Còn “ngoại lệ” là còn nhiều tướng, tá

Còn “ngoại lệ” là còn nhiều tướng, tá
TP - “Quy định người đứng đầu ở các địa bàn trọng yếu về an ninh, trật tự thì cấp bậc hàm có thể cao hơn so với quy định một bậc chính là khe hở dẫn đến cấp tướng nhiều, vì giờ đây 63 tỉnh, thành đều trở thành trọng điểm hết. Do đó, để hạn chế “lạm phát” cấp phó, tướng tá thì cần phải quy định cứng vào trong luật về số lượng và quân hàm cụ thể của các chức vụ, địa bàn” - Phó trưởng đoàn ĐB QH tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Thịnh nói như vậy khi trao đổi với PV Tiền Phong ngày 6/11.

Vừa qua chúng ta đã nghe phản ánh nhiều về việc “lạm phát cấp phó”, thế còn cấp tướng tá thì sao, theo ông nó có nhiều không khi mà đất nước đang ở trong thời bình?

Đúng là cấp tướng hiện nay nhiều thật. Cái này nhiều cử tri tâm tư lắm. Có đồng chí đã từng tham gia lực lượng công an, quân đội mà cũng phải thốt lên với tôi rằng, sao việc phong quân hàm cấp tướng hiện nay nhiều thế. Mà lạ ở chỗ phong tướng nhiều nhưng hình như nó lại cứ tỷ lệ thuận với tốc độ gia tăng tội phạm. Khi đó tôi phải giải thích với cử tri rằng, vừa qua các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an làm rất tích cực nên tỷ lệ tội phạm mới ở mức như thế. Chứ không làm tích cực thì tỷ lệ tội phạm còn cao và phức tạp hơn nữa.

Dẫn đến số lượng tướng tá nhiều phải chăng là do quy định pháp luật của chúng ta chưa chặt chẽ, còn tạo nhiều kẽ hở thưa ông?

Luật của ta còn nhiều kẽ hở lắm. Và những kẽ hở đó chính là cơ chế xin- cho dẫn đến xảy ra câu chuyện tướng, tá nhiều. Ví như chúng ta quy định, các tỉnh biên giới, dân số đông, diện tích lớn, tình hình an ninh, trật tự phức tạp thì cấp bậc hàm có thể cao hơn một bậc so với quy định. Cuối cùng thì tất cả 63 tỉnh, thành đều trở thành trọng điểm hết và giám đốc công an cấp tỉnh đến giờ gần như không còn đại tá nữa.

Vậy phải chăng trong dự thảo Luật Quân đội và Công an lần này cần phải bổ sung các cơ chế để bịt kẽ hở trên bằng cách quy định cứng về việc phong quân hàm tướng, tá thưa ông?

Đúng là như thế, nếu chúng ta vẫn giữ quy định là ở địa bàn trọng điểm, đặc biệt phức tạp thì nó vẫn sẽ là kẽ hở. Đơn cử như khi hôm nay anh đến địa bàn đặc biệt khó khăn công tác thì anh được phong hàm cấp tướng. Nhưng ngày mai anh được luân chuyển đến địa bàn khác dù không phức tạp anh vẫn cứ là tướng, bởi có quy định nào hạ quân hàm người ta xuống được. Còn người mới được bố trí thay thế anh ở đơn vị cũ lại phong lên tướng, cứ như thế cuối cùng ông nào cũng tướng hết.

Do đó phải quy định cứng ngay vào trong luật và không phân biệt địa bàn trọng điểm, phức tạp nữa (trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) thì mới xóa được cơ chế ngoại lệ. Thực tế tôi đã từng đi công tác cùng một số anh em miền xuôi lên miền núi thì thấy điều kiện công tác của anh em quân đội, công an trên đó rất khổ. Nhìn cảnh đó những người đi cùng tôi còn phải nói rằng “nếu lên đây cho làm huyện đội trưởng, trưởng công an huyện thì họ cũng xin chịu”. Vậy thì phải ưu tiên những chỗ khó khăn đó, chứ còn ở các thành phố lớn chắc gì đã khó khăn bằng.

Cử tri còn cho rằng cấp phó, cấp thứ trưởng hiện nay cũng rất nhiều cần phải có quy định để kiểm soát chặt chẽ việc này.

Cũng như cấp tướng thì cấp phó, nhất là cấp thứ trưởng hiện nay cũng “lạm phát” nhiều quá. Mà nghịch lý là nó lại chủ yếu ở các cơ quan T.Ư, chứ còn địa phương thì hạn chế hơn.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG