Cố Thủ tướng Phan Văn Khải - Ông đã chọn phần thiệt về mình

Thủ tướng Phan Văn Khải đã chọn phương án thận trọng bởi vì nếu có sơ sẩy, thiệt hại cho quốc gia sẽ lớn hơn rất nhiều so với thiệt hại về hình ảnh cá nhân mình.

Bài viết của ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Đại học Fulbright, về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, về những lựa chọn, thành công và trăn trở của ông trong 2 nhiệm kỳ Thủ tướng kéo dài 9 năm (1997-2006).

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã chịu rất nhiều búa rìu dư luận khi cầm giấy đọc tại cuộc gặp với Tổng thống Bush trong chuyến thăm Mỹ năm 2005. Tuy nhiên, theo cách nhìn của tôi, điều này thể hiện rất rõ phong cách của vị Thủ tướng thận trọng, biết ta, biết người nhất Việt Nam trong thời hiện đại.

Tư tưởng và phong cách Phan Văn Khải đã rất phù hợp và hữu ích cho Việt Nam.

Ở tuổi 72 và vừa trải qua chuyến bay dài nên ông không được khoẻ và minh mẫn như bình thường. Ông chọn phương án thận trọng bởi vì nếu có sơ sẩy, thiệt hại cho quốc gia sẽ lớn hơn rất nhiều so với thiệt hại về hình ảnh cá nhân theo phương án cầm giấy đọc.

Ông đã chọn phần thiệt về mình.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải - Ông đã chọn phần thiệt về mình ảnh 1 Cái bắt tay lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng Thống Mỹ George W. Bush năm 2005 tại Nhà Trắng. Ảnh: Getty.

Biết người, biết ta

Điểm mạnh nhất của Thủ tướng Phan Văn Khải là tính thực tế dựa trên nguyên tắc thận trọng, biết người biết ta. Ông thuộc tuýp người tập trung vào làm chứ không nói nhiều.

Khi ông trở thành Thủ tướng, tình hình bên trong hết sức phức tạp, cái bóng và sự ảnh hưởng của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn rất lớn. Bên ngoài đang xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á với những hậu quả hết sức nặng nề. Nói chung, lúc đó trong, ngoài đều khó.

Một cách tương đối khu vực kinh tế Nhà nước đang rất lớn và khó cải cách do cả về quan điểm ý thức hệ lẫn sự chằng chịt của lợi ích. Đầu tư nước ngoài chững lại do khủng khoảng và Việt Nam đang ở vị thế bất lợi trong quan hệ thương mại quốc tế. Khu vực kinh tế tư nhân thì èo uột do chịu nhiều vòng kim cô.

Ông đã chọn hành động "hai nhanh, một từ từ". Hai nhanh là đẩy mạnh mở cửa hội nhập và phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Một từ từ là cải cách khu vực kinh tế Nhà nước chậm mà chắc.

Quả là rất khó để có thể làm được gì đó trong bối cảnh chính trị và thể chế của Việt Nam theo kiểu muốn tiến lên thì phải có sự đồng thuận của tất cả, nhưng muốn cản thì chỉ cần một người (việc không thể ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ ở New Zealand vào năm 1999 là một điển hình). Tuy nhiên, ông đã khéo léo tạo dựng được sự ủng hộ và tập trung trí tuệ cần thiết.

Ông đã biết cách có được sự trợ giúp nhiệt tình và tận tâm của giới trí thức, nhất là các “sĩ phu Bắc Hà”. Ông biết mình là ai và cần gì nên ông thuộc ít người có thể sử dụng và kết nối được trí tuệ tập thể của đội ngũ trí thức và những người có những ý tưởng hay rất tốt.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải - Ông đã chọn phần thiệt về mình ảnh 2 Thủ tướng Phan Văn Khải là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam đến thăm chính thức Mỹ kể từ sau năm 1975. Ảnh: Getty.

Di sản ấn tượng

Những gì ông để lại sau gần hai nhiệm kỳ thật là ấn tượng. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế rất cao. Thứ hai, hàng trăm nghìn doanh nghiệp tư nhân ra đời và trở thành động lực mới cho nền kinh tế. Thứ ba, những bước cải cách vững chắc của khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) với tiến trình cổ phần hoá và sự ra đời của Thị trường chứng khoán. Thứ tư, ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ và kết thúc đàm phán để gia nhập WTO để đảm bảo một quá trình mở cửa và hội nhập ngày một sâu rộng hơn.

Trong thời kỳ ông điều hành, các DNNN một cách không chính thức dần được giảm vai trò để tập trung vào những vấn đề cần thiết cho dù thành phần này vẫn được xác định giữ vai trò chủ đạo trong cương lĩnh của Đảng. Ông là người thực hiện triệt để nhất nguyên tắc Nhà nước chỉ tập trung vào sửa chữa các khuyết tật của thị trường, đảm bảo công bằng và để thị trường làm nhiều hơn những gì thuộc về chức năng của nó.

Chính phủ kiến tạo và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra gần đây cũng thuộc tư tưởng này.

Đến giờ này có thể nói rằng những nền tảng kinh tế mà ông để lại khi kết thúc nhiệm kỳ là tốt nhất trong lịch sử Việt Nam. Môi trường kinh doanh được cải thiện rất nhiều và sự lạc quan và niềm tin về một Việt Nam thịnh vượng đã lên rất cao.

"Ông đã làm tròn bổn phận của một kiếp người"

Chính trị là vấn đề nội bộ là đại ý trong câu nói của Tip O’Neill, Chủ tịch Hạ viện Mỹ từ 1977-1987, một trong những dân biểu vĩ đại và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Mỹ - áp dụng cho bối cảnh Việt Nam. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã rất hiểu cuộc chơi và đã đặt lợi ích chung lên trên. Việc ông cầm giấy đọc như trên là một cử chỉ như vậy.

Với bối cảnh Việt Nam hiện nay, rất cần những lãnh đạo với cách tiếp cận biết người biết ta, biết giới hạn và cái khó của mình để làm được điều gì đó tốt cho cái chung trong vị trí của mình. Việt Nam không cần những chính trị gia “làm màu” với những phát biểu dân tuý nhưng chỉ vì cái ghế của mình hoặc những người cứ tuân thủ những quy định và bỏ mặc những thúc bách trong cuộc sống cũng chỉ vì cái ghế mà thôi.

Nói rộng ra một chút là để Việt Nam có thể trở nên phát triển thì rất cần mỗi cá nhân trong xã hội hành xử một cách chính trực, theo đuổi các mục tiêu của cá nhân hay gia đình mình bằng cách tạo ra các giá trị chung cho xã hội chứ không phải tìm cách giành giật theo cách gây tổn hại cho xã hội hay suốt này ca thán mà không nhận ra rằng những trục trặc của xã hội hiện tại là có phần trách nhiệm của mình ở trong đó.

Cuối cùng, tôi không lý tưởng hoá mà nhìn cố Thủ tướng Phan Văn Khải dưới góc độ một con người mà về cơ bản thì nhân vô thập toàn và chịu nhiều ràng buộc với những quan hệ trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều có thể khẳng định là những gì ông đã làm được cho xã hội là rất lớn.

Ông đã làm tròn bổn phận của một kiếp người, mong ông yên giấc nghìn thu và mỉm cười nơi chín suối!

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.