Cổ vật cung đình Huế: Kho báu khổng lồ một thời vàng son-Kỳ cuối:

Cổ vật cung đình Huế cần quay về 'cố hương'

Với những giá trị mà cổ vật cung đình Huế vốn có, và với “quê hương” nó được sinh ra, cố đô Huế xứng đáng đón nhận lại những cổ vật quan trọng một thời của cha ông.

Con đường nào cho cuộc “hồi cố hương” cổ vật cung đình Huế?

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Nhà nước cần có chính sách phù hợp để “điều tiết” một phần các cổ vật của Huế nay đang thuộc về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh “trở về” với cố đô, bởi Huế vốn là chủ sở hữu của các cổ vật này. Cụ thể như các cổ vật cung đình vốn gắn bó với các công trình kiến trúc như cung điện, đền miếu, lăng tẩm.

Bên cạnh đó, Huế cần chứng minh được vị thế và khả năng của mình trong việc bảo quản, giữ gìn và tôn vinh giá trị của những cổ vật đó nếu chúng được đưa về. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã từng tiếp nhận một số cổ vật hiến tặng đưa về từ Pháp và hơn hàng trăm cổ vật khác do các nguồn hiến tặng trong nước.

Đặc biệt, tháng 6/2014, Trung tâm đã tham gia cuộc đấu giá cổ vật tại Pháp và thành công trong việc đưa chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh về Huế. Những cổ vật này hiện đang được trưng bày và phát huy giá trị tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hay các điểm di tích thuộc quần thể di tích kiến trúc cố đô Huế. Đó là những kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực này.

Cổ vật cung đình Huế cần quay về 'cố hương' ảnh 1

Chiếc xe kéo Hoàng thái hậu Từ Minh được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đấu giá thành công từ Pháp cũng là lần đầu tiên Việt Nam nói chung và Huế nói riêng đấu giá thành công cổ vật ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh TT-Huế, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế thì cho rằng một hoạt động cấp bách cần triển khai ngay là đẩy mạnh cuộc vận động “hồi hương cổ vật”. Đặc biệt ở các cổ vật quý thuộc sở hữu của và con Việt kiều ở nước ngoài. Số cổ vật này không được quản lý, sử dụng tốt do những người thừa kế mải mê công việc làm ăn hoặc không biết rõ giá trị của chúng nên cổ vật đó có nguy cơ bị “bỏ quên” hoặc lọt vào tay những người săn lùng đồ cổ. Một cuộc vận động có chủ đích sẽ tạo điều kiện phát hiện cổ vật, bắt cầu cho việc “hồi hương cổ vật” bằng các hình thức thích hợp.

Ý kiến tâm huyết của ông Mễ cho rằng, cuộc vận động “hồi hương cổ vật” phải được tiến hành đồng bộ với nhiều giải pháp khác nhau, từ việc động viên sự hiến tặng tự nguyện vì lòng yêu nước của bà con Việt kiều và những cá nhân, tập thể đang sở hữu cổ vật (như đối với Chiếc đôn sơn ngũ sắc và cặp ngà voi, hoặc Cuốn sách in mộc bản “Kỹ thuật người An Nam”); tham gia đấu giá, thuyết phục ngoại giao để mua lại một cách chọn lọc những cổ vật có giá trị (như chiếc xe kéo của Từ Minh Hoàng Thái Hậu); cho đến hình thức phối hợp trưng bày, giới thiệu (như đã thực hiện với nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn hoặc nối lại quan hệ với ông Cousso – hậu duệ của bác sĩ Sallet, một người tham gia biên tập bộ B.A.V.H); hoặc đấu tranh ngoại giao, pháp lý để thu hồi cổ vật thuộc quyền quản lý của Việt Nam (như việc thu hồi chiếc bàn trà sơn thếp thời Nguyễn và chiếc đầu hồ của vua Tự Đức với sự góp sức của Đại sứ quán Việt Nam và Luật sư Việt kiều Đào Văn Thụy tại Cộng hòa Pháp)… 

Cổ vật cung đình Huế cần quay về 'cố hương' ảnh 2

Chiếc bàn gỗ sơn son thếp vàng mặt sứ mà người dân hiến tặng cho Bảo tàng Cung đình Huế.

Cổ vật cung đình Huế cần quay về 'cố hương' ảnh 3

Cặp ngà voi do ông Lê Thái và bà Bùi Thị Cẩm Hà - Việt kiều tại Pháp hiến tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Còn theo ThS. Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, sự “hồi hương” cổ vật hiện nay chủ yếu là chờ vào sự hảo tâm của quốc tế và từ nhiều phía, đặc biệt quan trọng là bản thân chủ sở hữu và người nắm bắt thông tin.

“Các đồ vật sau khi được hiến tặng cho bảo tàng sẽ có hồ sơ riêng kèm theo tên tuổi người hiến tặng, lai lịch cổ vật. Người dân và du khách sẽ có thêm cơ hội để chiêm ngưỡng cổ vật. Đó là cách các bảo tàng khác trên thế giới và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã và đang thực hiện.

Về người nắm thông tin cổ vật, họ sẽ biết cổ vật đấu giá thời điểm nào, thông tin các cổ vật đang trôi nổi từ đó gửi thông tin về các đơn vị quan tâm như bảo tàng mình thì sẽ rất quý. Do đó, cần phải có sự hỗ trợ của cả cộng đồng thì bảo tàng chúng tôi mới làm tốt hơn công tác hồi hương cổ vật được” - bà Vân thổ lộ.

Cổ vật cung đình Huế cần quay về 'cố hương' ảnh 4 Trưng bày sưu tập hiện vật hiến tặng của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế năm 2009.

Một ý tưởng được xem là đột phá trong câu chuyện này là: “Chúng ta đã có được những sưu tập Bảo vật Quốc gia phong phú và đa dạng mà triều Nguyễn để lại trên đất Huế và Hà Nội, và xem ra chúng cũng có được “Giá trị toàn cầu nổi bật”. Vậy tại sao Huế và Hà Nội là không kết hợp và cộng tác với nhau trong việc làm hồ sơ về cổ vật cung đình triều Nguyễn đệ trình UNESCO để được công nhận là di sản Văn hóa Thế giới?” - Nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhìn nhận về giá trị của cổ vật cung đình triều Nguyễn.

Cổ vật cung đình Huế cần quay về 'cố hương' ảnh 5 Các ấn vàng thời vua Nguyễn, một trong những cổ vật cung đình quý báu.

Mở rộng các loại hình mới trong bảo tàng cổ vật triều Nguyễn

Trong thời gian chờ đợi một phương án các cổ vật cung đình Huế sẽ được quay về quê nhà, thì việc thiết thực nhất mà PV chú ý, đó là các bảo tàng cổ vật, không gian trưng bày cổ vật tại Huế sẽ làm thế nào để hấp dẫn được du khách?

ThS. Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cho biết, sẽ tăng cường hoạt động trưng bày cổ vật Huế theo chiều sâu với nhiều thông tin hơn, nhằm giúp du khách cảm nhận rõ hơn về những giá trị văn hóa, lịch sử gắn với cổ vật.

Cổ vật cung đình Huế cần quay về 'cố hương' ảnh 6 Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sẽ có thêm nhiều hoạt động mới hấp dẫn trong thời gian tới để du khách cảm nhận rõ nét về cổ vật Huế.

Bên cạnh đó, trong tương lai sẽ có thêm các không gian giới thiệu một số hiện vật quý qua hình ảnh 3D để du khách xem được cận cảnh cổ vật ở nhiều góc độ khác nhau, điều mà du khách khó lòng tiếp cận nếu cổ vật được đặt trong tủ kính hoặc cất trong kho do chưa có điều kiện trưng bày.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng một ý tưởng xác đáng khi trùng tu tòa nhà 2 tầng ở Phủ Nội Vụ (Kho cất giữ đồ quý trong cung vua Nguyễn ở bài 1 - PV) để trưng bày giới thiệu cổ vật cung đình triều Nguyễn theo truyền thống từng có tại Phủ này. Đồng thời, cần xây dựng đề án sưu tầm, sắp xếp và hệ thống hóa các loại cổ vật cung đình từng được định hình mang tính chuẩn mực theo 10 loại khoa vào các thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Và cần sưu tầm hình ảnh các cổ vật, phục chế các loại đồ nghề dùng để chế tác, cân đong, đo đếm các hạng vật từng có dưới thời nhà Nguyễn.

Cổ vật cung đình Huế cần quay về 'cố hương' ảnh 7

Phủ Nội Vụ cần được trùng tu và tái hiện lại như chức năng nó vốn có.

Theo TS. Phan Thanh Hải, cũng phải mở rộng không gian trưng bày trong tương lai cũng như tạo sự gắn kết giữa hệ thống bảo tàng nhà nước với các bảo tàng, các chủ sở hữu của các bộ sưu tập cổ vật thuộc về tư nhân, và các loại tổ chức khác (bao gồm cả nhà thờ Thiên Chúa giáo, chùa chiền…). Điều này sẽ làm cho di sản văn hóa Huế thêm phong phú, hấp dẫn. Nhà nước cần có những cơ chế phù hợp để thúc đẩy việc xây dựng mạng lưới này.

Một phần quan trọng là ngoài việc tăng cường công tác an ninh cho các bảo tàng, điểm di tích với tăng số lượng bảo vệ, lắp đặt hệ thống camera, chống trộm thì việc tuyên truyền giác ngộ và xây dựng hệ thống an ninh trong quần chúng nhân dân; có chính sách cho những cá nhân, tổ chức phát hiện, trình báo về cổ vật hay bảo vệ cổ vật trước tình trạng trộm cắp ngày càng phức tạp hơn hiện nay.

Cổ vật cung đình Huế cần quay về 'cố hương' ảnh 8 Các đồ cổ trưng bày trong cung điện Huế xưa

Cũng theo ý kiến ông Mễ, cần khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nhân lực của đội ngũ làm công tác bảo tồn, bảo tàng của tỉnh; cần có những chính sách đối với nghệ nhân, nghệ sĩ có tài năng; khuyến khích việc truyền nghề cho nghệ nhân trẻ; quan tâm thu hút hoặc xây dựng cơ chế hợp tác bền vững với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu đàn, những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong phát hiện, thẩm định giá trị cổ vật; mở rộng hợp tác quốc tế với các tổ chức UNESCO, ICCROM.. và các quốc gia khác trong lĩnh vực cổ vật.

* Tại Huế vào dịp Festival làng nghề Huế 2013, một bảo tàng tư nhân đầu tiên đã được thành lập do nhà nghiên cứu đồ cổ Trần Đình Sơn ở địa chỉ 114 đường Mai Thúc Loan. Hàng trăm hiện vật cổ giới thiệu tài hoa thủ công mỹ nghệ thời Nguyễn đã được trình làng đến đông đảo công chúng, giới yêu đồ cổ.

Ngôi nhà vốn là tư thất của cố nội ông Trần Đình Sơn – cụ Trần Đình Bá, Thượng thư Bộ Hình dưới đời cuối nhà Nguyễn. Ông Sơn đã bỏ ra số tiền khá lớn kèm với việc vận động nhà nước để dựng lại ngôi nhà rường, trong trưng bày chủ yếu là đồ sứ ký kiểu triều Nguyễn với rất nhiều cổ vật quý giá mà ông đã dày công sưu tập.

Cổ vật cung đình Huế cần quay về 'cố hương' ảnh 9

Bảo tàng tư nhân cổ vật triều Nguyễn của ông Trần Đình Sơn.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.