Cuộc phiêu lưu kỳ ảo của Mahito và con chim diệc kỳ quái. |
Thiếu niên và Chim diệc (The Boy and The Heron) mang đến bầu không khí hoàn toàn khác so với những tác phẩm Ghibli trước đây. Sự trong trẻo, tinh khiết và những giấc mơ đẹp được thế chỗ bởi sự bi quan, nỗi buồn day dứt và những cơn ác mộng dai dẳng.
Phim mở đầu với một khung cảnh tàn khốc. Đó là khi cậu bé Mahito – nhân vật chính của phim – hay tin bệnh viện nơi mẹ cậu đang dưỡng bệnh gặp hỏa hoạn trong đêm. Cậu bé thất thần chạy đến, để rồi phải bất lực chứng kiến ngọn lửa tàn khốc cướp đi người mẹ khỏi cuộc đời mình.
Phim khởi đầu bằng một phân cảnh tàn khốc. |
Vài năm sau, bố của Mahito đi bước nữa với dì Natsuko, cũng là em gái ruột của mẹ. Để lánh chiến tranh, cả gia đình chuyển đến sống tại một khu biệt thự ở vùng ngoại ô. Tại đây, Mahito chạm trán một con chim diệc kỳ quái luôn lảng vảng xung quanh chờ chực cơ hội tiếp cận cậu. Trong lần săn đuổi con chim diệc, Mahito nghe được lời dụ dỗ của nó: “Đi theo ta, ngươi sẽ được gặp lại mẹ”.
Lời dụ dỗ sặc mùi dối trá, Mahito biết rõ điều đó. Mẹ cậu đã ra đi không bao giờ trở lại. Dù vậy, vết thương lòng vẫn còn âm ỉ, hình ảnh người mẹ yêu dấu bị ngọn lửa hung tàn nuốt chửng vẫn luôn hiển hiện trong những cơn ác mộng. Trái tim bị phủ bóng bởi đau thương khiến Mahito không thể mở lòng đón nhận tình yêu chân thành của dì Natsuko và gia đình.
Đi theo con chim diệc là dấn thân vào chốn hiểm nguy, nhưng đồng thời đó cũng là cơ hội duy nhất để Mahito trực tiếp đối diện và chiến đấu nỗi đau dai dẳng. “Tôi biết đó là lời nói dối, nhưng tôi vẫn phải đi tiếp để đối diện với nó”. Cậu bé quyết định đi theo con chim diệc, bước vào “thế giới bên kia”, nơi có một người đặc biệt đang chờ đợi cậu.
Tạo hình con chim diệc kỳ quái. |
“Thế giới bên kia” là không gian diệu kỳ được tạo nên bởi thầy phù thủy Tháp Chủ, chứa đựng sự sống và cái chết, cái tốt và cái xấu, quá khứ và thực tại. Tại đây, hàng loạt hiểm nguy chết chóc thay nhau ập đến và lần lượt bị khuất phục trước sự gan dạ của Mahito. Dường như những năm tháng chống chịu với nỗi đau mất mẹ đã rèn giũa nên một Mahito độc lập, mạnh mẽ và luôn ra sức bảo vệ những người xung quanh.
Thông qua cuộc hành trình của Mahito, đạo diễn Hayao Miyazaki thẳng thắn đặt ra những câu hỏi trực tiếp về cách nhìn nhận cuộc sống: Làm thế nào để sống tiếp với những thương tổn trong quá khứ, và phải sống như thế nào để giữ được một trái tim thuần khiết không nhuốm màu hận thù?
Dù đã ở tuổi 82, bàn tay ma thuật của Hayao Miyazaki vẫn vẽ nên những khung hình giàu trí tưởng tượng. Tuy không tráng lệ như Vùng đất linh hồn, "thế giới bên kia" trong Thiếu niên và Chim diệc vẫn toát lên được vẻ nhiệm màu, bí ẩn, ẩn chứa sự bất an thường thấy và đâu đó phảng phất nét bi quan trước sự sụp đổ không thể ngăn lại, tựa như tác phẩm Công chúa thung lũng gió trước đây.
Những khung hình đáng nhớ trong Thiếu niên và Chim diệc. |
Những người hâm mộ xưởng phim Ghibli và đặc biệt là fan cứng của Hayao Miyazaki đều có thể dễ dàng nhận ra nhiều điểm tương đồng trong Thiếu niên và Chim diệc với đời tư của vị đạo diễn. Điều này làm cho bộ phim gần giống như một tác phẩm bán tự truyện.
Giống với Mahito, Hayao Miyazaki cũng lớn lên trong Thế chiến thứ 2. Những ký ức đầu tiên trong đời ông gắn liền với bom đạn tàn khốc và sự vắng mặt của người mẹ luôn đau ốm và dành phần lớn thời gian trong bệnh viện. Bố Miyazaki là chủ xưởng sản xuất linh kiện máy bay, trực tiếp hưởng lợi từ chiến tranh mà từ đó, Miyazaki đã luôn thầm khiển trách ông.
Mối quan hệ giữa Hayao Miyazaki và con trai của ông – nhà làm phim Goro Miyazaki, cũng được tìm thấy trong cuộc trò chuyện của lão phù thủy Tháp Chủ và Mahito. Miyazaki vốn nổi tiếng là người cố chấp, khó tính, trước nay ông chưa bao giờ công nhận các tác phẩm của do con trai mình làm ra. Thông qua hình ảnh phù thủy Tháp Chủ, có thể thấy Miyazaki đã thừa nhận phần cứng đầu, bảo thủ của mình và thể hiện sự tôn trọng đến thế giới sáng tạo của con trai mình.
Câu chuyện trong Thiếu niên và Chim diệc được thấy cảm hứng trực tiếp từ chuyện đời của bản thân đạo diễn Miyazaki. |
Trong bộ phim tài liệu Never Ending Man (Người đàn ông không bao giờ dừng lại) kể về quá trình Hayao Miyazaki thay đổi quyết định nghỉ hưu để trở lại làm phim, có chi tiết Miyazaki thừa nhận rằng ông chưa bao giờ biết cách viết phần kết cho tác phẩm. Điều này có thể thấy rõ ở phần kết Thiếu niên và Chim diệc khi nó để lại cảm giác vội vàng, khó hiểu bởi các chi tiết ẩn dụ dày đặc và hư ảo khiến người xem mất phương hướng.
Theo dự kiến ban đầu, bộ phim ra mắt vào năm 2020, trước thềm Olympic Tokyo nhưng đã bị dời đến 3 năm sau. Thêm 3 năm để hoàn thành tác phẩm nhưng Miyazaki vẫn để lại cái kết dở dang. Dường như vị đạo diễn vẫn còn nhiều điều chưa thể nói hết. Hoặc sâu xa hơn, đó là sự chần chừ, tiếc nuối khi ông phải nói lời từ biệt với hình ảnh người mẹ được gửi gắm trong nhân vật Himi, "người đặc biệt" đã luôn chờ đợi Mahito tại thế giới bên kia.
Himi - nhân vật đặc biệt của Thiếu niên và Chim diệc. |
Không chỉ là bộ phim đặc biệt với cá nhân đạo diễn Hayao Miyazaki, Thiếu niên và Chim diệc còn là trường hợp hiếm có của điện ảnh thế giới. Phim gây sốc khi từ chối tiết lộ mọi thông tin cho đến ngày ra mắt. Nhưng cuối cùng vẫn thắng lớn trong ngày mở màn với 1,35 triệu vé được bán ra, thu về hơn 2,1 tỷ yên và trở thành tác phẩm có doanh thu mở màn cao nhất lịch sử của hãng Ghibli, vượt qua tượng đài Vùng đất linh hồn.
Tác phẩm mới nhất của đạo diễn Hayao Miyazaki mau chóng được mến mộ tại các thị trường Bắc Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Italia. Đến nay Thiếu niên và Chim diệc đã đạt 84 triệu USD doanh thu toàn cầu và được dự đoán là ứng cử viên nặng ký tại mùa giải thưởng đầu năm 2024.
Phim khởi chiếu ở Việt Nam từ 15/12.