Hai lúa vượt rào
Đêm mùng 2, sáng mùng 3 Tết Nguyên đán 2016, bà con các ấp ở xã An Xuyên (TP Cà Mau) đã bửa 4 con đập ngăn mặn, giữ ngọt khiến nước mặn tràn đầy đồng. Sự việc đã gây chấn động tại địa phương. “Bà con phá đập đúng vào dịp ngày tết, chính quyền không trở tay kịp. Bà con phá, chính quyền cho đắp lại, có con đập đắp đi đắp lại vài ba lần”- ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã An Xuyên kể. Ông Hùng cho biết, vùng này được quy hoạch trồng lúa nhưng hiện giờ đã chuyển dịch sang vừa trồng lúa vừa nuôi tôm.
“Bà con ở đây muốn nuôi tôm cho đỡ khổ, chỉ trồng lúa không thì ngóc đầu không nổi”- bà Nguyễn Thị Bỉ (59 tuổi) nhà ở cạnh đập Tân Dân, nói. Bà cho biết, gia đình bà có 11 công đất trồng lúa 2 vụ/năm và 3 công đất đã đào ao nuôi tôm, cua. Trên chục công ruộng, thuận mùa được vài triệu đồng, mất mùa như năm nay trắng tay. Trong khi 3 công vườn tạp trước đây, nay đào ao nuôi tôm, nuôi cua thu hoạch 4-5 lần/năm, mỗi lần vài triệu đồng, cuộc sống khá hơn nhiều so với trồng lúa.
Từ trụ sở xã An Xuyên về các ấp Tân Dân, Tân Thời…có nhiều con đập vừa đắp lại bằng đất, chưa ráo mặt. Lực lượng dân quân tự vệ được cắt cử túc trực thường xuyên để ngăn người dân manh động phá đập. Ông Hùng cũng cho biết, thành phố Cà Mau phải triển khai gấp việc rửa mặn cho đất, trong đó bố trí 4 máy bơm cho xã An Xuyên, bơm nước mặn ra khỏi đất trồng lúa, những máy bơm này hoạt động 24/24.
Người trồng lúa “khóc ròng” vì tôm
“Tranh chấp mặn - ngọt gay gắt, con tôm lấn dần cây lúa và khó giữ được diện tích lúa theo qui hoạch”- Bí thư Đảng ủy xã An Xuyên, ông Nguyễn Thanh Đoàn lo ngại. Ông cho biết, An Xuyên có 1.100 ha đất qui hoạch sản xuất lúa 2 vụ/năm. Vụ đầu, vào mùa mưa, bà con thu hoạch được vài chục giạ/công. Nhưng vụ sau thường thất bại do nắng hạn, độ mặn trong nước tăng cao.
Vấn nạn hiện nay là đất trồng lúa và nuôi tôm đan xen khiến sản xuất lúa bị ảnh hưởng không nhỏ vì nhiễm mặn. Bà Châu Thị Trinh (ấp Tân Thời) bức xúc: “Một số người lén phá đập, cho nước mặn từ kinh Ông Đại vào ruộng lúa để nuôi tôm, ruộng lúa xung quanh bị nhiễm mặn, sao lúa sống nổi?”. Ông Phạn Văn Năng (ấp 4) cũng bức xúc không kém: “Trước đây, mưa gây ngập úng, chính quyền đặt ống bọng tháo nước ra sông Bạch Ngưu. Sau thu hoạch lúa, một số hộ dân có ruộng gần ống bọng dẫn nước mặn vào để nuôi tôm. Những người trồng lúa gần đó khóc ròng vì nhiễm mặn”. Vì bức xúc, gần đây nhiều nông dân sản xuất lúa 2 vụ tại An Xuyên gửi đơn đến cơ quan chức năng “tố” các hộ dân tự ý đưa nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm.
Không ít bà con nông dân xã Tân Lộc Bắc (Thới Bình) ở dọc Quốc lộ 63, từ Cà Mau đi Kiên Giang cũng đang “khóc ròng” vì nhiễm mặn. Chỉ tay vào mấy chục bao lúa chất bên hiên nhà, ông Trần Văn Hà (xã Tân Lộc Bắc) nói: “Tôi thu hoạch 12 công trồng lúa, được bấy nhiêu, kêu bán không ai mua, cho vịt ăn vịt còn chê!”. Ông Hà cho biết, 12 công đất trồng lúa của ông cạnh đất người hàng xóm nuôi tôm, nhiễm mặn, chỉ mót được 12 bao lúa lép. “Mình theo qui hoạch trồng lúa nghèo hoài, còn người khác nuôi tôm xây nhà tường, mua xe máy, sắm tivi màu…”- ông Hà cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Đàng-Trưởng ấp 3 (xã Tân Lộc Bắc), cả xã xây dựng được 68 ha cánh đồng mẫu nhưng bị con tôm gặm nhấm dần, nên cánh đồng mẫu thì chẳng thể lớn.
Nói về làm kinh tế gia đình theo nước mặn, ông Phan Văn Trung, ở ấp 3, xã Tân Lộc Bắc cho biết: “Tôi chỉ mới đưa nước mặn vào nuôi tôm, kinh tế đã phát triển hẳn. Nuôi tôm hiệu quả hơn trồng lúa nhiều, vụ rồi thu hoạch tôm được hơn 14 triệu đồng trên diện tích 1,4ha trồng lúa trước đây”.
Giữ ngọt: dân nghèo hoài
Ông Phan Ngọc Lân sửa máy bơm, dọn ống cống xuyên đường giao thông để lấy nước mặn sản xuất lúa - tôm.
Dọc theo những tuyến đường từ thành phố Cà Mau đi U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời rất dễ bắt gặp những vuông nuôi tôm - trồng lúa “vượt rào” so với qui hoạch vùng ngọt hóa. Gặp ông Lê Minh Trí, ấp 1, xã Khánh Hội (U Minh) trong bộ quần áo nhuốm màu phèn đang làm đồng. Ông cho biết, bà con ở đây, dẫn nước mặn từ kinh xáng Khánh Hội xuyên qua đường vào ruộng nuôi tôm trong mùa khô. “Vùng này nhiễm phèn, mặn quá lâu, làm lúa khó có ăn”- ông Trí nói.
Cách đó không xa, ông Phan Ngọc Lân đang lui cui dọn rác, cỏ dại, thông đường ống dẫn nước xuyên qua tuyến đường U Minh- Khánh Hội. Ông Lân cho biết, tuyến đường này cũng là đê bao ngăn mặn, giữ ngọt, phía bên trong đường là vùng ngọt trồng lúa và gia đình ông có 1,3 ha đất trồng lúa. Tuy nhiên, trong lúc xây dựng đường, bà con đặt ống cống dưới lòng đất để dẫn nước mặn vào nuôi tôm. “Mấy năm trước, làm lúa một vụ, năm có gặt, năm không, phải bỏ đất đi làm thuê. Khi có đường ống xổ phèn, rửa mặn nuôi được một vụ tôm mùa khô, rồi lại cấy lúa vào mùa mưa. Làm ăn có kết quả nên mới về ở luôn đây”- ông nói.
Ông Nguyễn Văn Mãi-Bí thư Chi bộ ấp 1 (xã Khánh Hội) có khoảng 3 ha lúa và tôm. Ông Mãi nói: “Nhà nước vẫn qui hoạch giữ ngọt để trồng lúa một vụ bấp bênh. Năm nào hạn sớm, nước mặn vào, lúa héo queo. Bà con tự phát nuôi tôm và trồng lúa xen canh, vậy mà có dư”.
Xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) có tổng diện tích tự nhiên 4.200 ha và đây là vùng quy hoạch trồng lúa nhưng hiện nay có đến 3.500 ha đã chuyển sang sản xuất lúa chen canh tôm. Ông Lê Vũ Hoàng- Chủ tịch UBND xã Biển Bạch thú nhận: “Chúng tôi phải làm ngơ cho bà con làm ăn, vì qui hoạch ngọt hóa không phù hợp với biến đổi khí hậu, giá lúa thấp, người dân nghèo hoài”.
Từ năm 2000 đến nay, tỉnh Cà Mau có 49.778 ha chuyển đổi sản xuất tự phát, trong đó 17.843 ha đất trồng lúa 2 vụ, đất trồng mía, đất lâm nghiệp được chuyển đổi không đúng qui hoạch sử dụng đất. Riêng 3 năm lại đây có 2.673 ha đất chuyển đổi tự phát sang sản xuất 1 vụ lúa, một vụ tôm.
(Nguồn Sở NN- PTNT Cà Mau)
>>Nông dân bán đảo Cà Mau bơi trong nước biển dâng