Thư ký, trợ lý trong các đại án: Lộng hành vì đâu?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Qua hai đại án “Chuyến bay giải cứu” và “Việt Á” cho thấy sự lộng hành của nhóm bị can, bị cáo từng là thư ký và trợ lý của cựu cán bộ lãnh đạo liên quan. Những người này đã lợi dụng vị trí, chức vụ để nhận hối lộ hàng tỷ, thậm chí là hàng chục tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, có người chuyển cho lãnh đạo, kẻ thì sử dụng cá nhân, đầu tư đất đai…

Người mang tiền về cho sếp, kẻ tư lợi

Đại án “Chuyến bay giải cứu” vừa kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên 4 án chung thân và 50 mức án, từ cho hưởng án treo đến 18 năm tù giam đối với với 54 bị cáo.

Còn đại án Việt Á, Cơ quan điều tra vừa kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 38 bị can về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…

Cơ quan điều tra Bộ Công an kiến nghị có biện pháp kiểm soát quyền lực người đứng đầu từ vụ đại án liên quan Công ty Việt Á, một số độc giả thể hiện sự đồng tình, song cũng bày tỏ quan điểm cần kiểm soát cả quyền lực của "trợ lý, thư ký" của những người đứng đầu, bởi những người này "mượn uy hùm" cũng có quyền hành rất lớn.

Điểm chung trong hai vụ án này cho thấy có một số bị can, bị cáo là thư ký và trợ lý của một số lãnh đạo khi còn đương chức, đã lợi dụng vị trí công việc để vụ lợi cá nhân hoặc làm "chân" trung chuyển tiền được hối lộ cho sếp của mình.

Cụ thể, trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký một thứ trưởng Bộ Y tế) bị cáo buộc gây khó khăn, ép các doanh nghiệp phải hối lộ hơn 42 tỷ đồng để được cấp phép các chuyến bay combo. Toàn bộ số tiền nhận hối lộ, Kiên chiếm hưởng một mình, rồi dùng để mua đất, cho chú họ vay và đưa về cho vợ.

Thư ký, trợ lý trong các đại án: Lộng hành vì đâu? ảnh 1

Bị cáo Phạm Trung Kiên

Tại phiên tòa, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) cho hay, quá trình xin cấp phép các chuyến bay đã bị Phạm Trung Kiên gọi điện “ép” đưa tiền. Theo bị cáo Dương, khi gặp mặt Phạm Trung Kiên, Dương bị Kiên quát tháo và bảo: “Tôi biết các anh đưa tiền cho anh Tuấn (cựu Phó phòng thuộc Cục xuất nhập cảnh, Bộ Công an- PV) thì cũng phải đưa cho tôi 150 triệu một chuyến”.

Thư ký, trợ lý trong các đại án: Lộng hành vì đâu? ảnh 2

Bị cáo Nguyễn Quang Linh

Khi luận tội đối với bị cáo Phạm Trung Kiên, đại diện Viện kiểm sát nhận định, với vai trò là thư ký, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ giúp việc cho Thứ trưởng, song lợi dụng việc nhận giấy tờ cấp phép các chuyến bay, Phạm Trung Kiên đã "làm khó", buộc các doanh nghiệp phải chi hối lộ.

“Trong vụ án, bị cáo là người nhận nhiều tiền nhất, với thủ đoạn trắng trợn nhất, sau khi vụ án phát giác, bị cáo đem trả một phần cho doanh nghiệp và yêu cầu họ nói việc đưa nhận tiền là giao dịch vay mượn nhằm che giấu cơ quan chức năng", đại diện Viện kiểm sát nói. Khi tuyên án, HĐXX cũng đồng quan điểm với đánh giá của Viện kiểm sát về hành vi phạm tội trắng trợn của bị cáo này.

Trái ngược với Phạm Trung Kiên, bị can Nguyễn Huỳnh (thư ký cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long) trong vụ án Việt Á lại giữ vai trò “trung chuyển” tiền hối lộ cho sếp của mình.

Cơ quan điều tra cáo buộc, khi Công ty Việt Á sản xuất, mua bán kit xét nghiệm, ông Nguyễn Thanh Long có giới thiệu Tổng giám đốc Công ty này là bị can Phan Quốc Việt với lãnh đạo một số địa phương, tạo điều kiện cho phía Việt Á tiêu thụ kit xét nghiệm.

Kết luận điều tra quy kết ông Nguyễn Thanh Long cùng thư ký Nguyễn Huỳnh đã can thiệp, tác động giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19, hiệp thương giá trái quy định.

Đổi lại, ông Long và Huỳnh sau đó gợi ý, đề nghị Phan Quốc Việt đưa tiền.

Theo Cơ quan điều tra, Phan Quốc Việt đã đưa cho ông Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD (trong đó đưa 2,2 triệu USD thông qua Nguyễn Huỳnh để ông này chuyển lại cho ông Long). Phan Quốc Việt cũng đưa riêng ông Huỳnh 4 tỷ đồng.

Trợ lý “múa gậy" sau lưng lãnh đạo

Một trường hợp khác trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” được nhắc đến là bị cáo Nguyễn Quang Linh (nguyên Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ). Ông Linh bị cáo buộc nhận hối lộ 4,2 tỷ đồng, số tiền này Linh không đưa cho ai khác ở Văn phòng Chính phủ.

Theo Nguyễn Quang Linh, ông ta làm trợ lý cho Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ từ năm 2013 đến khi bị bắt (tháng 9/2022).

Tại tòa, ông Linh khai, nhận rất nhiều phiếu trình xin cấp phép chuyến bay song không thể nhớ cụ thể. Bị cáo này khai được một lãnh đạo ban thư ký biên tập Văn phòng Chính phủ giới thiệu, nhờ giúp đỡ ông Hoàng Anh Kiếm (Công ty Lữ Hành Việt) xin cấp phép chuyến bay.

Ông Linh sau đó giới thiệu Công ty Lữ Hành Việt với bị cáo Nguyễn Tiến Thân (chuyên viên Văn phòng Chính phủ) để hỗ trợ thủ tục. Mọi việc xong xuôi, Linh nhận tiền 4 lần, tổng cộng 180.000 USD từ ông Kiếm. Ngoài ra, một lần khác, bị cáo Linh nhận 100 triệu đồng từ bị cáo Nguyễn Mai Anh (Văn phòng Chính phủ).

"Nhận tiền xong bị cáo không báo cáo ai và cũng không đưa tiền cho ai khác ở Văn phòng Chính phủ", ông Linh quả quyết. Với sai phạm của mình, Nguyễn Quang Linh bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 7 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Trong khi tại đại án “Việt Á”, ông Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, bị đề nghị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo khoản 3 Điều 356 BLHS.

Kết luận điều tra cáo buộc, quá trình Bộ Y tế tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, theo đề nghị của Tổng giám đốc Công ty Việt Á là Phan Quốc Việt, ông Trịnh đã chỉ đạo bị can Nguyễn Huỳnh (cựu Thư ký Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long) giới thiệu, giúp Việt Á được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm tra, đánh giá chất lượng kit xét nghiệm, làm căn cứ lập hồ sơ đăng ký lưu hành gửi Bộ Y tế.

Ngoài ra, ông Trịnh còn "can thiệp" để Nguyễn Minh Tuấn (nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế) tham mưu, trình ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời kit xét nghiệm cho Việt Á; "tác động" tới Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế) giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế sử dụng nguồn tiền tài trợ từ các ngân hàng để thanh toán tiền mua 200.000 kit xét nghiệm theo kết quả hiệp thương giữa Bộ Y tế và Công ty Việt Á với đơn giá 470.000 đồng/test.

Đổi lại, ông Nguyễn Văn Trịnh nhận số tiền 200.000 USD (tương đương hơn 4,5 tỷ đồng) từ Phan Quốc Việt.

Hành vi của Nguyễn Văn Trịnh đã tạo điều kiện để Công ty Việt Á biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm thương mại thuộc sở hữu của Công ty Việt Á; giúp Công ty Việt Á sản xuất, kinh doanh, thu lời bất chính, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

MỚI - NÓNG