Công an cấp trên cần trực tiếp điều tra vụ Đường 'Nhuệ' đánh người

Trụ sở của doanh nghiệp vợ chồng Đường “Nhuệ”
Trụ sở của doanh nghiệp vợ chồng Đường “Nhuệ”
TP - Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, vụ án Đường “Nhuệ” bị tố đánh người ngay trong trụ sở Công an phường Trần Lãm (TP Thái Bình) là quá sức tưởng tượng. Vụ án được khởi tố, rồi tạm đình chỉ có dấu hiệu vi phạm quy định tố tụng, cần được cơ quan điều tra cấp trên rút hồ sơ, trực tiếp điều tra để đảm bảo tính khách quan.

Mọi hành vi trái pháp luật sẽ được đưa ra ánh sáng

Như Tiền Phong đã đưa tin, CQĐT Công an TP Thái Bình vừa phục hồi điều tra vụ án “Cố ý gây thương tích”, xảy ra ngày 18/11/2014 tại trụ sở Công an phường Trần Lãm. Trước đó, bà Đinh Thị Lý (SN 1964, ở TP Thái Bình) tố cáo Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”, SN 1971) đã đánh đập mẹ con bà ngay tại trụ sở công an phường. Ngày 5/1/2015, Công an TP Thái Bình khởi tố vụ án để làm rõ. Đến ngày 5/7/2015, CQĐT Công an TP Thái Bình tạm đình chỉ vụ án.

Liên quan vụ án này, trao đổi với phóng viên, luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đối với tội “Cố ý gây thương tích”, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm. Việc Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình ra quyết định phục hồi điều tra là đúng quy định.

Trong vụ án này, do tổn thương cơ thể của bị hại (anh Mai Duy Thế, con bà Lý) là 15% nên theo thẩm quyền, CQĐT Công an TP Thái Bình được quyền tiến hành các hoạt động điều tra đối với vụ án mà cơ quan này đã khởi tố và tạm đình chỉ. Tuy nhiên, CQĐT - Công an tỉnh Thái Bình vẫn có quyền điều tra khi xét thấy cần trực tiếp điều tra.

Cũng theo quy định  của Bộ luật Tố tụng Hình sự  hiện hành, người tố giác có quyền đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mình. Khi nhận được yêu cầu bảo vệ, cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cứ, tính xác thực của yêu cầu bảo vệ.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan điều tra sẽ áp dụng những biện pháp để bảo vệ người yêu cầu như: Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ; Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn; Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ; Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý; Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; Ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật.

Công an cấp trên cần trực tiếp điều tra vụ Đường 'Nhuệ' đánh người ảnh 1 Vợ chồng Đường “Nhuệ” trước khi bị bắt 

Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước là mạnh tay trấn áp các hoạt động tội phạm băng nhóm, có tổ chức, đặc biệt là hoạt động tội phạm có sự bảo kê của người có chức vụ, quyền hạn. “Do đó, người dân hoàn toàn có quyền tin tưởng không một thế lực nào có thể bao che mãi cho các hành vi vi phạm. Mọi việc làm trái pháp luật, dù sớm hay muộn, đều sẽ bị đưa ra ánh sáng”, luật sư Giang Hồng Thanh nói.

 Có hay không hành vi bao che Ðường “Nhuệ”?

Đồng quan điểm, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch công ty TAT Law firm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh, các đối tượng xã hội đen gây thương tích cho mẹ con bà Lý ngay tại trụ sở công an phường quá sức tưởng tượng của người dân. Việc phục hồi điều tra là rất cần thiết, tuy nhiên Công an TP Thái Bình đang điều tra vụ án này là chưa hợp lý. Để đảm bảo khách quan hơn, Công an tỉnh Thái Bình hoặc cơ quan điều tra cấp cao hơn cần rút hồ sơ, trực tiếp điều tra.

  “Dư luận đang chờ sự việc không chỉ giải quyết đối với các đối tượng lưu manh mà còn chờ kết luận có hay không hành vi bao che cho Đường “Nhuệ”. Liệu có sự khuất tất, bảo kê hay không?”, LS Tú nói.

MỚI - NÓNG