Trước khi nói về chuyện Công Phượng, xin kể lại đây câu chuyện có thật về một tài năng khác, đó là thủ môn Huỳnh Kim Đại hay gọi cho đúng hơn là Huỳnh Xuân Phát. Phát sinh năm 1985, ban ngày đi làm thợ sơn kiếm tiền để đóng học phí lớp năng khiếu bóng đá. Năm 2003, thấy Phát bắt bóng tốt, các thầy bày vẽ Phát về nhà mượn khai sinh, học bạ của người em con ông chú ruột là Đại sinh năm 1988 để đi thi đấu giải U15 toàn quốc.
Ở giải đó Phát bắt bóng tốt thật vì lớn hơn các bạn vài tuổi mà. Tốt đến độ đoạt luôn giải thưởng “Thủ môn xuất sắc nhất giải”, kèm theo đó, Phát được triệu tập thẳng vào đội U17 quốc gia, tập huấn ở Thành Long. Năm 2004, tìm về Bình Định, thật bất ngờ khi thấy Phát không còn là Đại mà đang là một anh thợ hớt tóc. Hoá ra bi kịch của Phát cũng chỉ bởi anh “nổi quá” mà thầy thì lại sợ lộ. Ngày Phát được triệu tập lên Thành Long, người hướng dẫn Phát thay tên đổi họ là huấn luyện viên Kim Đức của Bình Định cứ nơm nớp.
Khi thấy Phát càng chơi càng hay, càng chững chạc, ông Đức lại càng lo hơn. Và ông Đức đã gọi điện cho Phát, nỉ non rằng: “Con giả bộ đau lưng xin về đi, mai mốt thầy với con lên tập trung sau. Giờ mình con ở trên đó khó sống lắm”. Tin lời thầy, Phát lao lên bắt bóng rồi ngã xuống, kêu đau lưng, xin về lại Bình Định. Có ai ngờ đâu, về đến nơi Phát bị “quăng cục lơ” luôn. Đến giấy khen thủ môn xuất sắc cũng bị giấu biệt.
Phát kể, ngày đó Phát cứ ra sân tập nhưng thầy chẳng đoái hoài, mọi tiêu chuẩn đều bị cắt sạch. Phát bị đẩy thẳng ra đường thành anh thợ cắt tóc.
Bởi vậy mới nói, Công Phượng đã hay lại còn may. Chuyện Phượng đá bóng hay ra sao, xin miễn bàn. Nhưng, khi mà những Xuân Phát, Thế Vọng… bị hắt hủi, phủi tay, lãng quên dù cũng rất hay, thì chuyện với Phượng lại khác. Việc anh có gian lận tuổi hay không gắn liền với thương hiệu của một học viện, của một ông bầu tỉ phú. Nói không ngoa, Phượng còn là biểu tượng mới cho sự thành công của VFF.
Vậy nên, người ta thấy Công Phượng chẳng cần phải thanh minh, cứ thanh thản. Và thay cho việc Phượng phải đối đầu với dư luận, sức ép ấy đã khéo léo được chuyển cho một cầu thủ còn trẻ hơn Phượng, đã từng tập tại HAGL, cựu cầu thủ Bùi Văn Phúc. Người được cho là trót lỡ lời khai tuổi thật của Phượng phải gửi lá đơn kiện giới truyền thông. Thậm chí, chẳng khó để đọc thấy trên rằng, đó là “ác ý” là “dìm hàng” Công Phượng ở vài tờ báo thân quen.
Người ta sẵn lòng quên béng đi sự thật, có những điểm vô lý, tréo ngoe liên quan đến nhân thân của Phượng. Như chính trong hồ sơ về Công Phượng được học viện HAGL lưu giữ cũng có những điểm phi lý, như sinh năm 1995 nhưng đã học lớp 8 vào năm 2007, nghĩa là năm tuổi đã học lớp 2. Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý mà nó lại trùng với việc trong một cuốn sổ đăng ký hộ khẩu, Phượng cũng được ghi là sinh năm 1993 sau đó mới sửa lại thành 1995. Hay như việc vì sao học bạ của Phượng suốt sáu năm trời, chỉ một màu mực, một kiểu chữ viết cũng cần được giải thích. Vậy nên, việc đi tìm hiểu sự thật là điều hiển nhiên.
Vì vậy câu hỏi đặt ra chung quanh chuyện Phượng bao nhiêu tuổi này là, cuối cùng thì sự trung thực có còn đáng được quan tâm, coi trọng, có đáng để tìm hiểu hay không? Nếu câu trả lời vẫn là không, thì đành khen thêm một câu: “hay quá bầu ơi” mà thôi.
Năm 2003, đội U14 Việt Nam đoạt huy chương đồng giải U14 Đông Nam Á, sau đó bị phát hiện tới hai cầu thủ gian tuổi khiến VFF phải xin lỗi liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á và châu Á. Thanh tra của uỷ ban Thể dục thể thao đánh giá, Nghệ An thời điểm đó được cho là nơi gian lận tuổi nhiều nhất và có hệ thống, với sự giúp đỡ đắc lực từ địa phương trong việc làm lại hồ sơ cho các cầu thủ nhỏ tuổi.Sau đó uỷ ban Thể dục thể thao khuyến khích các địa phương “đầu thú”, khai lại tên tuổi thật, có tới gần 250 trường hợp đã gian tuổi, trong đó, có những ngôi sao thành danh.
Theo Tất Đạt