'Con sếu đầu đàn' và thung lũng sáng tạo ở miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
TS Nguyễn Hữu Lệ đang giới thiệu công ty mình tại Hội nghị Người Việt Nam toàn thế giới tại TPHCM. Ảnh: do nhân vật cung cấp
TS Nguyễn Hữu Lệ đang giới thiệu công ty mình tại Hội nghị Người Việt Nam toàn thế giới tại TPHCM. Ảnh: do nhân vật cung cấp
TP - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ được biết đến là người tiên phong trong phát triển ngành công nghiệp phần mềm tại Việt Nam. Giữa năm 2020, công viên sáng tạo của TMA do ông làm Chủ tịch với số vốn đầu tư 8 triệu USD đã được khai trương trong Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn với mục tiêu thu hút chất xám người miền Trung.

Trở về sau 33 năm ở nước ngoài

Năm 2000, TS Nguyễn Hữu Lệ đã về nước sau hơn 20 năm làm việc tại Nortel, công ty đa quốc gia chuyên sản xuất thiết bị viễn thông, có trụ sở chính tại Canada và là công ty nổi tiếng ở Bắc Mỹ. Công ty TMA do ông làm Chủ tịch đã được báo chí nước ngoài đánh giá là “Công ty gia công phần mềm hàng đầu Việt Nam”. Cuối năm 2020, trong Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam 2020 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) công bố có tên TMA Solutions (công ty con của TMA).

TS Lệ chia sẻ: “Khi tôi còn làm việc tại tập đoàn Nortel, năm 1986, sư huynh của tôi tại công ty hỏi tôi muốn làm gì sau 5-10 năm nữa. Tôi trả lời: Trở về Việt Nam”.

Đúng 6 năm sau, năm 1992, ông Lệ được chọn là thành viên của phái đoàn thương mại Canada tới làm việc tại Việt Nam. Điều tuyệt vời hơn nữa, người con của vùng đất Bình Định lại được tới thủ đô Hà Nội, nơi ông chưa một lần đặt chân. Khi đó, khi nhìn xuống sân bay Nội Bài, ông Lệ đã chứng kiến một Hà Nội thời kỳ mới mở cửa, đường phố còn hoang vu, thậm chí ông còn nhìn thấy cả những hố bom gần sân bay.

'Con sếu đầu đàn' và thung lũng sáng tạo ở miền Trung ảnh 1

Công viên sáng tạo TMA trong Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn

Năm 1993, văn phòng đại diện đầu tiên của Nortel được mở tại Hà Nội và ông Lệ là người đầu tiên có công đưa tập đoàn đa quốc gia tới Việt Nam. Thời gian đầu khi mới về làm việc tại Việt Nam, ông vẫn phải đi về giữa Việt Nam - Canada vì con nhỏ, phải ở lại Canada để đi học bởi Việt Nam lúc đó chưa có trường quốc tế. Có những khi gặp khó khăn và nản lòng trong công việc, một người đồng nghiệp cũ đã khuyên: “Đừng từ bỏ, thật tốt là anh đã có một ước mơ”. Vậy mà mãi tới 14 năm sau, năm 2000 ông Lệ mới về hẳn Việt Nam.

Những nỗ lực của ông đã được đền đáp bằng việc được công nhận là người tiên phong trong phát triển ngành công nghiệp gia công phần mềm tại Việt Nam. Ông Lệ vẫn nhớ mãi lời phát biểu khai mạc Công viên sáng tạo TMA của TS Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội, khi gọi ông là “ con sếu đầu đàn” trong việc thu hút đầu tư công nghệ cao vào tỉnh Bình Định.

'Con sếu đầu đàn' và thung lũng sáng tạo ở miền Trung ảnh 2

TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA

Còn nhớ lần đầu tiên trở về Việt Nam, vừa xuống sân bay, ông bắt gặp những dòng chữ tiếng Việt thân thương trong khi ông luôn cảm thấy xa lạ khi sống và làm việc tại Nhật 3 năm trước. Đó chính là lúc ông nuôi ý tưởng sẽ trở về Việt Nam làm việc. Hơn nữa, làn điệu dân ca quan họ “Người ơi, người ở đừng về” trong một buổi tối ở Hà Nội đã mê hoặc vị sếp Nortel và ông đã quyết định mở văn phòng đại diện tại Việt Nam vào năm 1993 vì “tại sao một đất nước có nền văn hóa tuyệt vời như vậy mà không có Nortel”.

“Điều tôi day dứt mấy chục năm qua là những người con miền Trung cần cù học giỏi luôn phải đi xa để lập nghiệp vì mảnh đất miền Trung chưa có nhiều việc làm về công nghệ để phát huy”.

TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA

Thu hút chất xám miền Trung

Khi được hỏi về ý tưởng xây dựng Công viên Sáng tạo TMA tại Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn, ông Lệ cho biết: “Điều tôi day dứt mấy chục năm qua là những người con miền Trung cần cù học giỏi luôn phải đi xa để lập nghiệp vì mảnh đất miền Trung chưa có nhiều việc làm về công nghệ để phát huy. Nguồn lực lớn nhất của các tỉnh miền Trung là con người, nên nếu không giữ được nhân tài thì khó có thể phát triển mạnh”.

Ông Lệ cho biết thêm, dự án này nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các ban ngành tỉnh Bình Định và đã triển khai rất thuận lợi sau 3 năm. Công trình đã đi vào hoạt động cách đây đúng một năm và đến nay đội ngũ nhân lực đã tăng lên gấp 3 lần với 250 kỹ sư cung cấp giải pháp cho khách hàng từ 15 nước.

Điều đáng mừng là các kỹ sư và chuyên gia giỏi từ các thành phố lớn và nước ngoài đã và đang trở về để có thể “làm công nghệ” trên chính quê hương mình, với môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, trong thung lũng xanh và bãi biển tuyệt đẹp.

“Trong 5 - 10 năm tới, tại Công viên sáng tạo TMA ở Quy Nhơn, sẽ có khoảng 2.000 nhân sự công nghệ thông tin. Trong số này, tôi kỳ vọng có thể thu hút lực lượng người miền Trung đang sống ở TPHCM trở về, khi họ tin tưởng vào TMA”, ông Lệ chia sẻ.

Ông Lệ cho biết thêm: “Lý do tôi trở về Việt Nam là mong muốn đưa kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin để xây dựng công ty phần mềm có khả năng cạnh tranh quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của ngành phần mềm để đưa tên Việt Nam lên bản đồ gia công phần mềm thế giới, và tôi cũng tự hào sau 20 năm trở về thì các mục tiêu này đều đã đạt được”.

Sau hơn 20 năm làm việc tại quê hương, TS Nguyễn Hữu Lệ đã phát triển TMA Solutions trở thành công ty về công nghệ phần mềm hàng đầu Việt Nam, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trên bản đồ các quốc gia phát triển công nghệ cao.

Đến năm 2021, TMA đã có tổng cộng hơn 3.000 nhân sự, trong đó 95% là kỹ sư. Ngoài các cơ sở ở TPHCM, dự án tại Bình Định (quê hương của ông), công ty đã có văn phòng đại diện ở Canada, Mỹ, Nhật, Đức, Úc và Singapore.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ sinh năm 1949, tại xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ông sang Úc du học và tốt nghiệp đại học ngành điện năm 1972, sau đó ông chuyển sang nghiên cứu ngành công nghệ thông tin và nhận học vị tiến sỹ chuyên ngành viễn thông tại trường Đại học Adelaide (Úc) năm 1977. Năm 1978, ông làm việc tại Công ty Viễn thông Nortel (Canada), một công ty viễn thông hàng đầu thế giới ở vị trí chuyên viên kỹ thuật. 15 năm sau, ông trở thành Phó Chủ tịch Tiếp thị Toàn cầu của Nortel. Năm 2000, ông giữ cương vị Tổng Giám đốc Công ty Paragon Solutions châu Á – Thái Bình Dương, phụ trách Paragon Solutions Việt Nam (PSV) và Paragon Solutions Ấn Độ.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.