Còn nhiều người ngại tiêm vắc xin, Bình Dương tính việc tặng quà khuyến khích người dân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vắc xin phòng COVID-19 phát huy tác dụng, minh chứng bằng việc số ca mắc dù ghi nhận cao nhưng tỉ lệ tử vong rất thấp. Do đó, nhiều người mong muốn được tiêm đủ liều trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, không ít người đến nay vì nhiều lý do khác nhau còn ngần ngại đi tiêm vắc xin.

Ngày 29/3, Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho hay, địa phương đã tiêm được hơn 6.600.000 liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi khoảng 180.000 người, từ 18 tuổi trở lên gần 2.066.000 người. Phân theo độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi, tỉ lệ trẻ tiêm mũi 1 đạt 110,1% trẻ trong độ tuổi tiêm và mũi 2 đạt 91,5%. Người từ 18 tuổi trở lên, tỉ lệ mũi 1 đạt 107,6%, mũi 2 đạt 123,3% và mũi 3 so với mũi 2 đạt 78,5%. Từ đầu tháng 3, Bình Dương thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc, với quyết tâm hoàn thành trong tháng.

Sau khi đẩy mạnh chiến dịch tiêm vét mũi 1, mũi 2 và hoàn thành mũi 3, các địa phương tổ chức tổng rà soát lại thì số lượng người cần tiêm mũi 3 còn khoảng 553.100 người. Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy số lượng người sẽ không tiêm được theo lộ trình chiến dịch thần tốc khoảng 431.871 người. Nguyên nhân do số không có mặt tại địa phương là 143.258 người, số người mắc COVID-19 là 95.034 người, số người từ chối tiêm mũi 3 là 52.307 người, số tiêm nơi khác là 135.264 người và 6.008 người bệnh nền, bệnh cấp cứu tạm hoãn tiêm.

Còn nhiều người ngại tiêm vắc xin, Bình Dương tính việc tặng quà khuyến khích người dân ảnh 1

Bình Dương đang thần tốc bao phủ vắc xin cho người dân

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo các địa phương như TX Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An chia sẻ, mặc dù các đơn vị tích cực truyên truyền, vận động nhưng công tác triển khai tiêm vắc xin vẫn gặp một số khó khăn như dân số biến động, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan về dịch bệnh khi cho rằng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin là an toàn nên không đồng ý tiêm mũi 3 hoặc có suy nghĩ tiêm mũi 3 có nhiều tác dụng phụ; hệ thống nhập liệu tiêm chủng chưa hoàn chỉnh nên bị mất dữ liệu, không có tính bảo mật vùng; công tác cấp mã định danh không kịp thời, người dân ở nơi khác đến không có mã định danh nên việc cập nhập lên hệ thống tiêm chủng gặp rất nhiều khó khăn.

Xem vắc xin là “lá chắn” an toàn trong bối cảnh sống chung an toàn với dịch, Bình Dương quyết tâm dùng mọi cách để vận động người dân sớm tiêm đủ liều. Đại diện lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương kiến nghị các địa phương trong trường hợp người dân không đồng ý tiêm bắt buộc phải cho ký giấy cam kết, khuyến khích người dân đến tiêm mũi 3 sẽ được tặng quà, được phát phiếu khuyến mại mua hàng.

Đối với việc triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương lưu ý các địa phương điều tra kỹ số trẻ, đặc biệt trẻ ngoài cộng đồng; tổ chức tiêm theo nhiều đợt vì sẽ có nhiều trẻ là F0, trẻ bị bệnh, không đồng ý tiêm, trẻ đã đi đến nơi khác so với thời điểm điều tra và gia đình của trẻ đang là F0.

Mới đây, tại cuộc họp về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ông Võ Văn Minh nhấn mạnh công tác tiêm chủng, các địa phương tuyệt đối không chạy theo số liệu, báo cáo, tuy nhiên phải nắm chắc sự chênh lệch giữa các mũi tiêm. Tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu, các địa phương phải đặt nhiệm vụ tiêm vắc xin cho người dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Các địa phương tăng cường bố trí các điểm tiêm chủng lưu động, tập trung, thành lập các tổ tiêm vắc xin “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” thuộc nhóm nguy cơ cao, thực hiện tiêm vắc xin ngay tại nhà, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vắc xin.

“F0 khỏi bệnh đã có mức độ miễn dịch nhất định nhưng vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Đặc biệt là khi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. F0 mới khỏi bệnh có khả năng tái nhiễm nhiều lần, nhất là người chưa tiêm vắc xin. Các cơ quan y tế khuyến khích F0 khỏi bệnh vẫn nên tiêm vắc xin. Vì tiêm chủng cung cấp thêm một lớp bảo vệ, làm giảm nguy cơ tái nhiễm và ngăn chặn sự lây lan của vi rút, ngăn F0 diễn biến nặng phải nhập viện”, BSCK2 Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương.

MỚI - NÓNG