Cò vé giả dạng nhân viên đường sắt

 Cò vé chặn người đi đường chào mời mua vé trước cổng Ga Sài Gòn. Ảnh: HT
Cò vé chặn người đi đường chào mời mua vé trước cổng Ga Sài Gòn. Ảnh: HT
TP - Cò vé xưng là người nhà, thậm chí mặc đồng phục nhân viên ngành đường sắt, công khai níu kéo, chào mời mua vé tàu Tết trước cổng Ga Sài Gòn (GSG).

Hoạt động cò mồi càng náo nhiệt hơn bởi cơ hội mua vé tàu về quê những ngày cao điểm Tết của nhiều hành khách ngày càng mong manh.

Đủ kiểu gạ gẫm

16 giờ 30 chiều 14/1, hàng chục người tràn ra đường Nguyễn Thông (phường 9, quận 3) vây kín lối vào GSG. Họ ngồi thành từng tốp, kéo dài hàng chục mét trước cổng ga, thoải mái chặn xe người đi đường chào mời, níu kéo.

Hoạt động thương lượng, nhận tiền đặt cọc giữa cò vé và người mua diễn ra trước mặt các bảo vệ của GSG. Sơn, da ngăm, trạc 45 tuổi mặc đồng phục màu xanh của ngành đường sắt, trên tay áo có logo của Xí nghiệp toa xe Sài Gòn (thuộc công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn). Sơn không chặn xe hoặc ngồi chung với các cò khác mà lượn lờ trước cổng, cười đùa, nói chuyện với một số bảo vệ ga nên nhiều người càng tin tưởng, chủ động nhờ anh ta mua vé hộ.

Sơn tiếp thị: Em làm trong này nhưng giờ nghỉ rồi. Mấy đứa bạn trong xí nghiệp đưa áo cho em nhờ bắt khách giùm tụi nó. Ngày mai tàu tụi nó vào rồi. Có nhu cầu mua vé anh cứ gọi cho em, số điện thoại 09069372…

Một người đàn ông nằn nì nhờ Sơn mua hộ hai vé tàu đi Nam Định ngày 25 Tết. Sơn dứt khoát: “Tiền công mua hai vé em lấy 500.000 đồng. Em sẽ gửi gia đình ông anh cho mấy thằng bạn trên tàu chăm sóc. Anh chỉ cần photocopy CMND của người đi tàu. Vé bên trong đưa ra, đúng tên, đúng số CMND. Nếu đồng ý, ông anh đặt trước 500.000 đồng. Em sẽ viết giấy biên nhận đàng hoàng”.

Ngỡ chúng tôi là hành khách, một cò khác còn rất trẻ tên Hoàng nhanh nhảu ngoắc lại: Chú khỏi sợ mất tiền. Chú đưa tiền, con giao vé ngay. Vé đi ngày nào cháu cũng có. Tiền công là 250.000 đồng/vé.

Nói xong, Hoàng móc trong túi áo một xấp vé tàu. Thấy chúng tôi băn khoăn chuyện vé ghi không đúng tên, CMND người đi tàu, Hoàng bảo: Chú yên tâm.

Cháu sẽ đưa chú lên tàu. Mấy hôm đó khách đông lắm, không ai kiểm tra đâu. Chú cứ ngồi đúng số ghế ghi trên vé và gửi chút tiền bồi dưỡng cho nhân viên toa. Chú có vé chẳng ai nỡ đuổi xuống đâu.

Dân cần cảnh giác

Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng GSG nói đã chỉ đạo lực lượng bảo vệ ga phối hợp công an quận 3, công an phường 9 ngăn chặn nạn cò mồi trước cổng ga. Tuy nhiên, một số cò vé vẫn trốn và lén lút vào khuôn viên ga để gạ gẫm hành khách mua vé.

“Người dân và hành khách cần hết sức cảnh giác. Đừng nghe lời cò, vì họ chỉ có nước bọt. Họ gạ gẫm để lấy tiền đặt cọc, lấy CMND của các nạn nhân. Họ hoàn toàn không có vé. Nếu có, vé tàu cũng không hợp lệ. Nghe theo cò, không chỉ không mua được vé tàu, người dân còn bị mất tiền, mất giấy tờ tùy thân” – ông Thành nói.

Theo một số bảo vệ GSG, nhiều cò vé trước cổng GSG có hành vi hết sức liều lĩnh, táo tợn và manh động. Cò chỉ ngán công an, còn lực lượng bảo vệ ga thì bị … chửi suốt.

“Cách đây ít hôm, lực lượng bảo vệ GSG yêu cầu cò vé tên Bé X. dẹp ghế ra ngoài khuôn viên ga để thông thoáng lối đi của hành khách. Lời qua, tiếng lại, Bé X. lột hết quần áo rồi chửi từ lãnh đạo ga đến đội trưởng đội bảo vệ” - một bảo vệ kể.

Tịch thu đồng phục nhân viên đường sắt của cò vé

Cò vé giả dạng nhân viên đường sắt ảnh 1
Tối 15/1, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ga Sài Gòn (ảnh) cho biết từ phản ánh của Tiền Phong, lãnh đạo ga đã đề nghị và công an quận 3 đã tịch thu, tiêu hủy áo đồng phục nhân viên đường sắt của cò vé tên Sơn nhằm tránh gây hiểu nhầm cho hành khách.

Ông Thành nói: Hành khách cần cảnh giác với những lời đường mật của cò vé. Những ngày cao điểm Tết, vé tàu có in tên, CMND của người đi tàu trên vé. Vào ga, lên tàu phải có CMND hoặc giấy tờ tùy thân phù hợp. Mua vé của cò mà không đúng tên mình thì coi như vé tàu không hợp lệ.

Theo ông Thành, đồng phục mà cò vé mặc là đồng phục cũ. Bên Xí nghiệp toa xe Sài Gòn đã đổi đồng phục mới. Ga Sài Gòn từng đặt vấn đề này với bên công an việc một người dân mặc đồng phục ngành đường sắt để gạ gẫm hành khách mua vé.

Khi ấy, phía công an cho biết không có biện pháp gì để chế tài, bắt họ thay áo. Họ đang mặc, không lẽ lột ra, bắt họ cởi trần. Luật đường sắt cũng không có quy định nào bắt người dân không được mặt áo của ngành đường sắt.

Về thông tin một số nhân viên đường sắt tiếp tay tuồn vé tàu cho cò, đưa khách lên tàu ở chui, ông Thành cho rằng, Ga Sài Gòn khẳng định không tiếp tay cò làm ăn phi pháp. Không ai dại đánh đổi danh dự. Khi bị phát hiện có sự cấu kết với cò, cán bộ nhân viên sẽ bị buộc thôi việc.

Phạm Lê Thư

MỚI - NÓNG