Công ty chứng khoán phụ thuộc rất lớn vào sự lên xuống của thị trường. Ảnh: HTD. |
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2010 có tới 20 công ty chứng khoán (CTCK) báo cáo thua lỗ trên tổng số 105 CTCK đang hoạt động. Đây cũng là lĩnh vực kinh doanh có tỉ lệ doanh nghiệp lỗ nhiều nhất hiện nay.
Thông tin CTCK có vốn điều lệ lớn như Kim Long rút lui khỏi thị trường càng chứng tỏ sự khó khăn rất lớn đối với các CTCK hiện nay. Nhất là trong bối cảnh thị trường ảm đạm kéo dài nguy cơ phá sản, mua bán các CTCK sẽ diễn ra rầm rộ trong thời gian tới.
Hơn 50% cổ phiếu CTCK giao dịch dưới mệnh giá
Tính tới ngày 4-3, toàn thị trường có tới 176 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đang giao dịch thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Ở thời điểm đáy của VN-Index rớt xuống 420 điểm (ngày 19-11-2010) thì mới chỉ có 103 mã có giá trị dưới 10.000 đồng. Điều đáng nói là có hơn 50% cổ phiếu của các CTCK đang giao dịch dưới mệnh giá.
Những mã giảm mạnh nhất hiện nay là của CTCK phố Wall đang giao dịch ở mức 6.400 đồng/cổ phiếu, Châu Á-Thái Bình Dương 7.500 đồng… Trong số 25 CTCK đã niêm yết thì chứng khoán Kim Long có tính khoản lớn gần nhất, được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, sự kiện doanh nghiệp này rút khỏi thị trường đã tác động mạnh lên tâm lý nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc môi giới CTCK Đông Dương, các cổ phiếu chứng khoán và ngành tài chính năm nay sẽ cực kỳ khó khăn do bị tác động trực tiếp bởi các chính sách tiền tệ. Ngoài ra, đặc thù của cổ phiếu CTCK phụ thuộc rất lớn vào sự lên xuống của thị trường, nếu thị trường tăng điểm đi lên thì các CTCK tăng trưởng mạnh và ngược lại.
“Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán tiếp tục ảm đạm và đi xuống, sự khó khăn của các CTCK sẽ gia tăng gấp bội. Sẽ có nhiều công ty không đủ tiềm lực tài chính để trụ vững” - ông Trung nói.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2010 nhiều CTCK báo cáo lỗ, chỉ tính riêng quý IV đã có tới chín công ty báo cáo thua lỗ. Dẫn đầu là VNDIRECT với 117 tỉ đồng, tiếp theo là CTCK phố Wall lỗ 41 tỉ đồng...
Ông Trần Nhật Huy, Phó Tổng Giám đốc CTCK Worri, cho biết mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận chủ yếu cho các CTCK đến nay vẫn là tự doanh, môi giới, dịch vụ ứng trước tiền, tư vấn niêm yết. Tuy nhiên, các hoạt động này chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố thị trường.
Nhất là năm 2010 hầu hết đầu tư chứng khoán đều thua lỗ nên CTCK nào tự doanh nhiều sẽ lỗ đậm. Theo lãnh đạo Kim Long, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thua lỗ 172,81 tỉ đồng (8,53%) của năm 2010 là do hoạt động ở mảng tự doanh không hiệu quả.
Hoạt động mua bán, sáp nhập sẽ rầm rộ
TS Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng chỉ nhẩm tính cũng thấy rõ thị trường đang “khủng hoảng thừa” CTCK. Tốc độ gia tăng CTCK là quá mức so với tốc độ phát triển của thị trường. Theo ông Dương, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện chỉ cần khoảng 40-50 CTCK là đủ.
Ông Trần Nhật Huy, CTCK Worri, nhận định với chính sách thắt chặt tiền tệ vào chứng khoán và bất động sản của Ngân hàng Nhà nước, những CTCK nào lấy hoạt động chính là cho vay đòn bẩy tài chính, hoặc tự doanh sẽ rất khó khăn.
“Mỗi CTCK phải nhanh chóng lựa chọn cho mình phương án mua bán, sáp nhập, tìm đối tác chiến lược… thì mới kịp thời đối phó để tồn tại trong thời gian tới. Thậm chí doanh nghiệp cũng nên tính tới phương án giải thể” - TS Lê Thẩm Dương nhận định.
Năm 2011 sẽ tiếp tục khó khăn với thị trường khi hàng hoạt chính sách kinh tế vĩ mô mới ra đời, các CTCK buộc phải lên phương án tái cơ cấu mạnh mẽ, tiếp tục mạnh tay cắt giảm chi nhánh, nhân sự, tìm đối tác chiến lược lớn để có thêm nguồn tài chính dồi dào “tiếp máu” duy trì công ty vượt qua khó khăn hiện tại.
Theo ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan này rất khuyến khích các CTCK tái cơ cấu theo hướng thâu tóm, sáp nhập CTCK, nâng cao chất lượng dịch vụ trung gian cho thị trường.
Nhà đầu tư ngoại chớp thời cơ Nhiều nhà đầu tư ngoại đã chớp cơ hội mua cổ phiếu của CTCK để chờ cơ hội thâu tóm, mua lại. Cơ hội sẽ đến khi năm 2012 Nhà nước cho phép thành lập CTCK 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Cuối tháng 2 vừa qua, CTCK Nikko Cordial (Nhật Bản) đã mua lại 14,9% cổ phần của CTCK Dầu khí để trở thành đối tác chiến lược của công ty này. Tiếp đó là sự kiện CTCK và đầu tư Hàn Quốc đã mua gần 49% cổ phần của CTCK Gia Quyền. Ngoài ra, còn rất nhiều thương vụ mua bán cổ phần CTCK khác đang được đối tác ngoại đàm phán. |
Pháp luật TP. HCM