Coi chừng nước ép quả - Kỳ 2: Hốt bạc

Nước ép quả công nghiệp gia tăng mạnh cả sản lượng lẫn chủng loại những năm gần đây. Ảnh: Ngọc Thùy
Nước ép quả công nghiệp gia tăng mạnh cả sản lượng lẫn chủng loại những năm gần đây. Ảnh: Ngọc Thùy
Các nghiên cứu thị trường mới nhất cho thấy, thức uống trái cây ngày càng được ưa chuộng. Tốc độ tiêu dùng nước ép trái cây bình quân đầu người tăng nhanh so với thức uống có gas. Cứ 10 người, có sáu người chọn nước ngọt không gas. Kinh doanh nước ép trái cây trở thành lĩnh vực kiếm tiền béo bở.

Tăng chóng mặt

“Mình hay uống nước ép đóng chai. Nước ép cũng cung cấp nhiều dinh dưỡng, năng lượng. Lại tiện lợi. Không như ăn quả tươi phải gọt, bổ cách rách. Mình uống liên tục, uống thay nước. Trung bình hai ngày, mình uống hết chai một lít. Chị gái mình cũng thích xài nước ép. Mẹ mình hay mua và để sẵn trong tủ lạnh cho cả hai chị em dùng”, Phạm Trung Đức (20 tuổi), Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

Với lịch sử phát triển chỉ mới ba thập kỉ, thị phần nước ép toàn cầu đã đạt gần gấp đôi thị phần trà và doanh số bán của nước ép trái cây cao hơn toàn bộ doanh số bán của ngành công nghiệp cola.

Báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu Global Industry Analysts Inc (GIA) chỉ ra thị trường nước ép trái cây và rau quả sẽ đạt 72,29 tỷ lít đến năm 2017.

Ngành công nghiệp nước ép toàn cầu đạt doanh thu 84 tỷ USD (2010), với mức tăng trưởng hằng năm đạt 2%. Thị trường nước ép trái cây từ 2010-2015 sẽ đạt 92 tỷ USD, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu MarketLine.

Kỳ lạ là Châu Âu, vùng địa chính trị được cho là sở hữu tỷ lệ dân số có học cao nhất thế giới, sẽ là thị trường lớn nhất đối với loại sản phẩm này, theo báo cáo của GIA. Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, cũng với cuộc đua trở thành trung tâm kinh tế năng động nhất toàn cầu vào giữa Thế kỷ XXI, sẽ nổi lên với tốc độ phát triển đầy tiềm năng ước đạt 6,3% trong giai đoạn 2009-2017.

Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật. Hiệp hội Bia – Rượu –Nước Giải khát Việt Nam (VBA), cho hay sản xuất đồ uống Việt Nam những năm gần đây tăng trưởng đều đặn. Năm 2012, tổng sản lượng nước giải khát toàn ngành đạt 4,226 tỷ lít. Doanh thu sản lượng đồ uống, nước giải khát ngành đạt 7 tỷ USD.

Thị trường nước giải khát không cồn tại Việt Nam chạm mốc tiêu thụ 2 tỷ lít, tức bình quân mỗi người tiêu thụ khoảng 23 lít một năm, số liệu từ Bộ Công Thương năm 2010.

Mức tiêu thụ này tiếp tục tăng trưởng 17% vào năm 2011 (Nielsen, 2011) và được dự đoán còn đầy tiềm năng khi thu nhập bình quân đầu người tiếp tục được cải thiện và phần lớn chi tiêu đều dành cho ăn uống.

Theo dự báo của Tổ chức Giám sát Kinh doanh Quốc tế (BMI), giai đoạn 2011 -2016, ngành đồ uống không cồn ở Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 8,2 %, tốc độ tăng trưởng doanh số đạt 6,3%. BMI nhận định đồ uống pha chế sẵn không cồn sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành công nghiệp nước giải khát tại Việt Nam từ nay cho đến năm 2016.

Dự kiến, năm 2014, ngành đồ uống không cồn ở Việt Nam đạt sản lượng 2315 triệu lít, mang lại doanh thu 506 triệu USD. Đến năm 2016, số này sẽ lên đến 2628 triệu lít, đạt doanh thu 626 triệu USD.

Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty Nghiên cứu Thị trường W&S, người tiêu dùng lựa chọn nước ép, nước trái cây chứa sữa đạt 62% - cao hơn so với tiêu dùng nước giải khát có gas (60,6%).  Dân chúng ở vùng thành thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều có nhu cầu cao nước ép trái cây.

Chị Vũ Thị Hoa (41 tuổi), Phú Xuyên, Hà Nội, cho biết: “Tôi thường xuyên ép quả cho cả gia đình. Con trai tôi thích nước ép hơn ăn quả tươi. Tôi thường ép riêng từng loại mà không trộn lẫn. Uống như vậy đậm đà hơn. Các loại nước trái cây tôi thường làm gồm dứa, dưa hấu, xoài”.

Coi chừng nước ép quả - Kỳ 2: Hốt bạc ảnh 1 Nhiều người chuyển sang dùng nước ép sinh tố với hy vọng tránh các yếu tố nguy cơ từ nước ép công nghiệp. Ảnh: Ngọc Thùy

Đại gia vớ bẫm

Nhận định xu hướng thức uống công nghiệp trong nhịp sống hiện đại là sự lựa chọn không thể thay thế, các nhà sản xuất nước ép trái cây coi đây là thị trường béo bở. Ngoài các đại gia Vinamilk, Tân Hiệp Phát (Việt Nam) cùng các công ty giải khát quốc tế như Coca-Cola, Pepsico, nhiều tân binh mới cũng nhanh chóng nhảy vào như Massan.

Sản phẩm nước ép trái cây công nghiệp đa dạng về mùi vị, với các loại nước cam, dứa, xoài, me, dưa hấu, nho, đào với giá cả phù hợp với túi tiền người tiêu dùng.  Nước ép dung tích 500ml được bán với giá khoảng từ 6 -12 nghìn đồng/chai. Nước ép cam, đào, táo, ổi, nho, cà chua của Vinamilk dung tích một lít cũng chỉ được bán với giá từ 35 – 50 nghìn đồng/hộp.

Các nhãn hiệu nước ép trái cây của các công ty Việt Nam như Vinamilk, Tân Hiệp Phát được nhiều người tin dùng bên cạnh các sản phẩm của các công ty giải khát quốc tế như Coca-Cola, Pepsico. Cam ép Vfresh của Công ty Vinamilk được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất, chiếm 69,3 %, nước táo ép (42,3 %).

Đứng vị trí tiếp theo là một số dòng sản phẩm của Tân Hiệp Phát như nước ép Number 1 Juicie Cam (35,4 %), nước ép Number 1 Juicie chanh dây (32,1 %) và nước cam ép Twister của Tropicana, thương hiệu nước ép thuộc sở hữu của Tập đoàn Pepsi, chiếm 29,5%. 

Với dòng nước ép chứa sữa, sản phẩm của Vinamilk tiếp tục chiếm lĩnh thị trường nước trái cây chứa sữa với Vfresh Smoothies cam sữa (52,2%). Đối thủ cạnh tranh với sản phẩm này là Nutriboost của Cocacola với 42,4%, theo Nghiên cứu “Thói quen tiêu dùng nước ép trái cây và nước trái cây chứa sữa đóng chai” tại Việt Nam  do Công ty Nghiên cứu Thị trường W&S thực hiện.

Bên cạnh đó, thị trường máy ép trái cây tươi dùng ngay hay còn gọi là nước ép sinh tố phong phú về mẫu nhãn, đa dạng về giá tiền như mặt hàng nước ép bán sẵn.

Thương hiệu máy ép được lựa chọn nhiều vẫn đến từ các ông lớn trong lĩnh vực đồ gia dụng như Philips, Bluestone, Tefal, Electrolux, Panasonic, Coway. Giá máy ép dao động từ 300 nghìn đồng đến vài triệu, thậm chí, có loại được bán tới cả chục triệu đồng một chiếc.

Tại một trung tâm điện máy ở Hà Nội, chị Ngọc Lan, Quận Cầu Giấy, đang loay hoay lựa chọn một chiếc máy ép trái cây. “Mình mới về hưu. Toàn bộ thời gian để dành chăm sóc gia đình. Mình muốn mua một chiếc máy ép về ép trái cây cho cả gia đình dùng”, chị Lan nói.

“Tự làm ở nhà vừa rẻ lại vừa đảm bảo vệ sinh. Giờ máy móc nhiều thật. Mình vẫn chưa quyết định mua vì đang còn phân vân giữa mấy lựa chọn”.

Coi chừng nước ép quả - Kỳ 2: Hốt bạc ảnh 2 

Biến động thị trường nước ép. Đồ họa: Ngọc Thùy

Bình dân tranh thủ kiếm

Trào lưu uống nước ép trái cây thay vì ăn hoa quả tươi nở rộ ở mọi nơi cũng tạo cơ hội kinh doanh cho người bình dân. Dễ thấy nhất có lẽ là lĩnh vực nước ép trái cây sinh tố được sản xuất thủ công trực tiếp từ quả tươi.

Các cửa hàng nước ép mọc khắp trên các phố, trong ngõ hẻm ở các đô thị, nhất là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nước ép sinh tố thậm chí còn được yêu thích và tin tưởng hơn nước ép công nghiệp. Một bộ phận người tiêu dùng cho rằng nước ép thủ công ở các quán là hoa quả tươi nguyên được xay ép tại chỗ, dù có thể họ không tận mắt chứng kiến. Chủ các cửa hàng kinh doanh nước ép sinh tố kiếm lời không ít từ mặt hàng này.

Theo khảo sát của tác giả bài điều tra này, tại cửa hàng nước ép FRUIT JUICE 59A Quốc Tử Giám, Hà Nội, mỗi ngày, cửa hàng bán trung bình 50 – 60 cốc (mùa đông), 90 – 100 cốc (mùa hè). Giá mỗi cốc nước ép các loại khoảng 30 nghìn đồng/cốc. Dễ dàng tính ra, mỗi ngày, cửa hàng thu về 1,5-1,8  triệu đồng (mùa đông), 2,7-3 triệu đồng (mùa hè).

Được hỏi số lượng hoa quả tiêu thụ trong ngày, nhân viên bán hàng bảo không nhớ rõ vì có quá nhiều loại. Chỉ biết một cốc nước ép bưởi dùng hết một quả bưởi năm roi, với giá nhập vào 18 nghìn đồng.

Nếu mỗi ngày, quán bán được 50 – 60 cốc nước ép bưởi, lợi nhuận thu về chưa trừ chi phí thuê mướn cửa hàng, nhân lực là khoảng 600 – 720 nghìn đồng/ngày. Nói chung “cũng chẳng ăn thua”.

Dường như, nữ chủ cửa hàng không muốn tiết lộ con số doanh thu thật của quán. Chỉ biết, mở được một năm, tháng 4/2014, cửa hàng lại khai trương một cơ sở ở Phố Hàng Lược nằm trong khu phố cổ của trung tâm Hà Nội. Quan sát nhân viên xay nước bưởi cho khách, tôi thấy cô nhân viên bỏ một lượng bưởi chừng nửa quả thay vì cả quả vào máy xay.

Jaclyn Beach là tấm gương điển hình trên Facebook và là nhân vật nổi tiếng trong chương trình truyền hình Dr.Oz về hiệu quả giảm béo nhờ dùng nước ép quả.

Cô tâm sự, ở tuổi 30, kể từ tháng 7/2012, cô bắt đầu thực hiện chế độ giảm cân bằng cách dùng nước ép quả khi hàm lượng cholesterol trong máu cáo và chỉ số khối cơ thể (BMI- thông số đo mức độ gầy béo) lên đến 52 trong khi BMI trung bình là 18-25.

Tham gia chương trình Juice Up Your Life (nước ép cho đời thêm tươi). Sau một thời gian kiên trì đeo bám nước ép, bên cạnh hoạt động tập luyện và kiêng thịt cũng như các đồ ăn chế biến, cô đã giảm hơn 100 cân Anh (khoảng 45 kg).

Theo Fitlife.tv

 

Kỳ 3: “Bốc hơi các ưu thế tự nhiên”. Trong khi mở ra cơ hội cho nhiều thành phần xã hội thu lợi nhuận và tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận với đồ uống gần với tự nhiên, nước ép quả chứa đựng không ít nguy cơ với sức khoẻ. Không những làm mất nhiều ưu thế dinh dưỡng tự nhiên, nước ép quả còn hàm chứa nhiều hoạt chất nguy hiểm tiềm tàng, nhiều nhà khoa học nhận định. 

Theo Tri Thức Trẻ
MỚI - NÓNG