Cọc nhổ đi rồi...

Ở Festival, một loạt sân khấu dựng lên dùng được vài ngày. Ảnh: Ngọc Văn.
Ở Festival, một loạt sân khấu dựng lên dùng được vài ngày. Ảnh: Ngọc Văn.
TP - Festival Huế 2014 khép lại. Huế trở lại với “nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”. Có người mượn thơ Hồ Xuân Hương thay cho lời nhận xét: Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không.

Dẫu sao cũng thu hút hơn 20 vạn khách đến Huế, “mua vui cũng được một vài trống canh”. Nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nhân, doanh nghiệp trong nước và nhiều nước trên thế giới có dịp gặp gỡ, giao lưu bên bờ sông Hương. Nhưng không lẽ lễ hội nào sau khi kết thúc cũng rơi vào thực trạng hết xôi rồi việc? Đầu tư lớn mà ban tổ chức thu không tự trang trải được kể cũng xót xa. Nếu chỉ nhằm mục đích quảng bá văn hóa Việt Nam, quảng bá văn hóa Huế thì theo tôi Festival Huế mới thành công một nửa.

Một loạt sân khấu dựng lên dùng được vài ngày; có những sân khấu tiền tỷ chỉ sử dụng một đêm rồi tháo dỡ. Cứ mỗi lần Festival bao công trình dựng lên rồi dỡ đi, tốn kém biết bao nhiêu, chưa lần nào ban tổ chức công bố. Sao đã là thành phố Festival mà Huế không có được một hệ thống sân khấu cố định, giống như một phim trường để sử dụng cho nhiều bộ phim truyện dài kỳ; cuối cùng là một sản phẩm du lịch, điểm đến hấp dẫn như phim trường Tam Quốc bên Trung Quốc chẳng hạn.

Một phiên “Chợ quê”; một “Bến đò Thừa Phủ” phục hiện trên sông Hương chở học sinh đi học qua về; hai bên bờ vài ba chị bán chè gánh, bán đậu hũ, bán các loại bánh Huế trong trang phục áo dài xưa, chẳng tốn kém gì nhiều mà hoài niệm, ký ức hiện về thổi hồn cho thành phố cổ, cho dòng sông Hương, để quyến rũ, thu hút du khách thì có khó gì mà cứ phải đến hẹn mới lại lên?

Kho tàng văn hóa truyền thống Huế, sinh hoạt của người Huế rất phong phú đa dạng và hấp dẫn. Nó sẽ “đẻ trứng vàng” nếu biết đánh thức các giá trị, khai thác lâu dài. Tôi vẫn bảo lưu ý kiến Huế là thành phố để tổ chức Festival thường xuyên chứ không phải Festival theo chiến dịch.

MỚI - NÓNG