Trở thành người đứng đầu Đoàn Thanh niên
Gần đây, tôi liên lạc với chị Lê Thu Hằng, con gái ông Nguyễn Lam để có dịp tìm hiểu kỹ hơn về người Bí thư thứ nhất đầu tiên của Đoàn. Gặp chị Hằng, tôi được biết tuy là con út trong gia đình, nhưng chị lại được đảm trách việc lưu giữ những tư liệu về cha. “Cha tôi mất đã 27 năm. Để có những tư liệu này có sự đóng góp không nhỏ của mẹ tôi, bà Nguyễn Thị Lan” - Chị Hằng chia sẻ. Rồi chị cho biết thêm, những năm trước, bà Nguyễn Thị Lan đã tiến hành viết những điều mình biết về chồng. Có những chuyện bà nhớ nằm lòng, có những chuyện bất chợt bà mới nhớ ra. Một thời gian sau, chị bắt đầu tập hợp những bản viết tay của mẹ sắp xếp, đánh máy lại cho sạch để lưu thành một phần tư liệu về cha mình.
Những tư liệu và hình ảnh do chị Hằng cung cấp giúp tôi có những hiểu biết về người Bí thư thứ nhất đầu tiên của Đoàn. Ông Nguyễn Lam tên thật là Lê Hữu Vỵ, sinh năm 1921 tại làng Đại Cầu (xã Tiên Tân, Duy Tiên, Hà Nam). Vốn thông minh, Nguyễn Lam được gia đình cho lên Trường Bưởi (Hà Nội) để học. Năm 1936, khi phong trào dân chủ lan rộng, Nguyễn Lam có điều kiện tiếp xúc với các tài liệu, sách báo về cách mạng. Sau khi giác ngộ, anh bắt đầu tham gia hoạt động trong phong trào Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương. Sau khi Mặt trận Bình dân Pháp bị đổ, chính quyền Thực dân ra tay đàn áp các phong trào đòi dân chủ ở Đông Dương, Nguyễn Lam phải rút vào hoạt động bí mật. Hăng hái hoạt động trong nhóm thanh niên phản đế, Nguyễn Lam bị Thực dân Pháp bắt năm 1940, giam tại Hỏa Lò. Dù bị địch tra khảo, anh nhất định giữ bí mật cho phong trào. Địch bèn gọi mẹ Nguyễn Lam lên tra hỏi, nhưng bà nói: “Tôi chỉ biết nuôi con, cho ăn học. Nó lại ở trọ tận Hà Nội, sao tôi biết nó học hành thế nào, làm gì?”. Thấy không đe dọa được, địch đành để bà về, đồng thời kết án Nguyễn Lam 12 năm tù, đày lên Sơn La. Tại nhà tù Sơn La, Nguyễn Lam có dịp ở cùng các lãnh tụ cách mạng như Nguyễn Lương Bằng, Tô Hiệu…, được những người đi trước giáo dục, rèn luyện phẩm chất người cán bộ cách mạng. Năm 1943, Nguyễn Lam được kết nạp Đảng tại nhà tù Sơn La.
Năm 1944, Nguyễn Lam bị tăng án, đày ra Côn Đảo. Địch di lý anh về Hỏa Lò để chờ chuyến tàu đi cùng một số người nữa ở các nhà tù khác. Tuy nhiên, sau đó Chi bộ đã tổ chức cho Nguyễn Lam và một số đồng chí khác vượt ngục. Về việc này, bà Nguyễn Thị Lan đã viết những điều do chồng kể lại: “… Một hôm, hai vợ chồng dắt đứa cháu ngoại lên 5 đi dạo qua phố Thợ Nhuộm. Anh Lam bỗng chỉ vào một cái lỗ cống vuông ở phía sau nhà tù Hỏa Lò rồi cho biết năm xưa mình đã chui ra từ miệng cống này. Anh thoát tù giữa đêm, chạy một mạch đến chỗ người chú làm đầu bếp cho người Pháp ở phố Quán Sứ. Vợ chồng người chú vội cho cháu bộ quần áo nâu và cái mũ nồi để che cái đầu trọc rồi giục đi ngay. Anh lần ra tàu về quê, đến nơi thấy cả nhà đang ngủ, chỉ có mẹ còn thức. Bà liền đưa cho con vài củ khoai để ăn. Sớm hôm sau, anh ngược chuyến tàu sớm để về an toàn khu (ATK). Tại đây, anh được phân công làm công tác dân vận, gây dựng cơ sở và tập hợp lực lượng chuẩn bị tổng khởi nghĩa”.
Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, Nguyễn Lam tham gia chỉ đạo cướp chính quyền ở Phúc Yên, Bắc Ninh. Sau Toàn quốc kháng chiến 1946, Nguyễn Lam được phân công làm Bí thư tỉnh ủy Nam Định, Ninh Bình... Tháng 6/1949, tại Hội nghị Thanh vận của Đảng được tổ chức tại Việt Bắc, Đoàn Thanh niên Cứu quốc (TNCQ) được thành lập, Nguyễn Lam được chỉ định làm Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCQ Việt Nam. Tháng 2/1950, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Đoàn TNCQ Việt Nam, Nguyễn Lam chính thức được bầu làm Bí thư Trung ương Đoàn TNCQ Việt Nam. Tháng 9/1955, Bộ Chính trị quyết định đổi tên Đoàn TNCQ Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động (TNLĐ) Việt Nam. Tháng 10/1956, tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai, Đoàn chính thức được đổi sang tên mới, và Nguyễn Lam được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNLĐ Việt Nam. Năm 1961, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ ba, Nguyễn Lam tiếp tục tái đắc cử Bí thư thứ nhất Đoàn TNLĐ Việt Nam. Năm 1962, Nguyễn Lam được điều sang tham gia Thành ủy Hà Nội và không lâu sau được bầu là Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Ân tình với báo Tiền Phong
Cuộc nói chuyện trên tạm ngắt khi tôi đề nghị chị Hằng được đến thăm mẹ của chị. Trên đường đi, tôi được chị Hằng cho biết mẹ chị cũng là một cán bộ cách mạng lâu năm, từng có thời gian công tác cùng bố. Bà nay 91 tuổi, vừa được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, hiện ở cùng người con trai cả tại phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội). Tới nơi, trong lúc ngồi ở gian phòng ngoài để chờ gặp bà, tôi có dịp quan sát và thấy một tấm phù điêu do báo Tiền Phong kính tặng nhân kỷ niệm 60 năm thành lập báo vào năm 2013 được gia đình đặt ở vị trí khá trang trọng. Tấm phù điêu ghi: “Các thế hệ làm báo Tiền Phong tri ân đồng chí Nguyễn Lam, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; người chỉ đạo thành lập báo Tiền Phong và là chủ nhiệm chính trị của báo”. Đọc những dòng này tại nhà người lãnh đạo đã góp công lớn trong việc khai sinh tờ báo của Đoàn mà mình công tác được hơn hai chục năm, tôi thấy bồi hồi, xúc động.
Khi vào phòng trong gặp bà Nguyễn Thị Lan, tôi thấy bà tuy tuổi cao nhưng vẫn minh mẫn. Biết tôi công tác tại báo Tiền Phong, bà rất vui và nhắc đến chuyện mấy năm trước báo Tiền Phong đã tặng gia đình bức phù điêu nhân kỷ niệm 60 năm thành lập báo. Rồi bà cùng chị Hằng cho biết, cách đây vài năm, gia đình có làm một bộ phim tư liệu ngắn về ông Nguyễn Lam để lưu giữ riêng. Trong quá trình làm phim, chị Hằng có dịp gặp một số người từng làm việc với cha mình, trong đó có ông Tôn Đức Lượng, họa sĩ của báo Tiền Phong những ngày đầu thành lập. Từ cuộc gặp gỡ này, chị Hằng có dịp hiểu rõ hơn việc ông Nguyễn Lam chỉ đạo thành lập báo Tiền Phong và trở thành chủ nhiệm chính trị của báo. Ngày ấy, đầu những năm 1950, với cương vị là người đứng đầu Trung ương Đoàn, ông Nguyễn Lam nhận thấy tổ chức Đoàn cần có một tờ báo để đại diện cho tiếng nói của thanh niên nên quyết định thành lập báo Tiền Phong. Và ngày 16/11/1953, số báo Tiền Phong đầu tiên được ra đời nhờ công lao rất lớn của Bí thư Nguyễn Lam, người khi đó đảm nhiệm luôn công việc chủ nhiệm chính trị của tờ báo.
Trong lúc hỏi chuyện, tôi thấy đầu giường của bà Nguyễn Thị Lan có ấn phẩm Tiền Phong Xuân Ất Mùi 2015. Hiểu chú ý của tôi, bà Lan cho biết ấn phẩm này có đăng bài “Những lá thư tình của Ba Mẹ” do con gái Lê Thu Hằng viết nên bà luôn để gần bên để thỉnh thoảng đọc lại. Rồi bà kể, những lá thư này là của ông gửi cho bà trong những năm hai người tham gia kháng chiến chống Pháp. Ngày ấy, sau khi quen nhau, lập gia đình rồi có con - thời gian đôi vợ chồng trẻ được ở gần nhau rất ít nên những lá thư này là sợi dây tình cảm để hai người trao gửi cho nhau. Thư được lưu giữ đến nay đã gần 70 năm, có bức đã ố vàng, thậm chí sờn rách nên được bà ép plastic rất cẩn thận. Thỉnh thoảng, bà lại đem thư ra đọc, đến mức thuộc lòng từng bức thư.
Chị Hằng cho biết, vài năm gần đây các anh em của chị mới được mẹ cho đọc những lá thư này. Đọc thư, chị hiểu mặc dù công tác cách mạng chiếm phần lớn thời gian của cha, nhưng lá thư nào ông cũng dành tình cảm tràn đầy với người bạn đời (cũng là người bạn chiến đấu) và các con. “Sau khi đọc thư, tôi xúc động và viết bài gửi báo Tiền Phong. Bài viết được đăng gần dịp 25 năm cha tôi qua đời”- chị Hằng chia sẻ.
Ngày 5/12, tại Kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố Hà Nội, 97/97 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành thông qua việc đặt tên và điều chỉnh độ dài của 24 tuyến đường, phố trên địa bàn thành phố năm 2017. Như vậy, Hà Nội sẽ có thêm 19 tuyến đường, phố mới và 5 tuyến đường được điều chỉnh độ dài; trong đó có phố Nguyễn Lam thuộc quận Long Biên. Phố Nguyễn Lam bắt đầu từ ngã ba giao cắt đường tiếp nối phố Sài Đồng tại tòa nhà N02-2 khu đô thị Sài Đồng đến đoạn cuối phố Mai Phúc, dài 910 mét, rộng 30 mét.
Trường Phong