“Anh sẽ cắt phép về chăm con”
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của bà Trần Thị Ninh, vợ của liệt sỹ cũng là mẹ của Phan Thị Trang, cựu SV trường y (xóm 2, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Ngôi nhà nằm sâu trong xóm, được anh em láng giềng giúp đỡ để mẹ con bà Ninh có chỗ sinh hoạt hằng ngày, trong đó người con trai Phan Huy Hà (SN 1984) bị thiểu năng bẩm sinh. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Trang là thiếu nữ có đôi mắt nhìn xa như ngóng đợi. Ánh mắt hiện lên sự lo lắng, vất vả của cuộc đời thiếu vắng bàn tay, sự chăm sóc của người cha.
Bố mẹ của Trang, ông Phan Huy Sơn và bà Trần Thị Ninh (SN 1963) là người cùng làng. Học hết cấp 3, ông bà xin phép 2 bên gia đình làm lễ cưới. Cưới nhau được 4 tháng, tháng 2/1982 ông Sơn lên đường nhập ngũ. Hết thời gian huấn luyện, ông được đơn vị cử đi học khóa đào tạo y sỹ và sau đó cử ra công tác tại đảo Trường Sa Lớn. Đến năm 1984, trong một lần nghỉ phép, họ có đứa con trai đầu là Phan Huy Hà.“Trước ngày quay trở lại đơn vị nhận nhiệm vụ, anh Sơn cầm tay tôi bắt mạch rồi nói: “Em có con rồi đấy. Anh không biết là con trai hay con gái, nhưng đến ngày sinh con, anh sẽ cắt phép về chăm em và chăm con. Ngày sinh thằng Hà, anh không về chăm sóc em được, thì đứa con thứ 2 này anh nhất định sẽ về”.
Bà Ninh nhớ lại
Nhưng đứa con bị mắc chứng động kinh và thiểu năng trí tuệ. Cuối năm 1987, ông Sơn được đơn vị cho về nghỉ phép 9 tháng. Lần này, bà mang thai đứa con thứ 2. Khi còn 15 ngày nữa mới hết hạn nghỉ phép, vợ mới có bầu được vài tháng, ông Sơn liên tục nhận được điện báo phải trở về đơn vị gấp.
Vào đơn vị được 10 ngày, ông được lệnh cùng các chiến sỹ khác lên tàu HQ 604 ra Trường Sa làm nhiệm vụ. “Anh ấy thương vợ con và là con người có hiếu lắm. Vào đơn vị anh ấy viết thư về, gửi tiền cho bố mẹ, cho vợ, rồi gửi quần áo cho thằng Hà vì thương nó bệnh tật”, bà Ninh nhớ lại. Khi ông Phan Huy Sơn cùng đồng đội lên tàu HQ 604 ra Trường Sa làm nhiệm vụ được ít ngày thì ở quê, bà Ninh nhận tin dữ phát qua loa truyền thanh của xã, tàu chiến đấu của quân ta ngoài đảo bị chìm cùng 64 chiến sĩ. Nhẩm tính thời gian, bà giật mình linh tính, trong số đó có chồng mình! Nhưng vẫn cố hy vọng, rằng có thể ông còn sống, ông chỉ bị thương và dạt vào bờ biển nào đó, biết đâu có người thấy, cứu sống ông… Bà bấu víu những hy vọng mong manh và mòn mỏi đợi tin chồng. Bao đêm trắng, bà lặng lẽ đặt tay vào bụng, nơi đứa con đang lớn dần lên, biết cựa quậy cho mẹ biết sự tồn tại của mình… và nói chuyện với con, “mẹ con mình chờ bố về, bố hứa khi con ra đời bố sẽ về với mẹ con, nhất định thế!”.
Ước mơ bé nhỏ
Trang mất cha ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Cuộc sống khó khăn, ông bà nội kiên quyết giữ cháu trai là Phan Huy Hà ở lại, cho Trang với mẹ ra ngoài ở. “Em không bao giờ có thể quên nổi hình ảnh anh trai đứng trong cửa sổ nhìn ra, còn em thì được mẹ kéo lên xe đạp chở ra khỏi nhà ông bà nội, cùng với cái rương gỗ cũ kỹ”, Trang kể. Cái rương mà sau này biết chữ, Trang đã đánh vần được những địa danh được khắc trên đó “Song Tử Tây”, “đảo Sinh Tồn” để biết rằng đó là của cha đưa về từ đảo xa. Ngày ấy, chưa ý thức được hết nỗi đau mất cha, nhưng cuộc chia ly đau lòng nơi ngôi nhà ông bà nội đã in hằn trong tâm trí của Trang.
Sau một thời gian dài thuyết phục ông bà nội, và nhờ chính quyền xã can thiệp, bà Ninh mới được đón con trai về ở cùng, và chăm sóc con. Từ đó, 3 mẹ con nương tựa vào nhau. Vất vả, thiếu thốn và cam chịu, Trang biết thương mẹ, thương anh, chăm chỉ học hành và phụ giúp công việc gia đình. Một buổi đi học, một buổi ở nhà đi cấy, đi cắt cỏ, hoặc ở nhà trông anh. Nhiều khi, đi học mà cô bé cứ nhấp nha nhấp nhổm, cứ phải tranh thủ chạy về nhà xem anh trai có đi lạc ở đâu không. Khi thấy anh ngồi trong nhà, hoặc sang nhà ông bà ngoại chơi, Trang mới yên tâm quay lại lớp. Trang học rất giỏi, và đều tất cả các môn. Suốt nhiều năm liền, em đạt học sinh tiên tiến, học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.Trao đổi với Tiền Phong vào chiều hôm qua (16/3), GĐ Sở Y tế Nghệ An Phạm Đình Long cho biết Phan Thị Trang, con gái của liệt sỹ Phan Huy Sơn sẽ được bố trí công việc ổn định theo nguyện vọng của cá nhân em và đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. “Hướng giải quyết là cắt bớt một chỉ tiêu biên chế bác sỹ tại huyện Diễn Châu, bố trí một suất điều dưỡng dành cho Trang!”.
Ông Long nói
Cơm áo đè vai, anh trai thì tàn tật, ngây dại, một mình mẹ Trang nặng gánh. Chính vì thế Phan Thị Trang không dám thi vào các trường Y khoa hệ dân sự, mà thi vào khoa Sinh học, trường ĐH Vinh. Tằn tiện học đến năm thứ 2, anh trai bệnh tình ngày càng nặng, tiền của trong nhà dồn hết để thuốc thang chữa bệnh cho anh, Trang phải bỏ học nửa chừng. Thế nhưng, ước mơ cháy bỏng được trở thành bác sĩ lại thôi thúc cô gái trẻ. Trang quyết tâm thi lại và đậu vào trường Đại học Y khoa Vinh, hệ cao đẳng điều dưỡng. Ba năm vất vả học hành, có lúc tưởng chừng lại phải bỏ dở giữa chừng vì mẹ lâm bệnh nặng… Nhưng cuối cùng cô gái cũng cầm được tấm bằng tốt nghiệp.
Ngày tốt nghiệp, Trang bật khóc, vậy là em đã có được chiếc “chìa khóa” để thực hiện lời hứa với bố mẹ và biến ước mơ đi tiếp con đường còn dang dở của bố ngày xưa. Nhưng sau khi ra trường, cầm hồ sơ trên tay nộp vào Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu, và nhiều phòng khám tư nhân khác, chờ đợi mãi mà vẫn chẳng có kết quả. “Chắc là mình không được chọn đâu”, Trang tự nhủ. Khát vọng được mặc chiếc áo blouse trắng cháy bỏng mà cánh cổng việc làm cứ xa vời vợi.
Những ngày qua, khi cả nước hướng về đảo chìm Gạc Ma tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh, Trang nhìn lên bàn thờ có ảnh bố mà lòng day dứt với cảnh nhà, với ước mơ chưa trọn vẹn. Bao nỗi niềm ùa đến, Trang muốn viết một bức thư gửi tới người đứng đầu ngành y tế để chia sẻ về hoàn cảnh của mình. “Khi gửi tin nhắn vào trang Facebook Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thật lòng em chỉ muốn chia sẻ tâm tư, muốn giãi bày những suy nghĩ, nguyện vọng của mình thôi. Em mong sao mình có thể có được công việc để chăm sóc anh trai và mẹ già. Mẹ vất vả vì em quá”. Ngày 13/3/2015, Văn phòng Bộ Y tế có CV số 1648/BYT-VPB1 gửi Sở Y tế Nghệ An, truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng chỉ đạo Sở Y tế Nghệ An “Xem xét, hỗ trợ và bố trí việc làm cho cháu Phan Thị Trang tại cơ sở y tế gần nhà để thuận tiện cho việc chăm sóc người thân trong gia đình, đồng thời tạo cơ hội cho cháu được cống hiến cho xã hội”. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã trực tiếp gọi điện cho GĐ Sở Y tế Nghệ An Phạm Đình Long, đề nghị ngành y tế địa phương giúp đỡ Phan Thị Trang.
Ngôi nhà không khép cổng, phía bên trong người mẹ đang đút cháo cho đứa con trai 31 tuổi chẳng biết làm gì. Cô con gái út đang thắp nén nhang lên bàn thờ bố. “Em không nghĩ rằng cuộc đời mình lại lắm thăng trầm đến thế”, cô gái trẻ mỉm cười nói. Nụ cười hiền lành nhưng rắn rỏi. Cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng, nhưng Trang vẫn hy vọng vào những phép màu và kỳ diệu thay, ước mơ của Trang đã sắp thành hiện thực.