Theo giới quan sát, chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á được triển khai dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama được đánh giá là giành được nhiều thành tựu để khẳng định vai trò của Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều điều còn dang dở cần được tổng thống tiếp theo của Mỹ hoàn thành, như một chính sách hiệu quả hơn để giải phép thử tranh chấp trên biển Đông, để đối phó một Trung Quốc ngày càng quyết liệt…
Bước vào Nhà Trắng khi nước Mỹ đang sa lầy ở Iraq và Afghanistan cũng như đang ở giữa cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất kể từ thời Đại suy thoái, ông Obama đã lái sự chú ý của nước Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương.
Đây được coi là sự công nhận thông minh, dù hơi muộn, về những cơ hội to lớn cũng như những thách thức đáng kể của khu vực này trong thế kỷ 21. Khi Ngoại trưởng Mỹ hồi đó là bà Hillary Clinton có một bài viết nổi tiếng đăng trên tạp chí Mỹ Foreign Policy để khởi động chính sách tái cân bằng thì châu Á đã cung cấp hơn một nửa lượng hàng hóa và chiếm hơn một nửa thương mại toàn cầu.
Bài viết đánh giá về chính sách châu Á của Tổng thống Obama đăng trên tạp chí Nhật Bản The Diplomat ngày 8/11 cho rằng, danh sách thành tựu mà Mỹ đạt được với chính sách tái cân bằng (từ việc đưa ra quyết định và thể chế hóa các quan hệ đối tác ngoại giao mới với các cường quốc đang trỗi dậy đến việc tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực) rất ấn tượng, cho dù một số sáng kiến trong số đó đã được triển khai từ nhiệm kỳ 2 của Tổng thống George W. Bush.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel từng nói rằng, việc Mỹ gia tăng cam kết với khu vực giờ đã trở thành một “điều bình thường mới”. Nhưng cũng đúng khi nói rằng ông Obama sẽ rời Nhà Trắng khi nhiều nhiệm vụ trong nước còn dang dở, một số lĩnh vực trong chính sách của Mỹ ở châu Á chưa phát triển, và nhiều thách thức khu vực lẫn toàn cầu chưa được quản lý.
Vai trò đối với châu á
Theo các nhà phân tích, chiến lược tái cân bằng của Mỹ sang châu Á dưới 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Obama được thể hiện trong 5 lĩnh vực: Nâng cấp các đồng minh hiệp ước của Mỹ; kết nối các cường quốc đang lên; đầu tư nhiều hơn cho các thể chế khu vực; mở rộng hợp tác kinh tế; bảo vệ nhân quyền và dân chủ. Dù tất cả những nội dung này từng được sử dụng ở nhiều mức độ nhưng sự chú trọng vào từng lĩnh vực cụ thể đó phản ánh sự quan tâm sâu sắc hơn của chính quyền Obama về vai trò của Mỹ ở châu Á và thế giới.
Chính quyền Obama đã làm được việc khiến các cường quốc mới nổi ở khu vực chia sẻ nhiều hơn gánh nặng trong một thế giới đa cực; khẳng định vai trò trung tâm của các thể chế trong việc định hình, củng cố các quy tắc và chuẩn mực; đề cao sự cần thiết phải ngăn ngừa xung đột không cần thiết và tạo điều kiện cho những mặt hợp tác chưa được khai thác trước đây, bao gồm hợp tác với đối thủ.
Tuy nhiên, chính sách này đôi khi bị phán xét dựa trên một số vấn đề tại thời điểm nhất định, ví dụ sự tiến triển chậm chạp của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Quốc hội Mỹ, các động thái của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hoặc giới hạn trong một số vấn đề cụ thể, như quan hệ Mỹ - Trung trong vấn đề biển Đông…
Trên thực tế, những đánh giá như vậy không nói lên bức tranh đầy đủ về sự đổi hướng chiến lược toàn diện trong chính sách của Mỹ. Cách đánh giá đầy đủ hơn là phải xem chiến lược tái cân bằng đang đóng vai trò như thế nào trong vấn đề đối nội, khu vực và toàn cầu, giới quan sát nhận định.
Về đối nội, chính quyền Obama xứng đáng được ghi nhận với công sức giúp giới chính trị gia và các tầng lớp Mỹ quan tâm nhiều hơn đến châu Á - Thái Bình Dương. Ví dụ, để thể hiện sự nghiêm túc về chủ nghĩa đa phương khu vực, Văn phòng các vấn đề đa phương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã được thành lập, một đại sứ Mỹ về ASEAN được cử đến Jakarta, Indonesia.
Bản thân Tổng thống Obama cũng dành thời gian tham gia nhiều cuộc gặp cấp cao của ASEAN. Chính quyền của ông Obama đã thành công trong việc gửi thông điệp đến châu Á - Thái Bình Dương rằng Mỹ nghiêm túc trong những cam kết với khu vực. Một ví dụ nổi bật là tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên với các lãnh đạo ASEAN tại Sunnylands vào tháng 2 năm nay.
Chính quyền Obama cũng được đánh giá là làm tốt việc thể chế hóa quan hệ của Mỹ với các đối tác đã và mới được thiết lập thông qua các quan hệ chiến lược và toàn diện. Ông Daniel Kritenbrink, phụ trách các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, từng nói rằng, việc thể chế hóa rất quan trọng vì nó giúp làm nhẹ bớt nỗi lo về tính bền vững của sự hiện diện của Mỹ ở khu vực.
Tuy nhiên, chính sách với Trung Quốc của chính quyền Obama bị soi rất nhiều, đặc biệt trong vấn đề biển Đông. Đây được coi là một phép thử chính cho uy tín của Mỹ, nhưng chính quyền Obama dường như vật vã với việc tìm ra cách đối phó một Trung Quốc hành động quyết liệt hơn, các nhà phân tích nhận định.
An ninh biển được đánh giá sẽ vẫn là lĩnh vực cần được ưu tiên của Mỹ trong giai đoạn mới. Mỹ có lẽ sẽ cần chú ý nhiều hơn nữa, đặc biệt nếu Bắc Kinh tiếp tục hiện thực hóa tham vọng biến biển Đông này thành ao nhà của họ.