Công an TPHCM nói về việc thu thập mống mắt khi làm thẻ căn cước

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại diện Công an TPHCM khẳng định, các thiết bị thu nhận mống mắt khi làm thẻ căn cước đã được cơ quan y tế kiểm nghiệm và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Sáng 23/8, Công an TPHCM tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính năm 2024. Hội nghị do Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM chủ trì và có hơn 40 đại biểu là người dân, đại diện các tổ chức đăng ký tham gia đối thoại.

Mở đầu, ông Lê Thành Quang Khôi (ngụ huyện Củ Chi) đặt câu hỏi với Công an TPHCM rằng, việc thu thập mống mắt khi làm thẻ căn cước có nguy hại cho mắt hay không?

Công an TPHCM nói về việc thu thập mống mắt khi làm thẻ căn cước ảnh 1

Ông Khôi đặt câu hỏi về nguy hại khi thu thập mống mắt để làm thẻ căn cước. Ảnh: H.T.

Trả lời câu hỏi này, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TPHCM cho biết, theo Luật Căn cước năm 2023, có 3 thông tin sinh trắc học được bổ sung khi người dân làm thẻ căn cước gồm: mống mắt, AND và giọng nói.

Trong đó, dữ liệu về mống mắt có tính chính xác cao, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam. Theo ông Hải, các thiết bị thực hiện thu nhận mống mắt là chuyên dùng, đã được các cơ quan y tế kiểm nghiệm, không ảnh hưởng đến mắt của người dân.

“Việc thu thập mống mắt sẽ được cơ quan quản lý căn cước thu nhận bằng thiết bị chuyên dụng đặc biệt nên không có nguy hại hoặc ảnh hưởng nào đến mắt của công dân. TPHCM đã thu nhận mống mắt hơn 200 nghìn người”, ông Hải thông tin.

Công an TPHCM nói về việc thu thập mống mắt khi làm thẻ căn cước ảnh 2

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải trả lời thắc mắc của người dân về thẻ căn cước. Ảnh: H.T.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Duyên (ngụ quận 11) đặt câu hỏi có thực sự cần thiết khi cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi hay không, vì các cháu trong độ tuổi này không thường xuyên thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính?

Theo ông Hải, Luật Căn cước năm 2023 bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của các cháu; phát huy giá trị, tiện tích của thẻ căn cước trong hoạt động Chính phủ số, xã hội số. Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.

“Thẻ căn cước có tích hợp rất nhiều thông tin và thuận lợi cho trẻ em trong quá trình đi học, di chuyển bằng tàu, xe hoặc khám, chữa bệnh. Công dân dưới 14 tuổi có thể sử dụng thẻ căn cước hoặc sử dụng thông qua bố, mẹ, người giám hộ”, ông Hải nói.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Đình Dương cho biết, trong những năm qua, Đảng uỷ, Ban giám đốc công an TPHCM luôn quan tâm, chỉ đạo công tác cải cách hành chính.

Công an TPHCM nói về việc thu thập mống mắt khi làm thẻ căn cước ảnh 3

Đại tá Nguyễn Đình Dương đề nghị các đơn vị trực thuộc xem công tác giải quyết thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm để hỗ trợ người dân. Ảnh: H.T.

Đơn vị đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, triển khai các quy định về cải cách thủ tục hành chính và đã đạt nhiều kết quả quan trọng, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố.

“Công an TPHCM áp dụng nhiều mô hình mới, cách làm hay, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân”, Đại tá Dương thông tin và đề nghị các đơn vị trực thuộc xem công tác giải quyết thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết mọi thắc mắc và hỗ trợ tốt nhất cho người dân.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, Công an TPHCM đã tiếp nhận và giải quyết hơn 6,1 triệu hồ sơ trên các lĩnh vực.

Cụ thể, hơn 3,2 triệu hồ sơ trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh; hơn 641.000 hồ sơ lĩnh vực đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; hơn 2 triệu hồ sơ đăng ký quản lý cư trú…).

MỚI - NÓNG