Công khai rao bán pháo lậu

Cảnh sát cơ động Hà Nội bắt vụ vận chuyển 250 kg pháo đêm 14/1
Cảnh sát cơ động Hà Nội bắt vụ vận chuyển 250 kg pháo đêm 14/1
TP - Cuối năm là thời điểm tình trạng buôn lậu pháo từ nước ngoài vào Việt Nam vào “cao điểm” với nhiều thủ đoạn vận chuyển, giao dịch tinh vi.  

Tuồn qua đường mòn, lối mở

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng các địa phương đã phát hiện, bắt giữ trên 3.400 vụ, gần 4.000 đối tượng mua bán, vận chuyển pháo nổ; thu hơn 35 tấn pháo các loại, trên 16.000 quả pháo, 276 hộp pháo.

Một lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 từng tiết lộ: 1 hộp pháo hoa mua tại Trung Quốc có giá khoảng 70.000 đồng, nhưng vận chuyển trót lọt đến Hải Dương bán được 450.000 đồng, vào đến miền Nam, giá đội lên tới hơn 1 triệu đồng.

Các tuyến biên giới luôn là cung đường “nóng” của tội phạm. Các đối tượng buôn lậu hoạt động bất kể ngày đêm, thay đổi phương thức cất giấu, cảnh giới, sẵn sàng đạp ga “thông chốt” nhằm tẩu thoát.

Ngày 20/1, chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Hoàng Khánh Hòa, Cục trưởng Cục Hải quan Cao Bằng, cho hay, các địa bàn trọng điểm của tỉnh Cao Bằng như cửa khẩu Tà Lùng, Lý Vạn, Pò Peo, Trà Lĩnh luôn tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu pháo; tuyến biên giới tỉnh Cao Bằng giáp Trung Quốc dài hơn 300km vừa có đường bộ, đường thủy sang Trung Quốc, nhiều đường mòn lối tắt nên việc nhập lậu pháo vẫn diễn biến phức tạp. “Từ đầu năm 2021 tới nay, các đơn vị lập chốt chưa phát hiện, bắt được vụ vận chuyển trái phép pháo nào”, ông Hòa nói.

Lạng Sơn và Quảng Ninh các năm trước đây cũng thường xuyên xảy ra tình trạng vận chuyển trái phép pháo lậu qua biên giới. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Hải quan hai tỉnh này, do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, cả phía Việt Nam và Trung Quốc đều siết chặt biên giới, kiểm soát chặt hàng hóa xuất nhập khẩu, người và phương tiện xuất nhập cảnh nên hoạt động vận chuyển trái phép pháo rất ít. “Cả tỉnh Quảng Ninh đang lập chốt phòng chống dịch ở tuyến biên giới quyết liệt như thời kỳ cao điểm nhất năm 2020 nên không có xuất nhập cảnh trái phép. Lực lượng chức năng cũng chưa phát hiện, bắt giữ được vụ vận chuyển trái phép nào qua biên giới dịp gần đây”, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh Nguyễn Văn Nghiên nói.

Ông Dương Xuân Sinh, Cục phó Cục Hải quan Lào Cai, cho hay, năm 2020 có xảy ra một số vụ vận chuyển trái phép qua lối mở ở khu vực Mường Khương, còn từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị chưa phát hiện vụ vận chuyển pháo trái phép nào.

Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Nghệ An cho biết, trên tuyến biên giới của tỉnh giáp với Lào vẫn tiềm ẩn nguy cơ vận chuyển trái phép pháo. Pháo nổ vẫn được các đối tượng tìm cách thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ.

Theo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và các doanh nghiệp không vi phạm việc nhập khẩu, mua bán pháo nổ, pháo hoa.

Rao bán trên mạng

Vận chuyển thì âm thầm song rao bán lại công khai. Đa số đối tượng sử dụng các tài khoản Facebook ẩn danh hoặc các tài khoản Zalo không có thông tin chính xác để tiện bề hoạt động.

Mới đây, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) bóc gỡ đường dây mua bán pháo lậu qua mạng xã hội do một công an xã cầm đầu. “Ngòi nổ” của vụ án xuất phát từ việc kiểm tra hành chính một phòng trọ thuộc phường Mỹ Đình 1 Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện 2 thùng pháo (31 hộp). Chủ nhân số pháo, Hà Đức Thương (31 tuổi, quê Ninh Bình), khai mua pháo của một người có tài khoản Facebook tên “Trung Kiên” để bán lại kiếm lời. Công an quận Nam Từ Liêm đã làm rõ người bán pháo cho Thương là Nguyễn Trung Kiên (29 tuổi, ở xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, Bắc Giang) - Ph ó trưởng công an xã bán chuyên trách của xã Hợp Đức. Kiên thừa nhận hành vi bán pháo cho Thương và nói rằng, cũng mua của một người không quen biết trên mạng xã hội.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại tá Nông Quang Tám, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP Lạng Sơn, cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng biên phòng tỉnh đã bắt 4 vụ vận chuyển pháo lậu vào Việt Nam, thu giữ gần 3 tạ pháo các loại. “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trên tuyến biên giới Lạng Sơn siết chặt quản lý, đấu tranh với loại tội phạm này, nhằm ngăn chặn pháo lậu được chuyển vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các đồn biên phòng còn đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới theo tinh thần của Nghị định 137 trong việc phân biệt các loại pháo được sử dụng và không được sử dụng để không vi phạm pháp luật”, đại tá Tám nói.  

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.