Công nghiệp suy giảm là 'dấu hiệu lạ'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam quý I chỉ đạt mức thấp 3,32% xuất phát từ câu chuyện của hai trụ cột là công nghiệp và xuất khẩu giảm mạnh.

Theo ông Ánh, với xuất khẩu, do tình hình thế giới ảnh hưởng bởi lạm phát dẫn đến sức mua giảm. Hầu hết các DN đều đói đơn hàng, song vấn đề này cũng đã nằm trong dự báo. Bất ngờ nhất là sự suy giảm tăng trưởng của nhóm công nghiệp (gồm công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, công nghiệp khai khoáng và cung cấp nước).

Công nghiệp suy giảm là 'dấu hiệu lạ' ảnh 1

Theo các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm mạnh còn là do công nghiệp lao dốc - Ảnh: Như Ý

Đây là những dấu hiệu lạ khi trong 3 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, các ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn tăng trưởng với mức cao. Trong khi hiện nay công nghiệp của cả nước lại suy giảm -0,82%.

“Công nghiệp suy giảm có thể do yếu tố nguồn cung từ việc DN không sản xuất được, hoặc do yếu tố cầu là sản xuất ra nhưng chưa tiêu thụ được. Chúng ta chưa bóc tách rõ số liệu về mức suy giảm công nghiệp từng địa phương và tỷ lệ công nghiệp trong nước và xuất khẩu để làm rõ vấn đề”, ông Ánh nói.

Dù chưa có con số cụ thể để mổ xẻ, song theo ông Ánh, nhìn vào sự thụt lùi của các trung tâm công nghiệp có thể hiểu rõ tác nhân kéo tăng trưởng kinh tế suy giảm. Chưa bao giờ, các tỉnh trọng điểm về công nghiệp của Việt Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và Vĩnh Phúc đều tăng trưởng âm hoặc thấp hơn trung bình chung, đặc biệt như Bắc Ninh còn âm tới gần 12%. Còn “đầu tàu” công nghiệp cả nước là TPHCM cũng chỉ tăng trưởng 0,7%.

“Việc trung tâm công nghiệp TP HCM tăng trưởng thấp đã kéo lùi tăng trưởng cả nước. Đặc biệt, trong khi dịch vụ của cả nước tăng trưởng mạnh, TPHCM là trung tâm dịch vụ lại tăng thấp hơn nhiều. Riêng 2 động lực quan trọng này đã đẩy đầu tàu TPHCM xuống nhóm bét bảng”, ông Ánh nói. Ông cho rằng, với những khó khăn trên, dự báo nguy cơ nhiều DN sẽ tiếp tục rời bỏ thị trường. Do đó, trong 2 năm tới mục tiêu có 1,5 triệu DN càng khó khăn hơn, và nếu không muốn nói là thiếu thực tiễn.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng cho rằng, những khó khăn về thị trường, tiền tệ thắt chặt, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm...từ cuối năm ngoái vẫn kéo dài đến hiện nay. Có thể thấy, tiêu dùng đóng góp 46% vào tăng trưởng kinh tế quý 1, nhưng chỉ tăng 3% so với cùng kỳ cho thấy tâm lý thận trọng trong chi tiêu của người dân. Tăng trưởng của nhiều ngành nghề quan trọng tập trung ở TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ đã sụt giảm mạnh.

Ông Thành cũng cho rằng, thời gian tới làm sao tăng tốc để thu hút khách du lịch đến Việt Nam, tận dụng chuyện mở cửa du lịch của Trung Quốc để có thêm khách quốc tế kích thích tiêu dùng của người dân, DN... Đồng thời, Chính phủ cần thúc đẩy đầu tư công, tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn khôi phục hoạt động kinh doanh...

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.