Ngày 30/8, UBND TP. Đà Nẵng đã có buổi tọa đàm với các doanh nghiệp trong khuôn khổ sự kiện “Ngày vi mạch bán dẫn năm 2024”.
Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn. Cụ thể, sẽ đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao; thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế.
Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ về vi mạch bán dẫn. Ảnh: Thanh Hiền. |
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Eric Juang - Phó Tổng Giám đốc Viện Công nghệ bán dẫn Đài Loan, Trung Quốc - cho hay, đơn vị hiện sản xuất 2.000 con chip mỗi năm. Có được kết quả này là do sự đóng góp của hơn 3.000 nhân lực chất lượng cao. Trong tương lai sẽ mở rộng hệ sinh thái này, xây dựng những nền tảng công nghệ mới, chương trình đào tạo mới để phát triển hơn nữa.
Nói về mong muốn phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Đà Nẵng, ông Eric Juang nhìn nhận: “Nếu đào tạo vài trăm nhân lực thì dễ, nhưng để xây dựng ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn thì cần tới hàng ngàn người, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Vì vậy chính quyền, nhà trường và doanh nghiệp cần bắt tay để phát triển nguồn nhân lực. Tôi hy vọng sẽ có hợp tác cụ thể với Đà Nẵng trong một ngày sớm nhất”.
Đồng quan điểm, ông Robert Li - Phó Chủ tịch Công ty Synopsys - cho rằng Đà Nẵng cần chuẩn bị đội ngũ nhân lực dồi dào. Đặc biệt phải có người đào tạo tốt mới cho “ra lò” những kỹ sư chất lượng.
Năm nay Đà Nẵng có 3 trường tuyển sinh với khoảng 170 chỉ tiêu về kỹ sư vi mạch bán dẫn. Ảnh: V.H. |
Ông Trịnh Khắc Huề - Tổng Giám đốc Công ty Qorvo Việt Nam - nhìn nhận, với chính sách đặc thù của Trung ương dành cho Đà Nẵng, thì đây là nơi có thể mở rộng, phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
“Tôi thấy điểm mấu chốt là cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Có nguồn nhân lực chất lượng cao có thể tạo ra nhiều thế hệ kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn, khi đó Đà Nẵng sẽ thành trung tâm vi mạch bán dẫn cho cả nước”, ông Huề khẳng định và cho rằng Đà Nẵng cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
Trên thực tế, Đà Nẵng mới có khoảng 550 nhân lực kỹ sư thiết kế vi mạch (chiếm 7% tổng nhân lực thiết kế vi mạch toàn quốc). Phần lớn các sinh viên được đào tạo từ trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng).
Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - chỉ rõ, nguồn nhân lực là yếu tố mang tính chất quyết định sự thành công của ngành công nghiệp bán dẫn. Công nghệ dù tốt đến đâu cũng cần có nhân lực. Việc đào tạo nhân lực xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó các cơ sở đào tạo cùng thành phố sẽ đào tạo theo nhu cầu này.
Đà Nẵng hiện có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Năm nay có 3 trường tuyển sinh với khoảng 170 chỉ tiêu về kỹ sư vi mạch bán dẫn: ĐH Bách khoa, ĐH CNTT-TT Việt Hàn, ĐH Sư phạm kỹ thuật.