Cố sự tân biên 'Vòng trắng' và 'Sẹo đất' - Kỳ 2: Tại sao 'Sẹo Đất'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cũng thêm chút mở ngoặc về “Vòng trắng”.
Cố sự tân biên 'Vòng trắng' và 'Sẹo đất' - Kỳ 2: Tại sao 'Sẹo Đất' ảnh 1
Một bức ảnh hiếm hoi. Từ trái qua phải: Phạm Tiến Duật, Ngô Văn Phú, Bảo Ninh và Hữu Thỉnh.

Có thể mặt bằng đọc hồi ấy hơi bị hẻo? Mà cũng có thể “Vòng trắng” đùng cái có lệnh cấm (trò đời càng cấm càng kích thích vô khối những tò mò) nên trong giới sinh viên (trong phạm vi không rộng lắm) họ chuyền tay, rỉ tai nhau nên rất nhiều người thuộc lòng “Vòng trắng”. Bên Đại học ngoại ngữ ngay sát khoa Văn trường Tổng hợp, thày trò mở rộng biên độ học ngoại ngữ bằng kiểu dịch rất phóng túng “Vòng trắng”!

Như hai câu cuối “Nhưng bạn ơi bên trong vòng trắng/ Là cái đầu bốc lửa ở bên trong”. Chép ra đây để tham khảo.

Như Anh ngữ:

My dear ! Under each circle being white

Is a head with the fire inside.

Và Pháp ngữ:

Mais mon ami, au-dedans du cercle blanc,

Est toute une tête enflammée à l’intérieur.

Còn đây là Hoa ngữ:

Bạch khuyên chi hạ, thuỳ tri đắc

Tán nhiệt nhân dầu tự hoả sinh.

Quanh “ Vòng trắng” kha khá chuyện bi. Nhưng cũng chả ít hài.

Tôi xin chép lại một giai thoại.

… Đầu năm 1974, chuẩn bị chiến dịch tổng tấn công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khắp miền Bắc đâu đâu cũng nêu cao khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho miền Nam ruột thịt”… Một đợt chỉnh huấn tư tưởng được tổ chức học tập rất rốt ráo. Tuyên giáo Trung ương về tận tỉnh giảng bài, tỉnh giảng cho huyện, rồi huyện giảng cho xã… khí thế thật tưng bừng và háo hức.

… Bấy giờ có chị Đinh Thị Kiên, chồng đi B. Chị là một cán bộ phụ nữ cơ sở rất mẫn cán. Hôm ấy, cả buổi sáng chị Kiên đã dự và tranh luận rất quyết liệt tại hội nghị “sinh đẻ có kế hoạch”, trong đó có vấn đề rất mới, rất đặc biệt là “Đặt vòng tránh thai”, một phát minh đặc sắc của khoa học để hạn chế tăng dân số. Chị Kiên về nhà mới kịp ăn hết củ khoai sọ luộc chấm muối vừng, rồi tức tốc đạp xe lên hội trường huyện để nghe cán bộ tuyên giáo nói về tình hình và nhiệm vụ mới. Chị đến muộn, đồng chí cán bộ tuyên huấn đang phê phán gay gắt một nhà thơ trẻ thiếu ý chí cách mạng. “Giữa lúc cần nói to lên niềm sung sướng tự hào về cái được vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì nhà thơ lại chỉ thấy cái mất, chỉ thấy tang tóc đau thương và than thở…”, rồi đọc bài thơ “Vòng trắng” để minh họa:

“Khói bom lên trời thành một cái vòng đen

Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng …

Là cái đầu bốc lửa ở bên trong”

Chị Kiên nhà mình nghe câu được câu chăng đâm nóng mắt đứng bật dậy nói đanh thép “Sáng nay tôi đã nói rõ quan điểm cá nhân trong hội nghị “sinh đẻ có kế hoạch” rồi. Tôi cứ tưởng hội nghị này có gì mới, cố tranh thủ đạp xe về dự. Hóa ra nội dung vẫn thế. Nhưng tôi cũng xin được nói thẳng: “vòng đen”, “vòng trắng” hay “vòng i-nốc” đi nữa của cái anh nhà thơ nào đó cũng là thất đức tuốt. Chửa thì đẻ - đẻ thì nuôi, lớn lên chúng nó sẽ cầm súng đánh giặc chứ việc gì mà phải đặt vòng đặt vèo cho phức tạp thêm vấn đề. Thời buổi này làm đếch gì có “cái đầu” nào lại “bốc lửa ở bên trong” cái vòng? Các đồng chí ví von khó hiểu bỏ mẹ...”.

Cố sự tân biên 'Vòng trắng' và 'Sẹo đất' - Kỳ 2: Tại sao 'Sẹo Đất' ảnh 2
Nhà thơ Ngô Văn Phú.

Dư âm cùng những đồn thổi của “Vòng trắng” chưa kịp tan loãng và khép lại thì đùng cái, tháng 9/1974 lại xuất hiện “Sẹo đất” của Ngô Văn Phú.

Mà oái oăm, “Sẹo đất” cũng lại in trên tờ Tạp chí Thanh niên (TCTN), sau “ Vòng trắng”.

Lại xin chép ra đây.

SẸO ĐẤT

Ngô Văn Phú

Cái hố bom nằm trên vạt ruộng

Dẫu san bằng vẫn cứ nhận ra

Đến mùa bừa chân bước nhấp nhô

Lúa cấy kín, vệt tròn còn đấy

Tưởng trên da thịt mình mới sẹo

Ai ngờ đất cũng sẹo như người

Trong chiến tranh đạn cắm tay tôi

Trong chiến tranh hố bom đầy đất

Hết chiến tranh, tôi về hợp tác

Đất chuyển vần, vụ lúa vụ khoai

Mỗi đợt trở trời

Vết sẹo trên tay tôi nhức

Mỗi đợt trở trời

Cái hố bom sẹo đất

Có làm đất nhức không, đất ơi?

Đất có màu xanh

Tôi có cuộc đời

Những vết sẹo mãi còn nhắc nhở

Những điều cần nói với ngày mai...

Râm ran, âm ỉ lẫn ầm ĩ lệnh trên thu hồi tiêu hủy tờ TCTN in “Vòng trắng” rồi lại “lệnh” tiếp thu hồi tiêu hủy tờ TCTN in “Sẹo đất”.

Thơ ca một thuở một thời chiến tranh Vệ quốc, đặc biệt là ở giai đoạn chống Mỹ, chỉ toàn tâm toàn ý cho việc đánh giặc. Việc phản ánh chiến tranh, những đau buồn mất mát của chiến tranh là điều cấm kỵ. Nay đùng cái, chỉ mấy tháng của năm 1974 xuất hiện liền nhau hai bài thơ nói về mất mát về “mặt tối” của chiến tranh chứ không phải “mặt sáng”. Mà “Vòng trắng”, tác giả lại là người lính Trường Sơn kiên cường trận mạc Phạm Tiến Duật. Và thêm “Sẹo đất” tác giả là một nhà thơ lâu nay vốn chững chạc chói sáng trên văn đàn, Ngô Văn Phú.

“Người thơ phong vận như thơ ấy”. Nước Nam thời mới hỏi có mấy người mần thơ mà được xưng tụng như… ca dao. Đó là Bảo Định Giang “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Nước Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Nhưng Ngô Văn Phú tài hơn, “thơ” hơn “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng” Hoặc “Người xinh cái nón cũng xinh/ Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn”. Thời điểm in “Sẹo đất”, Ngô Văn Phú đang là Bí thư chi bộ báo Văn Nghệ, tác giả nhiều cuốn sách có tiếng. (Sau này người ta đã tỷ mẩn thống kê, Ngô Văn Phú là nhà văn đa tài, cần mẫn với 230 cuốn sách đã xuất bản, thuộc nhiều thể loại: Thơ, trường ca; văn xuôi - tiểu thuyết, truyện ngắn, dịch thuật, nghiên cứu phê bình; khảo cứu, biên soạn. Với 28 tập thơ, 26 tiểu thuyết, 34 tập truyện ngắn, khảo cứu, dịch thuật đã đưa tên tuổi nhà văn Ngô Văn Phú vào danh sách những tác giả đạt kỷ lục xuất bản sách nhiều nhất ở nước ta hiện nay).

Tài thơ và uy tín đã bầu Ngô Văn Phú từng chững chạc Giám đốc Nhà xuất bản và nhiều năm biệt phái sang Văn Nghệ Quân đội. Năm 1971, một tác giả là chiến sĩ, có tên là Nguyễn Duy Nhuệ, gửi đến VNQĐ một số bài thơ. Ngô Văn Phú chọn bài Chiều khẩu đội. Ít lâu sau, Nguyễn Duy Nhuệ có vẻ buồn vì cho rằng thơ mình không lên tay. Ngô Văn Phú khuyên Nhuệ: “Làm thơ có lúc thế này, có lúc thế khác. Hơi đâu mà lo. Miễn là đừng nản chí. Biết đâu có ngày...”. Được Ngô Văn Phú khuyến khích, năm 1972, người lính Nguyễn Duy Nhuệ đi chiến trường, gửi thơ về VNQĐ rút ngắn tên mình thành Nguyễn Duy. Nhà thơ Nguyễn Duy giành giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ với các bài Hơi ấm ổ rơm, Tre xanh, Bầu trời vuông...

...Nhiều ngày, nhà thơ Ngô Văn Phú đã lang thang trên cánh đồng Uy Nỗ Đông Anh ngay sau trận bom B52. Trong ngổn ngang nhà cửa đồng ruộng đất đai bị cày xới, hố bom to hố bom nhỏ chằng chịt. Ông xót xa liên tưởng đến sẹo đất như sẹo trên da thịt người! Bài “Sẹo đất” vuột ra chả phải ngẫm ngợi chi nhiều!

Và đã có một anh bạn trẻ (cũng chính là người phát hiện ra “Vòng trắng” trong cuốn sổ tay của Phạm Tiến Duật đã cho đăng “Sẹo đất” trên TCTN như đăng “Vòng trắng” – về nhân vật này xin xem TPCN kỳ cuối). Bài thơ có câu “Tưởng như da thịt mình mới sẹo/ Ai ngờ đất cũng sẹo như mình”. Người ta cho rằng tư tưởng tác giả có vấn đề, có ý gieo rắc tâm lý sợ hãi chiến tranh, không có lợi cho cuộc chiến lúc đó.

Tôi không rõ TCTN - người hàng xóm ở 62 Bà Triệu cận gần Tòa báo của tôi - hay cá nhân ai đó, có làm cái việc ghi hồi ký về chặng đường hơn 60 năm tờ Tạp chí phát triển trưởng thành? Nếu có ghi thì thể nào cũng có cái chặng cái đoạn “bĩ”. Ấy là sau cú “Vòng trắng” và “Sẹo đất”. Về cái nạn nghề nghiệp đùng cái giáng xuống ấy chắc phải nhiều chi tiết sinh động. Nghĩ thể nào mà chả có chuyện TCTN bị tạm đóng cửa mấy tháng. Tờ Tạp chí đăng bài “Vòng trắng” và “Sẹo đất” bị thu hồi và tiêu hủy như thế nào. Và ông Tổng Biên tập Nguyễn Thừa Lương bị ngưng chức (sau đó được phục hồi). Đồng chí Nguyễn Tiên Phong, Bí thư T.Ư Đoàn phải tạm về phụ trách TCTN ra sao vv…

62 năm ấy… Đất có tuần, nhân có vận. Năm 2021, tôi được ghé địa điểm mới (không phải ngôi nhà quen thuộc ở 62 Bà Triệu) để chung niềm vui với tờ tạp chí vinh dự là Tạp chí duy nhất của T.Ư Đoàn được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận tính điểm khoa học!

Trở lại với tác giả “Sẹo đất” Ngô Văn Phú. Thời gian đó nhà thơ bị kỷ luật, hạ chức từ Bí thư xuống làm Phó Bí thư Chi bộ báo Văn nghệ, nơi ông đảm nhiệm tổ phó Tổ văn xuôi.

Mãi đến năm 1994, sau hơn 20 năm biệt tích, bài thơ bị nhắc nhở bởi chưa phải thời điểm thích hợp “Sẹo đất” mới lại được in trong tập Mắt mùa thu, một trong 28 tập thơ của Ngô Văn Phú.

Nhà thơ, tiểu thuyết gia Ngô Văn Phú đã đi xa. Nhớ ông anh quý mến, nhớ thêm Ngô Văn Phú còn là một thư pháp gia, một dịch giả cổ thi cự phách! Nhớ về anh thêm những hụt hẫng, ân hận bởi nhiều lắm những rủ rỉ chân tình của ông anh về chữ nghĩa của cổ nhân mà thằng em đã bẵng đi, đã sao nhãng… Bâng khuâng thêm ngắm ngó thưởng lãm những vuông giấy mà anh từng vùn vụt trên đó những dòng thảo thư khoáng đạt. Chứng kiến anh chỉ dùng bút bi, lần ấy tôi đã mạo muội kính ông anh mấy cái bút lông loại nhỏ đã trữ mực chuyên dùng cho thư pháp. Thêm phần hoan hỷ vì ông anh đã mừng đến như thế nào! Lại thêm áy náy vì thi thoảng anh mới đem ra dùng nói là để tiết kiệm!

Hoa tay Ngô Văn Phú không chỉ chữ. Nhớ thêm bàn tay ấy đã từng chế món cá giếc cá trê nướng than hoa với lá gừng như một đầu bếp thượng thặng trên tầng 5 khu nhà xập xệ ở mạn Giảng Võ.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.