Cống hiến tài năng, lan tỏa yêu thương

Kỹ sư Nguyễn Tiến Hưng (trái) kiểm tra thiết bị sản xuất sản phẩm quốc phòng tại Xí nghiệp II . Ảnh: PV
Kỹ sư Nguyễn Tiến Hưng (trái) kiểm tra thiết bị sản xuất sản phẩm quốc phòng tại Xí nghiệp II . Ảnh: PV
TP - Luôn tâm huyết với công việc, hai Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân 2019 Nguyễn Tiến Hưng và Nghiêm Đình Hiếu đã và đang cống hiến tài năng, sức trẻ cho Quân đội, cộng đồng.  

Nâng cấp “trái tim vũ khí”
“Bám sát sản xuất, không ngừng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và không sợ thất bại trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật”- đó là phương châm làm việc, cống hiến của kỹ sư Nguyễn Tiến Hưng (SN 1984), Bí thư Chi đoàn Ban Kỹ thuật nghiệp vụ, Đội trưởng Đội khoa học kỹ thuật trẻ Xí nghiệp II, Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng).

Về công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị đẩy đệm giấy nhằm nâng cao năng lực sản xuất hạt lửa SK” giành Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm 2017, kỹ sư Nguyễn Tiến Hưng cho biết: Trong cấu tạo của các loại đạn bộ binh, đạn pháo, đạn cối thì hạt lửa là một phần quan trọng không thể thiếu vì nó đóng vai trò kích phát cho đạn hoạt động và được ví là “trái tim của vũ khí”.

Sau một thời gian tìm hiểu các tài liệu khoa học kết hợp với các sản phẩm mẫu nhập khẩu từ Bỉ, Nga, Trung Quốc…, Hưng và Đội khoa học kỹ thuật trẻ đã nghiên cứu trên dây chuyền công nghệ hiện có của nhà máy, kết hợp với những cải tiến mang tính chất đột phá để sản xuất thành công hạt lửa đạn súng mà không cần đầu tư mua sắm bổ sung dụng cụ, trang thiết bị công nghệ mới. Hưng và đồng đội cũng đã nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị cắt đệm giấy và thiết bị đẩy đệm giấy. 

“Lợi ích mà công trình nghiên cứu mang lại có nhiều, nhưng nổi bật nhất là công năng của dây chuyền sản xuất hạt lửa SK hiện có của nhà máy được nâng cao mà không ảnh hưởng đến các tính năng hiện có. Việc chuyển đổi chủng loại sản phẩm trên cùng một thiết bị sản xuất dễ dàng và nhanh gọn, giảm giá thành so với của nước ngoài nhưng vẫn đảm bảo các tính năng. Về mặt kinh tế, năng suất tăng 3,55 lần so với công nghệ cũ, làm lợi trung bình hàng năm hơn 2,6 tỷ đồng”, kỹ sư Hưng nói.

Cống hiến tài năng, lan tỏa yêu thương ảnh 1 Đại úy Nghiêm Đình Hiếu dạy học cho em nhỏ mồ côi được Trung đoàn 720 nhận nuôi dưỡng Ảnh: NVCC

Từ hiệu quả của công trình trên, Nguyễn Tiến Hưng và cộng sự tiếp tục giới thiệu công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị tháo các loại hạt lửa sử dụng khí nén và bố trí lại các bước công nghệ, nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao năng lực sản xuất hàng quốc phòng” tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm 2019. Qua gần 3 tháng miệt mài nghiên cứu và thiết kế, nhóm tác giả đã nghiên cứu thành công thiết bị tháo hạt lửa trên máy và thay đổi công nghệ chế tạo hạt lửa với những tính năng ưu việt, hiện đại hàng đầu Việt Nam. 

Lớp học lúc 0 giờ 

Trung đoàn 720 thuộc Binh đoàn 16 đứng chân trên địa bàn xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, làm nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng; trồng, chăm sóc, khai thác các loại cà phê, cao su, điều. Là Phó trung đoàn trưởng Kỹ thuật, Phó Giám đốc Nông trường và Phó Bí thư Đoàn cơ sở Trung đoàn, đại úy Nghiêm Đình Hiếu (SN 1989) và đồng đội đã góp phần đem lại cuộc sống no ấm cho người dân nơi đây. 

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như phục vụ nhu cầu đi lại, quản lý sản phẩm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, đại úy Hiếu đề xuất huy động kinh phí và trực tiếp chỉ đạo thi công đường điện chiếu sáng tại 6 cụm khu dân cư với chiều dài 15km. Dự án mang tên “Đường bản sáng”, giúp trên 600 hộ dân (hơn 4.100 khẩu) đồng bào dân tộc thiểu số và cả đơn vị đi lại ban đêm an toàn, tránh được côn trùng, động vật nguy hiểm. Đồng thời còn giúp kiểm soát người lạ, hạn chế tệ nạn xã hội. 

Đại úy Hiếu và đồng đội còn hướng dẫn, giúp đỡ hơn 600 hộ đồng bào thiểu số thực hiện mô hình trẻ hóa vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi tự thân; hướng dẫn tận dụng hàng cây chắn gió tại các vườn cà phê để trồng xen hồ tiêu, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho đoàn viên, người lao động. Năm 2019, số lượng vườn hồ tiêu của đơn vị tăng 20.000 trụ.

Trong vùng dự án của Trung đoàn, công nhân và người dân thường đi khai thác mủ cao su từ 2 giờ sáng. Trước đây, nhiều gia đình công nhân chỉ gửi được con vào lúc 7 giờ sáng, trong khi vườn cao su lại ở cách xa nên khi tới nơi thì mặt trời đã lên cao, khiến việc khai thác mủ được ít, có khi cạo vội ảnh hưởng tới năng suất và tuổi thọ cây cao su. Trăn trở trước thực tế này, đại úy Hiếu đề xuất với Đảng ủy, Ban chỉ huy Trung đoàn triển khai mô hình “Lớp học lúc 0 giờ” từ tháng 3/2019.

Lớp học do các đoàn viên Phân đoàn nhà trẻ đảm nhận, được mở từ 0 giờ đến 12 giờ trưa. Từ ngày lớp học được mở, các công nhân có con nhỏ đã chuyên tâm vào sản xuất, lao động đạt hiệu quả cao. “Khí hậu Tây Nguyên về đêm rất lạnh, chúng tôi rất chú trọng giữ ấm cho các cháu nhỏ. Các cháu được chăm lo tốt nhất, từ bữa ăn đến giấc ngủ, khiến bố mẹ yên tâm lao động, sản xuất”, đại úy Hiếu nói.

“Thường xuyên làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, khu vực đặc biệt khó khăn nên tôi luôn tự nhủ phải làm gì đó giúp cuộc sống bà con ngày càng tốt hơn. Tôi luôn bắt tay vào từ những việc nhỏ nhất”. Đại úy NGHIÊM ĐÌNH HIẾU

MỚI - NÓNG