Còn đâu đây, hải chiến bi hùng

Chiếc áo bà Lê Thị Muộn đang mặc được may lại từ áo của con trai bà, liệt sĩ Phan Văn Sự với lý do thơm "mùi của con".
Chiếc áo bà Lê Thị Muộn đang mặc được may lại từ áo của con trai bà, liệt sĩ Phan Văn Sự với lý do thơm "mùi của con".
TP - 27 năm, quãng thời gian không quá ngắn để nhớ về tất cả, nhưng với những người trở về từ trận hải chiến Gạc Ma, những người thân của các liệt sĩ đã hy sinh giữa đại dương Trường Sa, trận chiến như vẫn còn lẩn khuất đâu đây.

“Cứ đến ngày giỗ nó là tui lại bồi hồi, một phần vì nhớ con, một phần vì lòng trào dâng nỗi tự hào, máu của con trai mình đã hòa vào biển Đông, trong cuộc đấu tranh giữ gìn chủ quyền biển đảo” - bà Lê Thị Lan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc tâm sự.

Sống vì đồng đội

Vẫn ngôi nhà xưa, cũ kỹ, cựu binh Phan Văn Đức (1967), người không có tên trong những người lính trở về, song sau này được xác minh, anh là đồng đội vào sinh ra tử trong những thời khắc lịch sử Gạc Ma, lặng lẽ sống. Anh tình nguyện lên tàu, bảo vệ tổ quốc 27 năm trước, mang trên mình những vết thương thể xác cùng nỗi nhớ đồng đội khôn nguôi.

3 năm trước, khi Tiền Phong viết bài đầu tiên, giới thiệu người cựu binh Gạc Ma Phan Văn Đức, nhiều cựu binh ngỡ ngàng nhìn ra người đồng đội của mình năm xưa, như cựu binh Lê Hữu Thảo hay anh hùng Võ Như Lanh. Cuộc sống của anh Đức vẫn không mấy thay đổi, chiều chiều, sau khi giúp vợ hoàn thành nốt việc chăm trẻ ở nhà, anh vẫn lang thang dọc bãi biển Sơn Trà, hóng mắt ra đại dương. “Tui không muốn nhớ lại những giây phút của cuộc chiến nữa. Giờ đây, niềm vui của tui chỉ là mong mỗi năm đến ngày 14/3, chỉ là để gặp lại các anh em một thời”.

Dư chấn của cuộc chiến, có lẽ những người như anh Phan Văn Đức hứng chịu nhiều nhất, khi năm tháng đã trôi qua, nhưng ký ức hãi hùng của thời khắc đẫm máu vẫn luôn hiện diện trong tâm trí. Anh Dương Văn Dũng (Hòa Xuân - Cẩm Lệ, Đà Nẵng), người từng chịu hơn 1 ngàn ngày tù ở Quảng Đông (Trung Quốc) khi trận hải chiến tan, là người nếm trải đắng cay của cuộc sống đời thường cũng như tù ngục.

Anh Dũng giờ đây cũng rất nghèo, bệnh tật khiến việc phụ hồ của anh bấp bênh. “Tui sống ở đây là vì đồng đội, sống vì những người đã ngã xuống trước mắt tui, giữa đại dương”. Anh Dũng kể, dù mới gia nhập đời lính, công việc những tưởng nhẹ nhàng không còn súng đạn, chỉ là đi xây dựng đảo. Nhưng có ai ngờ…

Thương nhớ Gạc Ma

Ông Lê Văn Xuân (75 tuổi, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), bố của liệt sĩ Lê Văn Xanh còn nhớ như in: “Nó đi nghĩa vụ 10 tháng thì về Sơn Trà ở với Hải quân vùng 3, được vài tuần lại vào Cam Ranh rồi ra Gạc Ma. Nó có người yêu trong xóm, hôm chia tay con bé có sang, hai đứa hẹn ngày về sẽ xin hai nhà cưới hỏi”.

Chuyến tàu chở anh Xanh ra đảo ngày 13/3/1988 cũng là chuyến đi cuối cùng của đời anh. Ông Xuân kể thêm: “Đêm 14, sau hôm con ra đảo một ngày, tôi nằm mơ thấy cả người con bê bết máu, bảo bị trúng pháo nên mất một chân rồi. Linh cảm chẳng lành, tôi gọi cả nhà dậy kể chuyện”. Suốt những ngày sau, cả nhà ông đứng ngồi không yên vì cơn mộng mị nửa thực nửa hư. Cho đến khi Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo tình hình chiến sự ở đảo Gạc Ma và đọc danh sách 74 chiến sĩ mất tích tại đảo thì mới chắc có chuyện chẳng lành. Cả nhà ông thót tim nghe đài, nghe rõ mồn một tên từng chiến sĩ, đến gần hết danh sách vẫn không thấy tên con, ai cũng mừng thầm trong bụng. Đến số 72, tên Lê Văn Xanh được cất lên, vợ ông ngã đùng ngất xỉu, sáu đứa con còn lại thét gào vô vọng. Ông không rớt nổi nước mắt, ôm vợ, ôm con trấn an không chỉ riêng Xanh nhà mình nằm lại ngoài đó, còn biết bao trai tráng nữa.

Làm điểm tựa tinh thần cho cả nhà, nhưng ông vẫn có lúc tưởng chừng như gục ngã. “Xanh là đứa con đầu, vợ chồng tui mong nó trưởng thành để cùng gánh vác việc nhà, nuôi sáu đứa em còn nhỏ. Nào ngờ…”, ông thở dài. Ngần ấy năm đã qua, ông cất giữ cẩn thận kỉ vật của con, là chiếc yếm hải quân đã ố màu để cùng tờ giấy báo tử. Khi nhớ con, ông lại đem ra áp lên mặt, lên mũi như thể đang ôm đứa con tội nghiệp của mình. 14/3 năm nào cũng vậy, ông lặng lẽ ra biển thả hoa đăng để đứa con nằm lại giữa trùng khơi bớt lạnh lẽo.

Số phận hẩm hiu của bà Huỳnh Thị Kế (83 tuổi, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), mẹ của liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn không khỏi khiến chúng tôi chạnh lòng. Năm ấy anh Đoàn mới 18 tuổi. Ngày nhận giấy báo tử, ông bà khóc hết nước mắt, viễn cảnh về một mái nhà có con trai, con dâu, cháu đích tôn đã bị họng súng quân thù nhấn chìm giữa đại dương.

Bà Kế nhớ lại: “Mấy hôm ni trở trời, tui đau khớp dữ dội, phải kêu anh xe thồ vô tới nhà chở lên viện. Lên tới đây tui nhờ anh dẫn đi làm thủ tục nhập viện, cõng vô khám luôn. Ước chi thằng Đoàn vẫn còn đây”. Bà Lê Thị Muộn (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu)  mất đi đứa con trai là anh Phan Văn Sự trong trận Gạc Ma bi hùng. Bà Muộn nhớ lại, hôm Sự lên đường, ông nhà dọa: “Đã làm chiến sĩ phải làm cho đàng hoàng, mày bỏ giữa chừng tao đánh chết!”.

Tiễn con đi, ông bà nào đâu biết ngoài khơi họng súng tử thần đang chực chờ. Ông lên cơn đau ruột thừa, phải nhập viện mổ, hôm vết thương lành chuẩn bị cắt chỉ thì nghe đài thông báo 74 chiến sĩ chiến đấu tại đảo Gạc Ma bị mất tích. Ông hỏi lại: “Cái chi rứa bà? Bà nhắc lại tui nghe”. Bà đánh trống lảng bảo đài làm cho nghiêm trọng, có chi đâu.  Nghe đài đọc tiếp về tình hình ngoài ấy, ông ngất giữa chừng, máu ở vết thương chảy liên tục không cầm được. Các bác sĩ lập tức cấp cứu, tới ba giờ chiều ông trút hơi thở cuối cùng. Bà nhớ lại: “Tui rã người ra, đứng không nổi, khóc không nổi, sáng mất con, chiều mất chồng”.

Thời gian sau, bà nhận được chiếc áo hải quân của con do đồng đội gởi về, bà đinh ninh còn “mùi thơm” của con nên “thiết kế” lại một chiếc áo cho mình. Bà giữ nguyên thân áo, may lại thành kiểu áo bà ba, phần vải dư ở cổ, cánh tay bà may thành những chiếc khăn. 27 năm qua, bà thường xuyên mang chiếc áo ấy và đi bất cứ đâu cũng mang theo chiếc khăn bên mình. Tưởng như là hoang tưởng, nhưng  nhìn bà gói ghém cẩn thận, mắt tràn trề thương yêu khi khoác chiếc áo của con mới chấp nhận được sự hoang tưởng ấy của bà. Bà kể: “Giờ tui mới có được một thằng cháu nội, đang đi hải quân. Mỗi lần điện thoại với nó, tui luôn động viên nó cố gắng, luyện tập thật tốt để hoàn thành nốt nghĩa vụ của người chú đã hi sinh”.

Còn đâu đây, hải chiến bi hùng ảnh 1

Bà Lê Thị Lan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc với ngôi nhà tình nghĩa do Sư đoàn 83 - Quân chủng Hải quân tặng.

Ngọn nến tri ân

Những ngày này, bà Lê Thị Lan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc (Đà Nẵng) không thiết tha gì với quán bún bên đường. Tâm trí bà chỉ nhớ đến người con trai cả môi đỏ đẹp trai, đã anh dũng hy sinh ở Gạc Ma.

20 tuổi, Lộc, thay vì học tiếp đại học đang còn dang dở, xung phong đi bộ đội hải quân vào năm 1987. Anh không ngờ, chuyến đi đó là định mệnh. Bà Lan nhớ lại: “Sau hai chị đầu, Lộc là con trai được cưng chiều lắm, học rất giỏi. 20 tuổi, nó đòi đi lính hải quân. Mà có đâu xa, bên Sơn Trà, chuyến đò mấy chục phút là tới liền”. Đó là chuyến đi định mệnh. Lộc hy sinh trong trận hải chiến bi hùng. Bà Lan chỉ biết tin con tử trận qua radio.

“Mấy chục năm, tui nuốt nước mắt vào trong, nuôi 8 đứa con khôn lớn, nhưng nỗi nhớ về thằng Lộc không bao giờ nguôi” - bà Lan vân vê chiếc hộp, đựng ngôi sao và huy hiệu, kỷ vật cuối cùng mà đồng đội đưa về, nghẹn ngào. “Dẫu thương nhớ, nhưng thế nào thì nó cũng đi rồi. Điều an ủi với mẹ là đồng đội của nó không quên” – bà Lan chỉ tay vào tấm bảng ngôi nhà tình nghĩa ở Cẩm Lệ do Trung đoàn 83 (cũ, nay là sư đoàn 83 Quân chủng Hải quân) xây dựng, nói. Bà Lan kể, hằng năm, cứ dịp 14/3, những người mẹ, người thân của các chiến sĩ hy sinh Gạc Ma lại tề tựu bên nhau, và điều an ủi là không ai lãng quên sự hy sinh của họ.

Anh Nguyễn Văn Tấn - trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Trường Sa, chắc nịch: “Không ai được quên họ. Nhất là những đồng đội như chúng tôi. Năm nào cũng thế, dù lớn nhỏ, luôn có những ngọn nến tri ân họ - những anh hùng đã ngã xuống”. Anh Tấn cho hay, năm nay, lễ tưởng niệm 64 liệt sỹ đã hy sinh sẽ làm lớn. “Chúng ta, ai cũng thế, chỉ muốn làm thế nào để hương hồn 64 anh em ấm áp. Chỉ cần như thế mà thôi” - anh Tấn nói.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.