Có thể dùng camera giám sát xả rác

Rác thải sinh hoạt được chất đống trên đường Nghi Tàm (Hà Nội) ngày 6/11. Ảnh: Nguyễn Hoài
Rác thải sinh hoạt được chất đống trên đường Nghi Tàm (Hà Nội) ngày 6/11. Ảnh: Nguyễn Hoài
TP - Đại diện Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT cho biết, để giám sát phân loại rác tại nguồn, xả rác đúng quy định, ngoài sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng, có thể sử dụng camera. Đây là giải pháp nhằm tăng tính khả thi triển khai phân loại rác tại nguồn theo dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi).  

Chậm nhất 2024, phải phân loại rác tại nguồn

Đại diện Tổng cục Môi trường vừa trao đổi về những quy định mới nhất trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) dự kiến được thông qua ngày 11/11. Một trong những điểm mới của dự thảo là thúc đẩy phân loại rác tại nguồn.

Hiện nay, tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam còn cao, một trong các nguyên nhân là rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay.

“Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn, bởi nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải người dân phải nộp sẽ cao”, đại diện Tổng cục Môi trường nhận định. Tổng cục cho biết, Bộ TN&MT đã nghiên cứu kỹ mô hình và kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đang thực hiện thành công việc thu phí xử lý rác thải qua hình thức bán bao bì, thiết bị đựng rác như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Rác thải dự kiến được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế này, dự thảo Luật đưa ra một số quy định như tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định, đơn vị chức năng có quyền từ chối thu gom, vận chuyển, thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết. Để phát hiện các cá nhân vứt rác không đúng quy định, có thể sử dụng hệ thống camera giám sát. Ngoài ra, huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ dân phố, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ, xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Nhiều thử thách

Nhận định đây là quy định có tính “cách mạng” trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay, GS Đặng Kim Chi, một trong những nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu về kỹ thuật bảo vệ môi trường ở Việt Nam, cho rằng, để quy định đi vào thực tế, có nhiều vấn đề cần giải quyết. GS Chi cho biết, trước đây, việc thí điểm phân loại rác tại nguồn được thực hiện ở nhiều nơi nhưng không hiệu quả do thiếu tính đồng bộ từ khâu thu gom đến xử lý. Phân loại xong nhưng lại thu gom chung một xe, hoặc có xe chở riêng thì đổ chung một chỗ. Vì vậy, để triển khai chính sách này, cần phải đồng bộ hóa các khâu từ thu gom, vận chuyển đến lựa chọn công nghệ xử lý cho từng loại rác đã được phân loại.

GS Chi cho rằng, Việt Nam có thực hiện được phân loại rác tại nguồn hay không còn phụ thuộc vào nhận thức của người dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đóng vai trò rất quan trọng. Ở nhiều nước tiên tiến, việc giáo dục môi trường, trong đó có phân loại rác tại nguồn, cần được đưa vào chương trình giáo dục. Theo vị chuyên gia này, quy định về phân loại rác tại nguồn cũng như công nghệ xử lý cần được triển khai một cách linh hoạt theo từng địa phương, dựa trên đặc điểm về địa hình, dân cư, sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần giao quyền cho UBND các tỉnh trong vấn đề phân loại và xử lý rác, không nên đưa ra lộ trình cố định hay cách làm cố định với từng địa phương.

Ông Kim In Wan, nguyên Thứ trưởng Môi trường Hàn Quốc, chia sẻ, Hàn Quốc từng gặp nhiều khó khăn trong quy định phân loại rác tại nguồn, sau nhiều lần thay đổi, phải mất 3-4 năm, người dân Hàn Quốc mới chấp nhận và từng bước triển khai phân loại rác tại nguồn. Vì vậy, ông Wan nhận định, Việt Nam có thể phải mất 5 năm hoặc lâu hơn để quy định này thực sự có hiệu quả.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nói rằng, hiện nay, tại các địa phương, trường học đã hình thành nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn hiệu quả, phù hợp đặc điểm của từng địa phương. Vì vậy, cần tuyên truyền, khuyến khích và nhân rộng các mô hình điển hình để hoạt động phân loại rác tại nguồn thực sự đi vào cuộc sống.

MỚI - NÓNG