Cần chặt chẽ, thận trọng và đúng quy trình
Ông Trần Ðức Quý -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, Công an tỉnh Hà Giang đã được giao trách nhiệm vào cuộc làm rõ những sai phạm xảy ra trong kỳ thi THPT 2018 tỉnh này. Hiện Công an tỉnh Hà Giang đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an cùng các bên liên quan và sẽ thực hiện theo đúng quy trình một cách nghiêm túc, thận trọng với những căn cứ đang được củng cố. Ông cũng khẳng định Hà Giang sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an, Bộ GD&ÐT về việc xử lý pháp luật nghiêm khắc đối với sai phạm gây chấn động dư luận này.
Như tin đã đưa, ông Vũ Trọng Lương - Phó phòng Khảo thí Sở GD&ÐT tỉnh Hà Giang đã được Ðoàn thanh tra vừa qua xác nhận là có sai phạm nghiêm trọng khi can thiệp làm sai lệch kết quả 330 bài thi THPT 2018 tỉnh Hà Giang. Cụ thể, ông Lương đã nhận các tin nhắn có số báo danh và mã số thí sinh rồi thao tác trên bài thi và máy chấm, nâng điểm cho 114 thí sinh. Cá biệt, có học sinh được nâng tới 29,95 điểm hoặc trong bài thi môn Hóa, có em được nâng từ 0,75 lên 9,5 điểm.
Nhà riêng ông Vũ Trọng Lượng tại TP Hà Giang. Ảnh: Tùng Duy.
Dư luận hiện đặt nhiều câu hỏi có hay không sự liên quan của những đối tượng khác, khi mà quá trình thao tác này nếu chỉ một mình ông Vũ Trọng Lương thực hiện thì rất khó thành công trong thời gian ngắn (chỉ hơn 2 giờ đồng hồ), và đặc biệt là ông ta đã thu gom tin nhắn từ một vài người hay từ hơn 100 “mối” (các gia đình học sinh) khác nhau? Tất cả đang chờ đợi câu trả lời từ phía cơ quan chức năng.
Ðược biết, ông Vũ Trọng Lương hôm qua vẫn chưa bị tạm đình chỉ công tác với cương vị là Phó phòng. Chánh Văn phòng Sở GD&ÐT tỉnh Hà Giang cho biết ông Lương mới chỉ bị đình chỉ chức danh Thư ký tại Hội đồng thi Hà Giang, và vẫn đến Sở như thường lệ. Hiện Bộ GD&ÐT chưa ra kết luận cuối cùng về sai phạm ở Hà Giang nên có thể những quy trình về xử lý sai phạm ở cấp độ hành chính vẫn chưa được thực hiện. Về mặt quy trình, đây là bước đi quan trọng và cần thiết để Cơ quan điều tra thụ lý vụ việc, tiếp nhận tang vật (bài thi, máy quét…), củng cố hồ sơ, tiến đến khởi tố hình sự, điều tra làm rõ.
Con lãnh đạo được nâng điểm?
Các phóng viên cũng đặt câu hỏi về thông tin có nhiều con em của lãnh đạo, cán bộ tỉnh Hà Giang nằm trong số 114 thí sinh được nâng điểm và nay bị hạ theo kết quả chấm khảo thí. Ông Vũ Trọng Hiền cho rằng: “Trong danh sách này, chúng tôi không biết được có bao nhiêu thí sinh là con em quan chức bởi chỉ nắm được số báo danh. Ngay cả giờ các bạn có hỏi giám đốc Sở cũng khó có thể chia sẻ được”. Trước đó, ông Trần Ðức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nói tại họp báo: “Con của lãnh đạo đi thi có, trong một kỳ thi có nhiều đối tượng nhưng tôi nghĩ không lãnh đạo nào nói phải đưa con tôi vào 1 trường đại học cả”.
Phóng viên tìm tới một gia đình vị lãnh đạo một ngành trong tỉnh có con nằm trong 114 trường hợp được nâng điểm. Người nhà cho biết, họ không “chạy điểm” nhưng sau khi chấm thẩm định, kết quả của thí sinh thấp hơn đã công bố gần 10 điểm khiến cháu không vào được trường đại học mơ ước. Hiện người nhà rất lo lắng cho tâm lý, sức khỏe của con mình. Khi được hỏi vậy phía gia đình có khiếu nại gì về điểm thi vừa chấm thẩm định không, thì gia đình từ chối trả lời.
Một phụ huynh khác kể, nhà một thí sinh trong diện được “nâng điểm” đã làm cỗ, ăn mừng. Nhưng sau khi có kết quả chấm thẩm định, gia đình đóng cửa im bặt, cho con mình đi du lịch. Ðáng chú ý, các phụ huynh mà phóng viên tiếp xúc đã khẳng định đa số các trường hợp chạy điểm đều nộp đơn vào trường khối ngành công an bởi chỉ cần thi đỗ là được “biên chế cả đời” và không phải lo học phí kèm nhiều quyền lợi khác.
Một số phụ huynh, học sinh trong diện không được nâng điểm đã cung cấp một số trường hợp con của lãnh đạo, cán bộ trong tỉnh bị hạ điểm. Trong đó, có không ít thí sinh là con của giáo viên, lãnh đạo các sở, phòng của ngành giáo dục trong tỉnh. Các phụ huynh tỏ sự hài lòng, cho rằng là công bằng khi những thí sinh này bị hạ điểm, buộc phải sòng phẳng với con em thường dân trong cuộc đua vào đại học.
Trao đổi với Tiền Phong về giả thiết các phụ huynh đã nhắn tin nhờ “chạy” điểm, Phó chủ tịch tỉnh Trần Ðức Quý khẳng định: “Nói bố mẹ chạy ra, mua điểm cho các con cần thời gian của cơ quan điều tra và nếu có chúng ta sẽ xử lý theo pháp luật”.
Ðược biết, ông Vũ Trọng Lương sinh năm 1978, quê gốc ở Thái Bình nhưng gia đình đã chuyển tới huyện Vị Xuyên (Hà Giang) sinh sống từ lâu. Ông Lương giữ chức Phó Phòng khảo thí từ năm 2010 và đã có nhà riêng tại TP Hà Giang. Hiện, vị này đã đóng facebook cá nhân, số điện thoại và theo hàng xóm là không về nhà nhiều ngày nay.