Hôn mê vì tai nạn: Cha già không dám ngủ
PGS Đồng Văn Hệ - Phó trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội chia sẻ, ông đã gặp rất nhiều bệnh nhân hôn mê bất tỉnh cả năm trời nhưng rồi họ vẫn tỉnh lại. Nhiều người cho rằng điều này là thần kỳ nhưng về mặt khoa học không có gì lạ. Thời gian hôn mê tùy thuộc vào mức độ tổn thương của vùng chấn thương não.
Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn D. trú tại Duy Tiên, Hà Nam là điển hình. Ông Thảo bố của D. cho biết D. bị tai nạn xe máy hôm 7/3/2013. Cả gia đình ông hoang mang tột độ vì D. là người con trai duy nhất.
D. được người nhà đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Phủ Lý rồi chuyển thẳng lên Bệnh viện Việt Đức. Tại đây, bác sĩ cho biết D. bị chấn thương sọ não. Cậu bị hôn mê sâu hơn 1 tháng trời.
Chăm con không rời xa con một bước, đã có lúc ông Thảo tuyệt vọng. Ông bảo “ngồi ở phòng điều trị đặc biệt trông con ốm thì ai cũng phải dựng tóc gáy vì sinh tử cách nhau trong tích tắc. Tôi sợ không dám ngủ vì chỉ lo ngủ rồi khi tỉnh dậy nhận được tin xấu về con”.
Ngày nào, vợ chồng ông bà cũng ở cạnh con. Hết giờ chăm, ông bà về phòng trọ nghỉ đến tối lại chạy vào. Sống vạ vật ở bệnh viện không có gì đau đớn bằng chứng kiến con mình vẫn nằm im bất động.
Bác sĩ khuyên ông phải thường xuyên nói chuyện với bệnh nhân nhiều hơn vì có thể cậu ấy vẫn hiểu được nên ông Thảo không dám lơ là chuyện đó. Đêm nào, ông cũng trằn trọc cầm tay con rồi kể cho con nghe đủ thứ chuyện. Từ chuyện bà hàng xóm mất điện thoại cho đến chuyện đứa cháu tập đi xe đạp được rồi… Ông bảo không có chuyện gì là ông không kể.
Bạn bè của D. đến chơi, ông nhờ các cháu có chuyện gì vui vẻ với nhau lôi ra kể hết vì ông sợ một ngày con tỉnh lại sẽ mất trí nhớ. Ông bảo “Dù nó nằm im, chân tay không động đậy nhưng trái tim nó còn đập nên tôi phải giữ lại các khoảnh khắc cũ cho con. Điều tôi lo nhất là khi tỉnh lại cháu bị mất trí nhớ. Điều này rất nhiều bệnh nhân đã bị”
Nhờ tấm lòng của người cha, hơn một tháng sau, D. đã dần hồi tỉnh. Cậu được các bác sĩ đưa xuống bệnh viện vệ tinh của bệnh viện nằm điều trị tiếp. Ông Thảo nhớ lại, sau 4 tháng nằm viện, khi tỉnh dậy, D. không bị ảnh hưởng gì đến trí nhớ. Dù nói khó nhưng ông Thảo kiên trì dạy con học nói.
Nghĩ lại quãng thời gian chăm con, ông cười
Bị bạn đánh hôn mê 2 tháng Trường hợp của Nguyễn Ngọc Th. trú tại Hưng Hà, Thái Bình cũng là một trong nhiều bệnh nhân bị hôn mê sâu đã tỉnh lại. Năm học lớp 12, Th. và các bạn ở xã bên đánh nhau vì chuyện tranh chấp tình cảm của một cô gái học khác lớp. Tuổi trẻ không kiềm chế được nên Th. bị bạn dùng ống típ đánh vào đầu khiến cậu bị chấn thương sọ não và hôn mê.
Là học sinh cuối cấp, gia đình và mọi người đều lo sợ Th. không thể tỉnh lại. Đã có lúc, bác sĩ tiên lượng xấu nhưng gia đình cố xin cho Th. ở lại bệnh viện vì họ sợ không dám đưa con về nhà để chờ đợi điều xấu nhất.
Xót xa 12 năm ăn học bị bỏ lỡ, bố mẹ em mong chờ con tỉnh lại từng ngày để đi thi nhưng mọi mong chờ vẫn trong tuyệt vọng. Bố của em mắt thâm đen vì những đêm lo cho con không ngủ. Nằm điều trị ở phòng tự nguyện với những người như Th. đã là sự ưu ái vì bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.
Mỗi lần gia đình tuyệt vọng, bác sĩ trong khoa lại động viên hi vọng Th. sẽ hồi tỉnh, hi vọng một phép màu kỳ lại.
Mất hơn 3 tháng sau, Th. mới bắt đầu cựa quậy những đầu ngón chân, ngón tay. Khi mở mắt, cậu không nhớ nổi mình đang ở đâu và đã làm gì. Th. chỉ còn biết kêu đau và khóc như đứa trẻ vừa được hồi sinh lần thứ hai. Sau khi hồi tỉnh, bố mẹ đưa em xuống trung tâm y tế 178 Thái Hà tiếp tục phục hồi.
Chia sẻ với chúng tôi, bố của Th. cho biết “Cũng may là cháu phúc lớn, mệnh lớn nếu không thì đã không thể qua khỏi. Nằm viện mà 2 lần bị tràn dịch màng não. Cứ tỉnh lại được chút lại rơi vào hôn mê. Có lần, tôi đã thuê xe đưa con trở lại Bệnh viện Việt Đức nhưng bác sĩ ở đó không nhận vì thực sự họ bị quá tải, còn nhiều bệnh nhân khác nặng hơn. Tôi đành đưa con về đây với hi vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Và thực sự, tôi đã thấy có phép màu”.
PGS Đồng Văn Hệ chia sẻ, với những bệnh nhân trên việc phục hồi chức năng sau khi tỉnh của họ vô cùng quan trọng bởi có nhiều bệnh nhân khi hồi tỉnh nhưng người nhà không biết chăm sóc khiến tri thức của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Điều bác sĩ Hệ băn khoăn là ngành y Việt Nam vẫn chưa tập trung nhiều cho việc phục hồi chức năng. Chúng ta đang quá tải cho điều trị mà không có các trung tâm phục hồi chức năng lớn để cho những bệnh nhân sau khi hồi tỉnh vì bị chấn thương có thể lấy lại dần sức khỏe của họ.
Theo Khánh Ngọc