Ngày 14/3/1988, trong khi bảo vệ các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trước sự tấn công chiếm đóng của hải quân Trung Quốc, 64 sĩ quan và chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh, trong đó có 62 người hy sinh ở đảo Gạc Ma, 2 người hy sinh ở đảo Len Đao, 3 tàu vận tải của ta bị bắn chìm, bắn cháy…
Để tiếp tục tri ân những người con dũng cảm đã không tiếc xương máu bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời góp phần giáo dục lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định xây dựng Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.
Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên khu đất rộng 2 ha ở xã Cam Hải Đông (Cam Lâm, Khánh Hòa), thuộc Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức Công đoàn và tất cả công nhân lao động trên cả nước, từ các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và các tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thống nhất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức thi tuyển chọn thiết kế Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.
Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 100 bản vẽ, 15 mô hình, 25 bộ thuyết minh và đĩa CD mô phỏng công trình của 25 đơn vị, tập thể và cá nhân đăng ký tham gia dự thi.
Sau khi chấm và triển lãm xin ý kiến đóng góp của nhân dân, Ban tổ chức đã lựa chọn tác phẩm “Hành trình khát vọng” và tượng đài của tác phẩm “Những người nằm lại ở phía chân trời” để thực hiện dự án Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.
Phác thảo tổng thể Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.
Tượng đài của tác phẩm “Những người nằm lại ở phía chân trời”.
Dự Lễ đặt viên đá đầu tiên, ngoài nhiều vị lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và tỉnh Khánh Hòa, còn có có các chiến sĩ đã chiến đấu ngày 14/3/1988 và thân nhân liệt sĩ hy sinh ngày đó, lãnh đạo Vùng 3 hải quân và Vùng 4 Hải quân, Cảnh sát biển, Lữ đoàn Công binh 83 (đơn vị có nhiều sĩ quan, chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma)... Những người dự lễ đã giao lưu với cựu chiến binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo (quê Hà Tĩnh), bà Nguyễn Thị Hằng-mẹ LS Hoàng Ánh Đông (quê Quảng Trị), cô Đinh Mỹ Lệ-con liệt sỹ Đinh Ngọc Doanh (quê Ninh Bình).
Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo kể về những giờ phút bi hùng trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Bà Nguyễn Thị Hằng, mẹ LS Hoàng Ánh Đông, không kìm được nước mắt trong buổi giao lưu. “Tôi đau đớn khi chưa tìm được hài cốt của con. Nhưng có khu tưởng niệm này, những bà mẹ như tôi cũng được an ủi phần nào”.
Trong khi con gái Đinh Mỹ Lệ trả lời những câu hỏi giao lưu, bà Đỗ Thị Hà-vợ liệt sỹ Đinh Ngọc Doanh ngồi lặng lẽ khóc. Khi liệt sỹ Đinh Ngọc Doanh ra xây dựng đảo Gạc Ma, Mỹ Lệ mới hơn 1 tuổi. Từ ngày đó đến nay, bà Hà ở vậy thờ chồng, làm mọi việc, kể cả phụ hồ để nuôi con khôn lớn. Nay Mỹ Lệ đã tốt nghiệp đại học, công tác tại cơ quan đại diện báo Lao Động tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng nhiều đại biểu thực hiện nghi thức mở tấm vải đỏ, đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sỹ Gạc Ma. Tại buổi lễ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát động mỗi công nhân viên chức, người lao động đóng góp 1 viên gạch (tương đương 20.000 đồng) hoặc tham gia nhắn tin với cú pháp “GM” gửi tới số 1407 để xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng soạn tin nhắn góp gạch xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.
Ông Đặng Ngọc Tùng cùng cựu chiến binh Lê Hữu Thảo, trung úy Trần Thị Thủy, con gái Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Nguyễn Viết Thuân, bà Đỗ Thị Hà và cô Đinh Thị Mỹ Lệ bên viên đá đầu tiên Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. Gần 38 doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân... đã trao trực tiếp tiền, hiện vật tham gia xây dựng Khu tưởng tại buổi lễ, trị giá 18,4 tỷ đồng.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa tiếp nhận ủng hộ 500 triệu đồng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, liên danh Tổng Cty Cienco4 – Tập đoàn Phúc Sơn – Tổng Cty 319, Bộ Quốc phòng – Cty Cơ khí và xây lắp Phương Nam.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn và cựu chiến binh Lê Hữu Thảo. Khi nghe anh Thảo bày tỏ nguyện vọng trở lại vùng biển Gạc Ma để tưởng nhớ 64 đồng đội đã hy sinh, anh Nguyễn Anh Tuấn hứa sẽ tìm cách giúp anh Thảo.