>Xử phạt các hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm
>Rà soát danh mục chất cấm được phép nhập
Ông Trần Đình Vĩnh - Chi cục trưởng CCBVNLTS đã yêu cầu ban quản lý chợ tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thủy sản nhập về chợ, đồng thời kiểm tra thường xuyên các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này. Theo ông Vĩnh, để đảm bảo nguồn thủy sản sạch, sắp tới sẽ thành lập đoàn kiểm tra khảo sát các vùng cung cấp thủy sản vào TPHCM. “Chúng tôi sẽ làm việc với các địa phương hình thành chuỗi cung ứng thủy sản sạch về TPHCM như nguồn con giống, điều kiện nuôi trồng, quản lý nghiêm ngặt nguồn thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thủy sản” - ông Vĩnh cho biết.
Sau khi có thông tin cá nhiễm chất cấm, CCBVNLTS đã tăng cường kiểm tra, giám sát tại chợ đầu mối thủy sản Bình Điền bằng cách lấy mẫu kiểm tra nhanh tại chỗ. Tuy nhiên, vẫn chưa phát hiện thêm cá nhiễm mới ngoài hai mẫu cá diêu hồng lấy ngẫu nhiên tại chợ Bình Điền. Hai mẫu cá trên có nguồn gốc từ Đồng Tháp và Tiền Giang, bị nhiễm hàm lượng thấp. Sau khi phát hiện, Chi cục đã thông báo cho các địa phương để tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như có biện pháp xử lý.
“Chi cục đã mời 18 tỉnh khu vực ĐBSCL tham gia giám sát quá trình nuôi trồng thủy sản, đảm bảo chất lượng nguồn hàng đưa về TPHCM tiêu thụ”, ông Vĩnh cho biết. Theo ông Nguyễn Huy Điền-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Tổng cục cũng đã tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp vào cuộc kiểm tra, nhanh chóng xử lý dứt điểm để tránh tình trạng kéo dài gây bất lợi cho ngành thủy sản.
Trước thực trạng này, Chi cục Bảo vệ thực vật, CCBVNLTS và Chi cục Thú y TPHCM đã cùng nhau tập trung tại chợ Bình Điền để thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng yêu cầu các tiểu thương khi lấy hàng cũng cần nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Chất cấm từ đâu?
Theo ông Nguyễn Như Pho, Phó Tổng giám đốc Công ty CP EWOS Việt Nam, đơn vị chuyên cung cấp thức ăn nuôi trồng thủy sản, rất có thể do ao nuôi cá trước đó được dùng nuôi tôm. Theo ông Pho, chất triflyralin trước đây được sử dụng xử lý ao nuôi tôm do chất này có tác dụng chống rong rêu bám trên vỏ tôm cũng như trị một số ký sinh trùng bám vào mang, vây. Sau đó, chất này tồn dư lâu trong ao hồ nên nhiễm vào cá.
Còn ông Phạm Văn Hiến ở ấp Thới Thanh, Thới Sơn, Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, chủ nuôi của lô cá diêu hồng bị phát hiện nhiễm trifluralin tại chợ Bình Điền cho biết, cá diêu hồng tại cơ sở của ông không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu nên thường xuyên phải làm các xét nghiệm về chất tồn dư. Theo ông Hiến, hóa chất trifluralin bị cấm từ năm 2010 nên các hộ nuôi không dùng nữa, vì vậy cá nhiễm có thể do nuôi lồng bè trên sông, nhiễm chất cấm từ môi trường nước tự nhiên.
Bà Phạm Thị Thu Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long nhìn nhận, cá diêu hồng nhiễm chất trifluralin là thụ động, do chất này trong thuốc diệt cỏ trôi ra sông gặp các lồng cá bè nuôi trên sông nhiễm vào cá.
Còn ông Nguyễn Doãn Phú - Phó Giám đốc Chợ đầu mối Bình Điền cho biết, nguồn cá đồng nhập về chợ Bình Điền mỗi ngày trên 300 tấn. Tuy nhiên, từ khi có thông tin chất cấm trong cá nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng này cho biết không bán được hàng.