Hội thảo diễn ra trong bối cảnh giới chuyên gia đang có nhiều lo ngại về những biến đổi bất thường của nguồn nước sông Mekong, gây ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực nông nghiệp, môi trường và kế sinh kế của hàng triệu người dân hạ nguồn sông Mekong, đặc biệt là Campuchia và Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học đến từ cơ quan, tổ chức của các nước quốc tế như Viện Di sản thiên nhiên (Mỹ), Viện Giáo dục nước quốc tế Hà Lan, Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Liên bang Đức và nhiều nhà khoa học đến từ các nước trong khu vực như Myanmar, Campuchia, Việt Nam.
Vai trò đặc biệt quan trọng
Tại hội thảo, các nhà khoa học khẳng định, khu vực châu thổ sông Mekong đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho các quốc gia tiểu vùng sông Mekong và thế giới. Nguồn nước sông Mekong đóng vai trò đặc biệt quan trọng và quyết định đối với nền nông nghiệp của khu vực này.
Tại Việt Nam, vùng châu thổ sông Mekong cung cấp hơn 50% lượng gạo và lương thực, 65% tổng sản phẩm cá và hơn 70% sản lượng hoa quả phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự tác động của các quốc gia phía thượng nguồn như việc xây dựng các đập thủy điện, đã khiến hạ nguồn sông Mekong cạn kiệt, ô nhiễm, nguồn thủy sản suy giảm, đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người dân.
Vùng châu thổ sông Mekong ở Việt Nam là một trong 3 vùng châu thổ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu trên thế giới. Việc thiếu nước ngọt đã gây xâm nhập mặn ở các vùng ven biển Thái Lan, Việt Nam và Campuchia, làm giảm lượng nước hồ Tonle Sap ở Campuchia, gây ra sự xáo trộn lớn trong môi trường sinh thái của thủy sản và ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của cả Campuchia và Việt Nam.
Tiến sỹ Jaap Evers, Viện Giáo dục nước quốc tế Hà Lan, nhấn mạnh, trong bối cảnh nguồn nước cảng trở nên quan trọng, cần có cơ chế hợp tác và phối hợp quản lý hiệu quả nguồn nước trong nông nghiệp, cũng như duy trì sự phát triển.
Đồng quan điểm trên, tiến sỹ Gregory Thomas, Chủ tịch Viện Di sản thiên nhiên Mỹ, cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng về nguồn nước sông Mekong, cùng với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế, cần tìm ra giải pháp hợp lý cho việc quản lý, chia sẻ và sử dụng tài nguyên nước sông Mekong, phục vụ nhu cầu gia tăng từ sinh hoạt, sản xuất của con người và duy trì sự phát triển bền vững của môi trường.
Một số giải pháp
Các nhà khoa học kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực cần thực hiện một số giải pháp.
Đó là đổi mới cách thức quản lý, sử dụng nguồn nước. Mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên khả năng thực tế của nguồn nước, cân bằng nước, phù hợp với các xu thế diễn biến nguồn nước trong tương lai.
Các khâu từ thiết kế đến quản lý vận hành nhà máy thủy điện ở thượng lưu cần phải xem xét hạn chế tối đa các mặt tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái ở vùng hạ lưu, đặc biệt là vùng đồng bằng châu thổ Mekong.
Tăng cường công tác quan trắc và theo dõi việc sử dụng nguồn nước trên toàn lưu vực. Các số liệu quan trắc cần được chia sẻ cho các quốc gia trong lưu vực.
Xây dựng cơ sở pháp lý của hợp tác quốc tế thông qua Ủy ban sông Mekong và các tổ chức quốc tế trong việc bảo đảm khai thác sử dụng công bằng hợp lý nguồn nước chung của 6 quốc gia trên lưu vực sông và bảo đảm sử dụng nước ở bất kỳ một quốc gia nào cũng không được gây thiệt hại đáng kể cho các quốc gia khác theo Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế.
Thông qua hội thảo, diễn đàn GMF thống nhất sẽ trao đổi thư ngỏ của hội thảo tới các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan, tổ chức liên quan để góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính phủ, người dân các nước trong lưu vực, cũng như cộng đồng quốc tế.