Cơ quan hành pháp và tư pháp cùng hứa không hình sự hoá quán hệ kinh tế

Thủ tướng tiếp tục cam kết mạnh mẽ đồng hành, hỗ trợ DN phát triển, yên tâm kinh doanh.
Thủ tướng tiếp tục cam kết mạnh mẽ đồng hành, hỗ trợ DN phát triển, yên tâm kinh doanh.
TPO - Trước Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ, và hàng nghìn doanh nghiệp (DN), lãnh đạo cơ quan công an và tư pháp cùng cam kết không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương đảm bảo thực thi đúng những cam kết này. Cam kết được đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng với DN sáng 23/12.

Thời gian qua, một trong những điều khiến không ít DN cảm thấm bất an trong hoạt động kinh doanh là lo bị hình sự hoá các mối quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính. 

Giải đáp về vấn đề này, về phía cơ quan công an, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, cơ quan này không có chủ trương hình sự quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính. Dù vậy, ngành công an sẽ xử lý nghiêm DN vi phạm pháp luật. 

Theo lãnh đạo Bộ Công an, thời gian qua tội phạm núp dưới vỏ bọc DN đã gây qua những hệ quả xấu với sản xuất kinh doanh, trật tự xã hội. Đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, tín dụng đen, đòi nợ thuê, sử dụng đối tượng hình sự để chèn ép DN khác, làm méo mó môi trường kinh doanh… Cùng đó, tội phạm kinh tế về tham nhũng, buôn lậu, hàng giả… cũng ảnh hưởng trực tiếp tới các DN, môi trường kinh doanh.

“Bộ Công an sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh với các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế. Đồng thời để nghị DN cũng cần chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, tích cực phối hợp cơ quan chức năng xử lý tranh chấp, khiếu kiện, phòng chống tội phạm”, tướng Lương nói.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí khẳng định, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, với các hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, làm ăn phi pháp sẽ xử lý nghiêm để răn đe, đảm bảo lành mạnh môi trường kinh doanh, bảo vệ người làm ăn lương thiện.

“Để xã hội phát triển, DN ổn định làm ăn, ngành kiểm sát cam kết hạn chế không hình sự hoá quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự”, ông Trí nói. Theo ông Trí, tháng 7/2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có văn bản thông báo tới toàn ngành cần thận trọng trong xem xét xử lý vụ việc trong quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự. Trường hợp có sai phạm, ưu tiên để các bên đàm phán, nếu không đàm phán mới xem xét xử lý hình thức khác. 

Cũng trong năm 2019, ngành kiểm sát đã đình chỉ ít nhất 5 vụ việc không xử lý hình sự quan hệ kinh tế, đình chỉ cả vụ việc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam để 2 bên đàm phán. 

“Chúng ta cần đưa ra quy định thông thoáng, để DN dễ thở hơn, để không vi phạm, đó là điều DN cần nhất hiện nay”, ông Trí nói thêm.

Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng cho biết, hiện ngành đã công khai hơn 500.000 bản án lên cổng thông tin để mọi người dân, DN truy cập làm tư liệu tham khảo. Đặc biệt, với việc Quốc hội thông qua Luật Hoà giải, qua đó ưu tiên giải quyết các tranh chấp xã hội, dự sự, thương mại theo hướng thân thiện, 2 bên cùng thắng. Do đó, ông Bình mong DN sử dụng cơ chế mới này như con đường ưu tiên để giải quyết tranh chấp, bất đồng trong hoạt động kinh doanh.

Người đứng đầu Toà án Nhân dân Tối cao cũng cam kết ủng hộ, đồng hành và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN. Đồng thời, ông Bình mong các DN cùng chấp hành pháp luật để cùng về đích an toàn, nếu chen lấn bất chấp pháp luật sẽ có người về trễ, thậm chí người nằm lại và không bao giờ tới đích.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thẳng thắn nhìn nhận, pháp luật còn nhiều bất cập so với kỳ vọng của DN và xã hội. Do đó, Bộ này sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của DN để tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện thể chế, giảm thực chất điều kiện kinh doanh, nâng cao năng lực công chức và đạo đức công vụ.

Để chống hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự, nhiều giải pháp đã được Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành trong các Nghị quyết. Đồng thời, trong Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng chỉ còn 2 hành vi kinh tế bị xử lý hình sự.

Tuy vậy, theo ông Long, điểm khó là phân biệt bản chất vụ việc quan hệ kinh tế tự nguyện, minh bạch. Vì trong thực thi pháp luật có sự nhầm lẫn do nhận thức và thực hiện không đúng, lạm dụng dẫn tới hình sự hoá quan hệ kinh tế. Do đó, trong quá trình thực thi pháp luật, nếu DN phát hiện có nhầm lẫn cần chủ động khiếu nại, hoặc làm việc với cơ quan thực thi để làm rõ, chủ động sử dụng luật sư trong hoạt động.


Phát biểu tổng kế Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cảm thấy vui vì các ý kiến thẳng thắn, góp ý xây dựng. Đặc biệt, không chỉ DN nói về DN, còn có các có quan điều tra, tư pháp, cơ quan xây dựng pháp luật đều cảm kết không hình sự hoá quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự để tạo điều kiện cho DN phát triển. Đồng thời, với DN vi phạm, núp bóng kinh doanh để hoạt động phạp pháp phải xử lý nghiêm.

Người đứng đầu Chính phủ hy vọng tới năm 2020 Việt Nam sẽ có 1 triệu DN, nhưng không chỉ về số lượng còn đạt các chi tiêu về chất lượng, sự lớn mạnh. Thủ tướng mong các DN cùng đoàn kết lại để làm ăn lớn, hình thành các ngành hàng cùng phát triển.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các định hướng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt về mặt bằng, vốn, nhân lực… để tạo điều kiện cho DN phát triển. Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì tổng hợp các kiến nghị của DN để Thủ tướng ban hành Nghị quyết định hướng phát triển DN thời gian tới. Chính phủ cam kết bảo vệ quyền tài sản chính đáng của DN, sẽ nghiên cứu để sớm ban hành quy chế về vấn đề này.

“Cần chấm dứt ngay tình trạng nhân viên công quyền sử dụng quyền lực để hù doạ DN khi DN có sai sót, tranh chấp hợp đồng, loại bỏ ngay cán bộ vi phạm. Thay vì vậy, nhân viên công quyền phải phân tích, hướng dẫn để DN làm tốt hơn”, Thủ tướng yêu cầu.


MỚI - NÓNG