Tài liệu truy tố thể hiện, ngày 22/1/2007, Trần Minh Anh (SN 1961, ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình) cùng mẹ vợ (bà Bùi Thị Minh) đến phòng giao dịch của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt Hà Nội (viết tắt Cty Bảo Việt) mở tài khoản mua bán chứng khoán.
Quá trình thực hiện thủ tục, Minh Anh được xác định là người trực tiếp điền các nội dung vào tờ khai, ký và viết họ tên bà Minh vào mục chủ tài khoản.
Ngay sau đó, Cty Bảo Việt đã cấp cho bà Minh tài khoản giao dịch mang số hiệu: 001C109937. Ngày hôm sau, Minh Anh cùng mẹ vợ chuyển hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản nói trên để giao dịch mua bán chứng khoán.
Trong các ngày tiếp theo, Minh Anh liên tục đến Cty Bảo Việt làm thủ tục rút hơn 2,1 tỷ đồng trong tài khoản, không hề có giấy ủy quyền của chủ sở hữu (mẹ vợ).
Theo kết quả điều tra, từ ngày 16/7 đến 30/1/2008, Trần Minh Anh đến Cty Bảo Việt rút hơn 1 tỷ đồng, với bộ hồ sơ ủy quyền của bà Minh đã bị giả mạo. Như vậy, sau 20 lần rút tiền, Minh Anh đã lấy khỏi tài khoản hơn 3 tỷ đồng, đồng thời chuyển 1,6 tỷ đồng vào tài khoản của cá nhân cũng được mở tại Cty Bảo Việt.
Gần 1 năm từ ngày mở tài khoản, bà Minh tìm lại Cty Bảo Việt để rút tiền, nhưng được thông báo số dư chỉ còn 9,1 triệu đồng. Cho rằng con rể đã “dắt mũi” mình, bà này làm đơn tố cáo. Ngay sau đó, Trần Minh Anh bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Như báo An ninh thu đô đưa tin, sau nhiều lần mở phiên tòa và vụ án kéo dài hơn 5 năm, ngày 17-9-2014, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên bố ông Trần Minh Anh (SN 1961, trú tại phố Ngọc Hà, phường Đội Cấn, Ba Đình) không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như cáo trạng truy tố.
Bởi lẽ, quá trình xét xử sơ thẩm, tòa cho rằng, về danh nghĩa bà Minh là chủ tài khoản mở tại Công ty Bảo Việt, song thực tế thì mọi thủ tục giấy tờ, ký tá và các lần rút, chuyển tiền đều do ông Minh Anh thực hiện. Các lần ông Minh Anh giao dịch, mua bán chứng khoán tại Công ty Bảo Việt hầu hết đều có mặt bà Minh.
Đối với số tiền đưa vào tài khoản mang tên bà Minh, nhiều tài liệu chỉ rõ đó là tiền của ông Minh Anh và vợ là chị Trần Kim Ngân (con gái bà Minh, hiện cư trú tại CHLB Đức) gửi về để chơi chứng khoán. Trong khi đó, bà Minh và con gái thì khẳng định toàn bộ số tiền ông Minh Anh rút ra từ tài khoản tại Công ty Bảo Việt là tiền riêng của chị Ngân gửi về trả nợ mẹ đẻ.
Tuy nhiên, trong nhiều tài liệu cùng lời khai của những người liên quan lại chỉ ra rằng số tiền hơn 3 tỷ đồng được đưa vào tài khoản mang tên bà Minh vốn có nguồn gốc từ việc chị Ngân bán ngôi nhà chung với ông Minh Anh ở bên Đức, sau đó gửi về cho chồng để chơi chứng khoán.
Ở một số bút lục, không chỉ có ông Minh Anh mà ngay cả chị Ngân cũng thừa nhận do sợ bị cơ quan chức năng Đức truy thu tiền thuế nên khi gửi tiền về nước, gia đình đã thống nhất lấy tên cháu ngoại (con trai vợ chồng Minh Anh) gửi cho bà Minh. Và vụ án càng trở nên phức tạp hơn ở chỗ, ban đầu bà Minh được xác định là bị hại, nhưng về sau lại được coi là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.