'Cơn ác mộng' COVID-19 của ông Biden

'Cơn ác mộng' COVID-19 của ông Biden
TPO - Sau hỗn loạn và bạo lực ở Washington, ông Trump trở về Florida, để lại cho đương kim Tổng thống Mỹ ông Joe Biden một “cơn ác mộng” mang tên COVID-19.

Bảy tiếng sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, nước Mỹ ghi nhận hơn 4.409 ca tử vong mới vì COVID-19. Ông Biden trước đó đã vạch ra một kế hoạch lớn để ứng phó với đại dịch, nhưng đội ngũ của ông vào lúc này mới chỉ bắt đầu có được bức tranh rõ ràng hơn về cách thức chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đã xử lý cuộc khủng hoảng này như thế nào.

"Những gì chúng tôi kế thừa từ chính quyền Trump tệ hơn điều chúng tôi từng tưởng tượng", Jeff Zients, chuyên gia chống COVID-19 trong chính quyền Biden, thốt lên. "Chúng tôi chưa từng nghĩ rằng mọi thứ tệ đến vậy trong khâu cung cấp và phân phối vắc-xin".

Ông Biden đã đặt ra mục tiêu tiêm một triệu liều vắc-xin COVID-19 mỗi ngày trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng mục tiêu này là quá thấp so với nhu cầu hiện tại.

"Tôi mừng vì ông ấy (Biden) đã đặt ra một mục tiêu, nhưng 1 triệu liều mỗi ngày là chưa đủ. Chúng ta phải làm tốt hơn như vậy.", Tiến sĩ Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục Vắc-xin tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, đồng thời là thành viên ban cố vấn vắc-xin liên bang, nêu ý kiến.

Giới quan sát cho rằng chính quyền Biden bị "tụt hậu" trong ứng phó với đại dịch một phần là do sự bất hợp tác chưa từng có tiền lệ của Trump đối với quá trình chuyển giao quyền lực. Câu hỏi đặt ra hiện nay là ông sẽ phải làm gì để giải quyết cơn "ác mộng" này.

Theo dữ liệu của CDC, Mỹ vốn đã đạt được tốc độ tiêm chủng mà Biden đề ra. Khoảng 1,1 triệu người được tiêm vắc-xin COVID-19 trong ngày 15/1, sau mức trung bình 911.000 người đạt được hai ngày trước đó.

Giới chuyên gia cho biết tốc độ tiêm chủng đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ nhằm kiểm soát đại dịch và hạn chế nguy cơ tử vong, mà còn giúp ngăn chặn tác động từ nhiều biến thể của virus hơn.

Mặc dù các chuyên gia y tế lạc quan rằng những vắc-xin COVID-19 hiện nay sẽ chống lại biến chủng này một cách hiệu quả, tỷ lệ lây nhiễm vẫn có thể gia tăng nếu số người được tiêm chủng chưa đủ.

Thêm vào đó, công tác tiêm chủng thiếu nhất quán dưới thời ông Trump đã gây ra sự hoang mang và thất vọng. Một số địa phương phàn nàn về tình trạng thiếu vắc-xin, trong khi những nơi khác vẫn còn nhiều vắc-xin xếp trong kho. Dữ liệu của CDC cho thấy các bang và địa phương mới sử dụng 46% số vắc-xin được chính quyền liên bang cung cấp.

Việc chính quyền Biden đặt mục tiêu tiêm chủng quá thấp được cho là sẽ gây lãng phí hàng chục triệu liều vắc-xin. Trong khi đó, một chiến lược tiêm chủng hiệu quả có thể giúp cung cấp thêm hàng triệu mũi tiêm.

Bên cạnh đó, nguồn cung vắc-xin COVID-19 của Mỹ trong ba tháng đầu năm dự kiến vượt quá mức cần thiết để đạt được mục tiêu của chính quyền. Theo một quan chức cấp cao, các hãng dược phẩm Pfizer-BioNTech và Moderna đang trên đà cung cấp tới 18 triệu liều vắc-xin mỗi tuần.

Những hãng này tuyên bố sẽ cung cấp 200 triệu liều tính đến cuối tháng 3. Cùng với vắc-xin COVID-19 từ tập đoàn Johnson & Johnson, nếu toàn bộ vắc-xin sản xuất ra đều được sử dụng, Mỹ có thể tiến hành tiêm trung bình 2 triệu liều mỗi ngày.

Biden đang đề nghị quốc hội cung cấp 20 tỷ USD để mở rộng quy mô địa điểm tiêm chủng, bao gồm các nhà thi đấu, hiệu thuốc, văn phòng của bác sĩ và phòng khám di động. Ông cũng muốn tuyển thêm 100.000 nhân viên y tế, đồng thời sử dụng quỹ cứu trợ thảm họa liên bang để trả chi phí tiêm chủng của chính quyền các bang và địa phương.

Những động thái này được cho là sẽ góp phần giải quyết vấn đề. Chính quyền cũng cam kết mua thêm vắc-xin khi chúng có sẵn, phương án được các chuyên gia đồng tình, bởi chưa biết vắc-xin sẽ có tác dụng bảo vệ trong bao lâu, có cần tiêm nhắc lại hay không và những biến chủng mới tiềm ẩn mối đe dọa nào.

Triển vọng về nguồn cung vắc-xin trở nên tươi sáng hơn từ tháng 4. Pfizer và Moderna mỗi hãng cam kết cung cấp thêm 100 triệu liều vào cuối tháng 7. Tuần trước, Pfizer và BioNTech tuyên bố nâng mục tiêu sản xuất toàn cầu trong năm từ 1,3 tỷ lên 2 tỷ liều, trong khi Moderna nâng từ 500 triệu lên 600 triệu liều.

Johnson & Johnson dự kiến công bố kết quả thử nghiệm vắc-xin trong vài ngày tới. Nếu vắc-xin COVID-19 này chứng minh hiệu quả, nó có thể giúp tăng tốc đáng kể tốc độ tiêm chủng bởi khác với vắc-xin của Moderna và Pfizer-BioNTech, loại này chỉ cần tiêm một liều.

Sau khi vắc-xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna đều chứng minh được hiệu quả cao hồi cuối năm ngoái, chính quyền Trump đã cân nhắc việc xem xét lại chiến lược hỗ trợ 6 nhà sản xuất vắc-xin khác nhau, thay vào đó dồn sự tập trung vào những hãng đã thành công.

Tuy nhiên, các quan chức cuối cùng kết luận rằng cần tiếp tục hướng đến đa dạng hóa vắc-xin, một phần bởi chưa tìm ra vắc-xin nào có thể hiệu quả nhất với trẻ em, hoặc chống lại các biến chủng mới tốt nhất. Họ khuyến nghị chính quyền Biden hành động tương tự.

Một thách thức nữa mà chính quyền Biden phải đối mặt là làn sóng bài trừ vắc-xin, vốn trỗi dậy mạnh mẽ dưới thời Trump, người công khai thể hiện sự xem nhẹ với COVID-19. Hiện chưa rõ Biden sẽ dựa vào nguồn sức mạnh nào để có thể thuyết phục được đông đảo người dân Mỹ có thái độ nghiêm túc hơn với đại dịch và chấp nhận tiêm vắc-xin rộng rãi.

"Tuy nhiên, ít nhất chúng ta giờ đây không có một tổng thống thường xuyên phớt lờ và chống lại các quy tắc phòng dịch trên truyền hình quốc gia", một quan chức giấu tên làm việc với nhóm ứng phó COVID-19 trong chính quyền Biden chia sẻ.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.