Cố sự tân biên 'Vòng trắng' và 'Sẹo đất'- Kỳ cuối: Chân dung 'thủ phạm'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bây giờ thì hun hút vời vợi những khoảng cách. Mặc dù các Ban của T.Ư Đoàn, những báo Tiền Phong, Thiếu niên, NXB Thanh Niên, NXB Kim Đồng… đóng gần nhau. Nhớ về một thời gần gụi thương mến những gắn kết có lẽ do nhà ăn tập thể của TƯ Đoàn 55 Quang Trung ở ngay sát cơ quan tôi.
Cố sự tân biên 'Vòng trắng' và 'Sẹo đất'- Kỳ cuối: Chân dung 'thủ phạm' ảnh 1

Tòa soạn Tạp chí Thanh niên 62, Bà Triệu

Thời điểm mùa hè năm 1977. Hầu hết cánh độc thân của các Ban T.Ư Đoàn và một số có gia đình đều đặn như vắt chanh, sáng từ 6h30, chiều thì 4h30 đều lũ lượt kéo đến 55 Quang Trung. Khi ồn ào, lúc lặng lẽ xếp hàng lấy cơm. Một đĩa cơm gạo mậu lùm lùm có thời gian độn ngô hoặc kèm nửa cái bánh mỳ. Bát bí đỏ xào với hai, ba lát thịt mỏng tang. Bát nước rau muống đen sì. Chấm hết. Anh nào may mắn được chị Thơm, chị Đông phụ trách và quản lý nhà ăn cho thêm miếng cháy.

Hình như một góc nhà ăn thấp thoáng những cây viết thời ấy. Tùng Điển, Đắc Trung, Lê Minh Khuê, Văn Tùng. Những chiếc bàn đá granito kê cách quãng. Khoảng cách ấy gần lại vì hiếm hoi những lần ăn liên hoan hoặc anh nào có chút quà quê chia xớt ăn lấy thảo.

Một gương mặt lạ lần ấy xuất hiện bên chiếc bàn đá. Cao to. Chiếc túi vải (chắc trước đây là màu trắng) nhem nhuốc lệch một bên người. Tóc chấm ngang vai. Cặp kính cận dày cộp. Làn da mặt hồng hồng… (Mãi sau này tôi mới phát hiện do rượu lên mới làm nên sắc diện ấy). Mà tay này có vẻ quảng giao. Khi ăn chuyện cứ ào ào. Chất giọng Nam pha Bắc nghe ngồ ngộ.

Thấy tôi cứ hếch mắt lên dòm. Anh Bùi Văn Ngợi ở Tạp chí Thanh niên (TCTN) hích vào chân “Định Nguyễn đấy, chưa biết à?”.

Thấy tôi lắc. Anh Ngợi bô bô “Thủ phạm Vòng trắng với Sẹo đất”. Vậy thì tôi biết rồi. Hóa ra lão này cùng “nhà Thanh niên” với anh Ngợi. Mà sao việc kỵ húy ấy anh Ngợi cứ bô bô? Mà lão tóc dài có cái tên Định Nguyễn kia lại có ngay cái cười làm quen hềnh hệch thoải mái với tôi làm vậy?

Định Nguyễn là bút danh. Tên thường gọi là Bá, Nguyễn Bá. Mấy năm ra đụng vào chạm nhà 55. Nhưng ấn tượng phải là những trưa nhà 55 có bán bia hơi. Mà sao bia 3 hào thời ấy ngon thế. Cứ gọi là vàng ươm. Mát lạnh. Buồn cười, nhớ có trưa chất giọng thất thanh của bà Thơm quản lý nhà ăn. Bà đang la lão tóc dài Định Nguyễn thủ cái chậu tráng men của bà đem ra đựng bia “này tôi nói cho các lão biết nhá cái chậu tôi ngâm đồ lót đấy!”.

Chả sao sất. Sau những cung bậc cười vui vẻ là chuyện. Những dạng không đầu chẳng cuối. Những trên trời cùng là dưới bể của cánh viết lách.

Bên cái chậu thau của bà Thơm, tôi biết thêm rồi làm quen với những “tay” máu mặt Phạm Tiến Duật, Ngô Thảo, Ngô Văn Phú, Nghiêm Đa Văn, Hoàng Minh Tường, Hòa Vang, Nguyễn Văn Lưu… Lại có dịp tường thêm chi tiết Định Nguyễn đã chữa “Viết về số không” của Phạm Tiến Duật thành “Vòng trắng” (riêng cái tên “Sẹo đất” thì giữ nguyên cho Ngô Văn Phú) để trình Ban Biên tập TCTN như nào. Hóng chuyện, tôi cũng mang máng rằng, có lẽ cái uy viết lách biên tập của Định Nguyễn đã “qua mặt” được các cây viết như TBT Nguyễn Thừa Lương, Văn Tùng (tác giả “Đội Thiếu nhi du kích thành Huế”) nên một “loạt” tác giả cùng tác phẩm mới lên “đoạn đầu đài” như thế.

Và như thông lệ kết thúc cuộc bia hơi chậu thau như thế là chất giọng trầm rè khá bắt tai của Định Nguyễn. Chất giọng lão oang oang cái điếu văn cho chính mình (do chính lão viết) về cái tai nạn nghề nghiệp mà ai cũng tường. Nhớ câu kết “tổn thất này cũng nho nhỏ thôi! Đau thương này thật là vừa phải” giữa tiếng cười vui vẻ!

Giễu mình mà cứ như không có mình. Biến bi kịch thành thứ hài kịch. Định Nguyễn này quả là… tay tổ! Nhưng mới nghe mới ngó qua thế thôi chứ chuyện cùng vài anh em gần gũi với Định Nguyễn trong TCTN trong đó có anh Ngợi, tôi tường thêm Định Nguyễn sống không dễ dàng gì.

TBT thủ trưởng còn bị mất chức, BBT bị kiểm điểm. Tạp chí bị đóng cửa. Số báo in bài bị thu hồi, tiêu hủy… nữa là cái anh “thủ phạm” bày đặt việc biên tập! Hình như không bị đuổi việc, nhưng không được tham gia biên tập, một hình thức treo bút vô hình. Định Nguyễn tìm nhiều hơn đến rượu để quên. Gia đình thời điểm đó lại trục trặc. Rồi tôi nghe tin Định Nguyễn đã tìm đến nơi làm việc mới là NXB Giao thông vận tải.

Tất nhiên có dịp ngồi với ông bạn rượu Định Nguyễn cũng là một cái thú. Và chả phải xa xôi mặt mà thưa thớt lòng. Nhưng lão đã có nơi ở nơi làm việc mới cũng chả dễ tiện mà gặp.

Rồi đùng cái, hồi đó tôi đang ở xa, nghe tin Định Nguyễn mất!

Sau này ngồi với anh Bùi Văn Ngợi, người còn sót lại của TCTN mới biết thêm cái chết bi thương của Định Nguyễn (anh Bùi Văn Ngợi sau này là Giám đốc NXB Thanh niên đã từng “thoát hiểm” sau cái tai nạn nghề nghiệp việc xuất bản cuốn “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn. Lẩn thẩn nghĩ thêm, mảnh đất nhà 62-64 Bà Triệu quen thuộc một thưở một thời của chúng tôi hình như chưa hẳn là “vượng địa”?).

Cố sự tân biên 'Vòng trắng' và 'Sẹo đất'- Kỳ cuối: Chân dung 'thủ phạm' ảnh 2

Nhà phê bình Định Nguyễn

*

* *

...Bao năm đã qua. Một bài viết của anh Ngô Thảo năm xa ấy hễ có dịp phải ngó đến lại gợi bao nỗi niềm!

ĐỊNH NGUYỄN ƠI, GIÁ MÀ

Năm Tân Mùi chưa qua, mà lần lượt ba bạn văn chưa qua tuổi năm mươi đã kế nhau ra đi: Mùa xuân Trần Vũ Mai, chớm hè: Phùng Khắc Bắc và muộn thu này là Định Nguyễn, một cây bút phê bình văn học. Còn Tô Hà, vừa mất, cũng chỉ mới ngoài năm mươi tuổi.

Tiểu sử đời anh thuộc loại đơn giản và trong sạch: quê ở Cầu Đôi, xứ dừa ngoại ô Quy Nhơn - Bình Định. Mười hai tuổi, như bao gia đình miền Nam thuở ấy, gia đình Nguyễn Văn Bá - tên thật của anh - chia đôi: người con trai theo cha ra Bắc tập kết, người em gái ở lại với mẹ tại quê nhà.

Học xong trường miền Nam, Nguyễn Văn Bá thi đậu vào khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp. Tốt nghiệp với luận văn về thơ Hoàng Trung Thông, đầu năm 1970 anh được phân công về Tạp chí Thanh niên của Trung ương Đoàn.

Thanh niên còn là một tờ nội san chuyên về công tác Đoàn, có thêm Bá, nội san thêm phần văn nghệ: những trang văn, thơ, nhạc, lý luận phê bình… và cũng chính ở phần văn nghệ này đăng hai bài thơ làm nên một tai nạn văn học lớn gọi là vụ 74, đó là bài “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật và “Sẹo đất” của Ngô Văn Phú. Nhà biên tập trẻ ngây thơ, ngơ ngác trước cuộc đời… Anh bắt đầu uống rượu từ đó.

Chúng tôi thường nói trời đã cho Định Nguyễn tất cả những gì có thể: nét hào hoa, phong nhã, vóc người đẹp, gương mặt với mái tóc rũ buồn như một Ê-xê-nhin, tính tình hiền hậu như trẻ con. Và một cây bút phê bình tài hoa: văn hay chữ tốt - với nghĩa đen. Một dạo, những bài viết của Định Nguyễn về thơ Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mỹ Dạ,… được in trên các tờ Văn nghệ, Văn nghệ quân đội. Mục Sổ tay người yêu thơ của Văn nghệ đã in bài anh viết về đất nước của Nguyễn Đình Thi và Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông. Anh bình thơ tinh tế, có lối thẩm định độc đáo, biết chê đúng cách khiến các tác giả bị phê cũng phải có cảm tình.

Báo Nhân dân có in bài phê bình tiểu thuyết Khoảng sáng trong rừng của cây bút nữ trong quân đội Nguyễn Thị Như Trang. Mấy năm sau này, anh chuyển về công tác biên tập sách ở Nhà xuất bản Giao Thông vận tải (NXBGTVT). Một số tiểu thuyết do anh biên tập đã được in ở nhà xuất bản chuyên ngành này.

Ngày giải phóng miền Nam, hai cha con trở về sum họp với mẹ và em gái. Nhưng vết rạn 20 năm xa cách, hai ông bà chung thủy đợi chờ, nuôi con khôn lớn đã không có gì để hàn gắn. Mấy tấm bằng khen một đời thanh bạch, tận tụy của người cha không làm nên thuốc thang chăm sóc cho bà mẹ một đời khó nhọc, khốn khổ vì chồng tập kết và đã khô héo trong đợi chờ. Mẹ mất rồi em gái lỡ dở. Ông già về quê giữ nấm mộ vợ.

Ở Hà Nội, Bá cũng đã có một gia đình, có con trai. Nhưng cái tổ chim xây trong căn phòng tầng trệt, tường bị nứt đôi, móng không ổn đã báo hiệu một sự rạn nứt không thể tránh. Họ chia tay kẻ Bắc người Nam dù nước nhà đã thống nhất.

Năm trước, Bá đã về thăm quê. Bị tai nạn xe cộ trên đường mà anh đã thoát. Nhưng trở ra Hà Nội, càng thấy buồn hơn. Mái tóc dày, rậm ngả muối tiêu rất nhanh. Thân xác gầy võ. Bệnh tật không chịu chạy chữa. Đã bao lần Bá đọc cho bạn bè nghe bài điếu văn tự viết “Tổn thất này thật là trung bình, đau đớn này thật là có hạn”.

Chiều thứ bảy, 26/10 trong Trúc Viên quán bên đường Trần Hưng Đạo nơi Bá tá túc lâu nay, Bá còn ngồi uống rượu với bạn bè.

Sáng Chủ nhật, chị hàng xóm đã thấy chân anh trắng bệch trong phòng. Gọi báo bạn bè, Trần Chi Thắng chỉ kịp xuống cõng anh tới gửi… nhà xác bệnh viện Việt – Đức. Hẳn anh mất vì cảm lạnh đột ngột sáng sớm 27/10 (10/9 Tân Mùi). Phổi anh đã có nước từ mấy tháng nay.

NXB GTVT và đông đảo bạn bè thập phương - không chỉ trong giới văn nghệ - mà làng bạn rượu từ mọi nghề sang hèn trong xã hội đã có mặt tiễn đưa Bá về nơi tạm trú trong nghĩa trang chúng sinh Văn Điển. Cha và em, con trai và vợ ở xa không ai về kịp. Rượu đã tưới ướt đẫm quan tài. Những chai rượu thật ngon đã làm cháy lại cả ngon nến đã tàn. Các bát hương lần lượt hóa, ngọn lửa bốc cao trong nắng thu.

Rượu và lửa có giúp sưởi ấm Bá nơi cư trú mới? Thời gian gần đây, biết anh có ý định nhượng bán nhà, để tìm nơi ở khác. Nhìn anh nằm gọn trong hai thước đất, bao người chợt nghĩ:

Định Nguyễn ơi, giá mà biết cuộc đời cậu chỉ thế này, thì ai nỡ ngăn… Trong thương tiếc một con người tài hoa, hồn hậu, ai cũng nghĩ: Trời đã phú cho anh gần như tất cả, chỉ thiếu đi chút nghị lực. Bởi làm cây sậy hay cây thông giữa thời buổi này cũng cần phải có nghị lực. Thiếu chút nghị lực ấy, con người gần 50 tuổi vẫn chỉ là đứa trẻ…

Cố sự tân biên 'Vòng trắng' và 'Sẹo đất'- Kỳ cuối: Chân dung 'thủ phạm' ảnh 3

Ấn phẩm TCTN

Vĩ thanh

Bài báo này sắp sửa lên khuôn thì bất ngờ, tấm hình Định Nguyễn được gửi tới.

Trước lúc viết bài về Định Nguyễn, phần ảnh để cho chắc, tôi cậy nhờ nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán như trước nay vẫn cậy. Anh Toán chắc khừ “có ảnh”.

Nhưng khổ thân ông anh, suốt cả một tuần lục tung không phải một đống mà một kho phim lưu trữ. Nhưng không thấy.

Tôi mò đến Tạp chí thanh niên, Nhà xuất bản Giao thông, nơi Định Nguyễn từng làm việc. Và tìm gặp, nối máy đến cả gần hai chục người mà tôi mang máng là có quen thân Định Nguyễn. Nhưng hỡi ôi, ai cũng biết, cũng nhớ, và nhắc đến người biên tập tài hoa ấy nhưng tuyệt nhiên chả có nơi nào, chẳng có ai có tấm hình anh cả!

Tôi cậy một tài hoa khác, Lão Trần Nhương Ham Vui, đại để “anh vẽ theo trí nhớ một chân dung Định Nguyễn đi”. Trần Ham Vui cười ngoác mang tai trước năn nỉ ấy và… nhăn nhó bó tay chấm com.

Tôi đành nói khó với Lê Anh Hoài, người coi sóc bài vở TPCN cái phương án có bài nhưng không có hình.

Và như đã nói ở trên, đùng cái, có ảnh Định Nguyễn.

Người gửi đến là nhà văn Ngô Thảo!

Cảm động ngạc nhiên vì trước đó đã quấy quả Ngô Thảo những kỷ niệm về Định Nguyễn. Ngô Thảo đã ưu ái hào phóng chia xớt cả một bài viết rồi. Và cả tháng trước Ngô Thảo đã lắc đầu “mình không có ảnh” trước những nằng nặc, nằn nì.

(Bây giờ mới chợt nhớ ra là đã từng nghe cánh chị em viết lách nắc nỏm nhiều về trữ lượng chu tất, ấm áp của nhà văn Ngô Thảo trong công việc và hành xử. Nay mới có dịp chứng kiến).

Còn chuyện tìm thấy tấm hình của Định Nguyễn ly kỳ như nào, khất bạn đọc một dịp khác!

MỚI - NÓNG