Công chức làm việc ở nhà, được không?

Cán bộ công chức UBND phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Cán bộ công chức UBND phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
TP - Việc cho công chức một số lĩnh vực làm việc tại nhà cần phải có sự cân nhắc về lĩnh vực, tính toán kỹ các mặt lợi-hại, gắn trách nhiệm và hiệu quả công việc để tránh tình trạng lười biếng, ỷ lại trong một bộ phận công chức.

Các chuyên gia cho rằng, việc cho công chức một số lĩnh vực làm việc tại nhà ở một số nước trên thế giới đã áp dụng. Khi áp dụng biện pháp này, các cơ quan ban ngành sẽ quản lý cán bộ công chức bằng hiệu quả “đầu ra” của công việc được giao. Tuy nhiên, việc này không đơn giản vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Đặc biệt, phụ thuộc phần lớn vào ý thức trách nhiệm của mỗi người và phải làm thế nào để tránh tình trạng lợi dụng làm việc tại nhà để lười biếng, ỷ lại.

Tăng hiệu quả “đầu ra”

Trao đổi với Tiền Phong, Thạc sĩ  Trần Bá Hùng- giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TPHCM cho rằng, nếu áp dụng sẽ dựa trên hiệu quả “đầu ra” của công việc chứ không quản lý về thời gian, giờ giấc hay địa điểm làm việc. Khi áp dụng hình thức này sẽ thay đổi rất nhiều về hiệu quả làm việc của công chức. Bởi thực tế hiện nay có 30% cán bộ công chức cứ sáng cắp cặp đến cơ quan chiều cắp cặp về.

Trong khoảng thời gian đó còn la cà cà phê, tám chuyện nên hiệu quả công việc không đảm bảo. “Khi cho làm việc tại nhà thì gắn trách nhiệm cho cán bộ công chức, không phải đến cơ quan để chơi, ở nhà làm việc hiệu quả hơn và không bị ràng buộc bởi các quy trình kỹ thuật… Điều này sẽ mang lại hiệu quả làm việc và tránh được tình trạng 30% cán bộ công chức trên”- ông Hùng nói.

Đồng quan điểm, một giảng viên trường Đại học Kinh tế -Luật TPHCM cho rằng, khi áp dụng hình thức này sẽ giúp giảm được nhiều vấn đề về xã hội như kẹt xe, áp lực về hạ tầng, cơ sở vật chất… Bên cạnh đó, các cán bộ công chức có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. “Khi áp dụng điều này, hàng nghìn người sẽ không phải đổ ra đường vào sáng sớm cũng như chiều tối. Vì vậy, sẽ giúp giảm kẹt xe, áp lực giao thông vào giờ cao điểm. Đặc biệt, tại khu vực như trung tâm TPCHM, hiện hạ tầng giao thông còn hạn chế, trong khi đó tập trung rất nhiều sở ngành”, giảng viên này nói.

Nguy cơ phát sinh tiêu cực

Theo các chuyên gia, việc áp dụng cho cán bộ công chức làm việc tại nhà nếu không có phương pháp quản lý chặt chẽ sẽ phát sinh nhiều tiêu cực như ỉ lại, không làm nhưng vẫn hưởng lương…

Ông Trần Bá Hùng cho rằng, để làm được điều này không hề đơn giản mà phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của công chức. Thay vì cấp trên quản lý trực tiếp tại công sở thì bản thân mỗi công chức phải tự quản lý hành vi của mình. Muốn làm được cái này phải có tiêu chí đánh giá kết quả công việc, giao công việc thì phải có cơ chế kiểm soát. Theo ông Hùng, cần xem nó mang lại lợi ích gì, có nâng cao được hiệu quả công việc hay không? Giải quyết được các vấn đề xã hội hay không?...

Ông Hùng cũng đề nghị cần phải nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới xem họ quản lý công chức như thế nào, điều kiện để chuyển từ công chức làm việc theo giờ giấc tại cơ quan sang công chức làm việc tại nhà ra sao. Khó khăn thách thức nữa là khi áp dụng thì sẽ có trường hợp một số cán bộ công chức gần như không đến cơ quan và không làm việc nhưng vẫn lĩnh lương bình thường. Nguy cơ phát sinh tiêu cực sẽ nhiều hơn làm việc tại cơ quan công sở. Đồng thời, phải tùy theo tính chất công việc mới cho làm việc tại nhà, còn những người trực tiếp làm việc với người dân thì phải có mặt ở cơ quan.

Ông Đinh Gia Huynh, Chủ tịch UBND phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM cho rằng, việc áp dụng cho cán bộ công chức làm việc ở nhà chỉ phù hợp với các cơ quan từ cấp quận trở lên. Vì ở cấp phường xã, mọi công việc đều phải trực tiếp làm việc với người dân, không thể làm việc từ xa. Nếu cho cán bộ làm việc tại nhà mà không có sự quản lý chặt chẽ từ cấp trên sẽ dễ phát sinh các vấn đề tiêu cực, tạo tâm lý lười biếng, không tập trung.

Theo ông Huynh, một số phòng ban đặc thù từ cấp quận trở lên chủ yếu giải quyết các thủ tục hành chính thông qua văn bản, giấy tờ từ địa phương gửi lên có thể làm việc tại nhà. Sau khi nhận hồ sơ về xử lý xong, cán bộ các phòng ban có thể mang đến cơ quan để trình lãnh đạo ký duyệt.

Còn ở cấp phường xã, từ cán bộ tiếp dân đến kế toán đều phải làm việc tại cơ quan vì liên quan trực tiếp đến người dân. “Kể cả kế toán khi làm việc cũng phải tiếp các cán bộ từ khu phố lên. Không thể hẹn người dân đợi ngày mình lên cơ quan mới giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính”, ông Huynh nói.

Theo đề xuất của đại biểu Quốc hội, cán bộ công chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà và chỉ cần đến cơ quan 1-2 ngày mỗi tuần. Điều này giúp tăng hiệu quả công việc, giảm kẹt xe và tiết kiệm thời gian, chi phí…    

MỚI - NÓNG