Có tham nhũng chính sách không?

Có tham nhũng chính sách không?
TP - “Lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách” trong công tác xây dựng pháp luật... là nội dung được các ĐBQH sáng qua tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

> Có hay không tham nhũng chính sách?

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua còn thiếu khách quan, minh bạch. “Tình trạng tham nhũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực, vậy có hay không tình trạng tham nhũng trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật tức là tham nhũng chính sách? Thực tế, có nhiều văn bản mâu thuẫn nhau, có phải nhằm bảo vệ lợi ích của bộ ngành mình?” –ĐB Thuyền nêu câu hỏi. Còn ĐB Chu Sơn Hà lại băn khoăn “có hay không tình trạng ban hành văn bản pháp luật để phục vụ lợi ích nhóm?”.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, pháp luật là cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nên không thể có lợi ích nhóm. Về nguyên tắc, quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất đầy đủ, chặt chẽ, qua nhiều tầng nấc. Bởi vậy, từ việc ban hành quyết định cho đến nghị định và luật đều được kiểm soát rất chặt chẽ. Theo Bộ trưởng Tư pháp “Chỉ trừ việc xây dựng thông tư, thông tư liên tịch là chưa có sự kiểm soát tốt. Nhưng nguyên nhân của việc này là do quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

“Cũng có thể có những vấn đề chúng ta chưa phát hiện được. Hay bên cạnh đó, có những vấn đề rất khó như kinh doanh vàng, kinh doanh xăng dầu, giá than, giá điện. Chủ trương của chúng ta về việc này rất rõ, nhưng lộ trình, bước đi phải rất chặt chẽ nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát…Với quy trình chặt chẽ trong ban hành văn bản, có thể nói vấn đề lợi ích nhóm được kiểm soát, nhưng cũng không loại trừ khả năng có văn bản này khác có thể có sơ hở” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.

Trả lời ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) và một số ĐB cho rằng, những khoảng trống về pháp luật trong quản lý kinh tế hiện nay đang gây cản trở, tiếp tay cho tiêu cực, làm chính sách khó đi vào cuộc sống, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói: Bộ Tư pháp rất quan tâm vấn đề này. Trước đây Bộ chỉ có 3 vụ xây dựng pháp luật, nhưng hiện nay có thêm một vụ về vấn đề chung xây dựng pháp luật để có cái nhìn xuyên suốt, nhằm phát hiện ra khoảng trống pháp luật.

Cũng tại phiên chất vấn, ĐB Phùng Quốc Hiển và một số ĐBQH cho rằng “còn tình trạng nể nang của Bộ Tư pháp khi phát hiện văn bản vi phạm nhưng chỉ nhắc nhở chứ không kiến nghị xử lý nghiêm khắc cơ quan ban hành”. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Tư pháp đánh giá, làm rõ xem với cung cách làm luật như hiện nay “cứ rút ra, rút vào”, thay đổi nhiều thì tốt hay là dở? “Chuẩn bị thì nói rất hay, xin rút ra nói cũng hay, bổ sung điều chỉnh cũng nói hay, không hiểu ra làm sao nữa” – Chủ tịch QH nói.

Thừa nhận còn có những yếu kém trong quy trình, công tác xây dựng luật, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, việc khắc phục hậu quả do thực hiện văn bản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; tuy nhiên, kết quả cũng đang ngày càng có nề nếp và tốt hơn.

Gây thiệt hại cho dân - cần bồi thường

Chất vấn về tình trạng hàng ngàn văn bản vi phạm, trái luật, ĐB Nguyễn Bá Thuyền kiến nghị: “Nên trao quyền khởi kiện cho dân khi nhà nước ban hành thông tư, nghị định có vi phạm, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của dân”. Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét, đền bù thiệt hại khi ban hành văn bản gây thiệt hại cho người dân.

Bộ trưởng Tư pháp cho biết, bộ chia sẻ với ý kiến của ĐB để nghiên cứu, có thể sau này có bổ sung vấn đề khởi kiện khi sửa đổi, bổ sung pháp luật tố tụng hành chính. Tuy nhiên, đối với vấn đề bồi thường nhà nước khi ban hành văn bản quy phạm, chúng tôi đã tham khảo nhiều nước và không thấy có quy định nào như vậy” – ông Cường nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.