảnh gửi cho Vũ Hồng Quang và Trần Thanh Nhã, để cả hai có thể chuyển tiếp cho các đối tượng liên quan gửi đến công dân qua ứng dụng Zalo và Viber.

Trong giai đoạn 1 của vụ án, Phạm Trung Kiên, cựu cán bộ Bộ Y tế, đã bị tuyên án chung thân về tội "Nhận hối lộ" với cáo buộc nhận hối lộ 253 lần với tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.

Các bị can đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên gồm:

1. Vũ Hồng Quang (cựu Phó Trưởng phòng Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải).

2. Nguyễn Mạnh Cương (Trưởng phòng Thương mại điện tử, Công ty cổ phần thương mại hàng không Vietjet).

3. Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do).

4. Trương Thị Mỹ Dung (Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dịch vụ Du lịch Ánh Sao Thiên).

5. Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Công ty TNHH PNR).

6. Trần Minh Phụng (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch và Xây dựng Gia Huy).

7. Trần Thanh Nhã (lao động tự do).

8. Đặng Nhật Đức (Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan)

9. Trần Thị Ngân (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ana Travel).

10. Bùi Đăng Khoa (Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Du ngoạn Thế).

MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.